Ông Dave Burt, giám đốc điều hành của Công ty nghiên cứu đầu tư DeltaTerra Capital, một trong số ít người nhận ra thị trường nhà đất đang trên bờ vực sụp đổ vào năm 2007, tin rằng một rủi ro khí hậu bị bỏ qua và không được định giá có thể khiến lịch sử lặp lại.
Nhận xét của ông Burt được đưa ra vào thời điểm thị trường nhà ở tại Mỹ đang trải qua một sự thay đổi cơ bản lớn do lãi suất thế chấp cao hơn. Đồng thời, các ngân hàng trung ương toàn cầu tiếp tục cuộc chiến chống lạm phát bằng cách tăng lãi suất.
Ông lưu ý rằng quá trình phục hồi ở Florida sau cơn bão Ian là một vấn đề cần theo dõi chặt chẽ. Đặc biệt triều cường đã phơi bày một cơn ác mộng về bảo hiểm lũ lụt đối với các chủ nhà.
"Quan sát dữ liệu cơ bản về doanh số bán nhà và hàng tồn kho, một tần suất cao cho thấy mọi thứ chắc chắn đang đi xuống đối với những bất động sản bị hư hỏng do lũ lụt này", ông Burt nói.
Thị trường nhà ở Mỹ được định giá quá cao?
Trong khi hầu hết các nhà đầu tư vẫn hoài nghi về tác động của rủi ro khí hậu đối với danh mục đầu tư của họ, một nghiên cứu gần đây đã cảnh báo thị trường nhà ở Mỹ có thể bị định giá quá cao, khoảng 200 tỉ USD, do rủi ro lũ lụt không được đưa vào định giá.
Phân tích được công bố giữa tháng 2 trên tạp chí Nature Climate Change.
Được ủy quyền từ các nhà nghiên cứu từ Quỹ Bảo vệ môi trường, Quỹ First Street và Cục Dự trữ liên bang, nghiên cứu đã mô hình hóa những thay đổi ở cấp độ tài sản đối với rủi ro lũ lụt trên khắp nước Mỹ trong 3 thập kỷ tới.
Các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng các hộ gia đình có thu nhập thấp đặc biệt dễ bị tổn thương khi giá trị nhà giảm.
“Lý do lớn nhất, quan trọng nhất theo quan điểm của chúng tôi là rủi ro khí hậu không được định giá vào thị trường nhà ở” - ông Jeremy Porter, người đứng đầu bộ phận tác động khí hậu tại First Street Foundation, nói với Đài CNBC.
Gần 15 triệu nhà cửa công trình đối mặt với lũ lụt
Ông Porter cảnh báo khi mọi người tiếp tục thiếu thông tin đầy đủ về rủi ro khí hậu khi mua nhà, vẫn tồn tại nguy cơ các hộ gia đình có thể mất một phần đáng kể giá trị tài sản của họ chỉ sau một đêm.
Hiện tại, nghiên cứu cho biết gần 15 triệu tài sản ở Mỹ phải đối mặt với khả năng lũ lụt hằng năm, với thiệt hại dự kiến đối với tài sản dân cư được dự báo sẽ vượt quá 32 tỉ USD/năm.
Nghiên cứu cũng cảnh báo tần suất và mức độ nghiêm trọng của lũ lụt ngày càng tăng - trong bối cảnh tình trạng khẩn cấp về khí hậu ngày càng sâu sắc - có thể khiến số lượng tài