21/03/2020 07:40 GMT+7

Quán bún thành 'phòng trọ dã chiến', 10m2 cũng sẵn sàng thêm 3 bạn vô ở chung

CÔNG TRIỆU
CÔNG TRIỆU

TTO - Miễn phí tiền trọ, tiền điện, nước… là cách nhiều người dân, hộ kinh doanh ở quận Thủ Đức (TP.HCM) làm để giúp hàng ngàn sinh viên trước thông báo tạm ngưng tiếp nhận của ký túc xá (KTX).

Quán bún thành phòng trọ dã chiến, 10m2 cũng sẵn sàng thêm 3 bạn vô ở chung - Ảnh 1.

Ông Minh “cô đơn” (trái) nhận chuyển hành lý miễn phí cho các sinh viên ở khu KTX ngày 18-3 - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Trái ngược với hình ảnh tấp nập, đông đúc trước kia, Khu đô thị ĐHQG TP.HCM giờ đây im lìm. Vắng sinh viên, mọi hoạt động buôn bán ngưng trệ, nhiều quán xá nơi đây cũng đã đóng kín cửa.

Biến quán ăn thành phòng trọ "dã chiến"

Không nằm ngoài ảnh hưởng, quán bún nhỏ cạnh đường Lương Đình Của (Dĩ An, Bình Dương) của chị Nguyễn Thị Thùy (40 tuổi) cũng nghỉ bán từ tết đến nay. Quán bún là nguồn thu nhập duy nhất của chị kể từ khi theo con trai là Phan Hữu Lợi (sinh viên năm 2 Trường ĐH Luật TP.HCM) vào trọ học tại đây.

Quán đóng, không thu nhập, chị quay về Bình Thuận tìm việc mới để trang trải cuộc sống cũng như khoản tiền thuê mặt bằng của quán bún (7 triệu đồng/ tháng).

15 bạn sinh viên trọ tạm tại quán bún chị Thùy sẽ chỉ đóng tiền điện nước - Video: CÔNG TRIỆU

Thế nhưng, trước thông tin nhiều sinh viên đang gặp khó khăn do không tìm được chỗ ở mới, chị nhảy xe quay lại Sài Gòn. Mở cửa, quán bún cũ được sắp xếp lại nay trở phòng trọ "dã chiến" cho 15 sinh viên từ khu KTX chuyển sang. 

Thấy tụi nhỏ loay hoay tìm trọ mà thương quá. Chúng cũng như con mình, cũng khổ cực vào đây trọ học mà đằng nào tiền nhà mình cũng phải đóng thì thôi cho các bạn ấy ở, giữ nhà mà lại hay"

Chị Nguyễn Thị Thùy

Quán bún thành phòng trọ dã chiến, 10m2 cũng sẵn sàng thêm 3 bạn vô ở chung - Ảnh 4.

Chị Thùy (trái) phụ giúp Phương Trinh sắp xếp hành lý tại nhà mình - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Theo Phương Trinh (sinh viên năm 2 Trường ĐH Khoa học xã hội & Nhân văn TP.HCM), dù không đi học, nhưng vì tại ở quê Bình Thuận đã có ca nhiễm với COVID-19 nên Trinh quyết định trụ lại để đi làm kiếm thêm thu nhập giúp gia đình.

"Vì cô nằng nặc không lấy tiền trọ, còn tiền điện nước thì mỗi người chia nhau một ít là được nên mình tính sau này quán cô mở lại sẽ sang đây chơi, và phụ bưng bê, xem như trả ơn khi được cô giúp đợt này" - Phương Trinh nói thêm.

Quán bún thành phòng trọ dã chiến, 10m2 cũng sẵn sàng thêm 3 bạn vô ở chung - Ảnh 5.

Căn nhà trước là quán bún của chị Thùy - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Những ngày này, căn nhà thuê nằm sâu trong hẻm nhỏ ở khu phố Tân Hòa (Dĩ An, Bình Dương) của bà Dương Thị Thúy Hằng (45 tuổi, bán hoa quả trước khu KTX) cũng mở cửa đón nhiều sinh viên đến đây gửi tạm đồ.

Theo bà Hằng, vì nhà nhỏ lại ở cùng hai con gái nên không có điều kiện để cho các bạn sinh viên có thể trọ lại. Những túi đồ được sắp xếp gọn với dòng tên rõ ràng là cách bà Hằng bảo quản và tránh nhầm lẫn cho những ai gửi đồ tại đây.

Nếu chiều mai mà còn bạn nào chưa tìm được trọ thì tôi cũng kêu về nhà ở chung, chật chật một tí cũng được chứ ra ngoài tốn tiền tội lắm, Mấy bạn sinh viên ở lại đến giờ là vì đi làm kiếm tiền học đấy, tôi bán đây nhiều năm nay biết mà

Bà Dương Thị Thúy Hằng

Quán bún thành phòng trọ dã chiến, 10m2 cũng sẵn sàng thêm 3 bạn vô ở chung - Ảnh 7.

Bán hoa quả trước cổng KTX là nguồn thu nhập duy nhất của bà Hằng bao năm qua - Ảnh: CÔNG TRIỆU

10m2 bốn người ở

Là sinh viên năm 4 của Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, Huỳnh Thị Mỹ Chi đã dọn lại căn phòng trọ rộng chưa đầy 10m2 tại khu phố 5 (phường Linh Trung, Q.Thủ Đức) của mình để đón thêm ba bạn sinh viên khác đến trọ tạm đợt này.

Quán bún thành phòng trọ dã chiến, 10m2 cũng sẵn sàng thêm 3 bạn vô ở chung - Ảnh 8.

Nhiều sinh viên có mặt tại KTX đã chủ động chuyển ra ngoài ở - Ảnh: CÔNG TRIỆU

"Chào các bạn, hiện tại mình thấy một số bạn đang không có chỗ ở hoặc các bạn không đủ điều kiện thuê trọ mới nên mình muốn cho 2-3 bạn nữ vào ở chung. Phòng trọ mình hơi nhỏ nhưng nếu chịu khó tí thì cũng ở được 4 người. Các bạn chỉ cần chia nhau tiền điện nước đã dùng là được, còn tiền phòng mình lo nhé!". 

Dòng chia sẻ của Chi trên một nhóm Facebook nhanh chóng nhận được nhiều lời khen ngợi của đông đảo sinh viên đang tại khu KTX. 

"Là một trong ba bạn có duyên nhận được sự giúp đỡ của chị Chi trong đợt này, mình cảm thấy vui lắm. Việc nhường ký túc xá cho phòng chống dịch bệnh là điều nên làm. Và việc được sẻ chia chỗ ở càng làm cho chúng mình yên tâm hơn với những gì mà mọi người đang làm" - một trong ba sinh viên nhận giúp đỡ từ Chi chia sẻ.

Được ở chung, làm quen và chia sẻ cùng mọi người thì điều bất tiện đó cũng đáng mà

Huỳnh Thị Mỹ Chi

Giữa lúc kinh doanh khó khăn, anh Nguyễn Ngọc Văn (37 tuổi) lại tuyển thêm một số nhân viên cho quán nước nhỏ mà mình đang làm chủ tại phường Tam Phú (Thủ Đức), thay vì đi cắt giảm.

Theo anh Văn, việc tuyển thêm nhân viên trong đợt này là cách để anh "đùm bọc", sẻ chia phần nào khó khăn cho những sinh viên trong đợt dịch lần này. "Trước thì quán do mình quản lý nhưng thôi vì các sinh viên đang khó khăn nên mình tìm việc khác làm, rồi nhận các bạn vào để có thêm đồng ra đồng vô trang trải thêm. Không nhiều lắm nhưng hy vọng các bạn ấy vui" - anh Văn nói.

'Tay mỏi nhừ, lưng đau cứng nhưng ráng may 30.000 khẩu trang tặng bà con'

TTO - Hội phụ nữ phường Thanh Khê Tây, Đà Nẵng cùng bộ đội biên phòng Phú Lộc đang hoàn thiện 30.000 khẩu trang phát miễn phí cho người dân phòng chống dịch COVID-19.

CÔNG TRIỆU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên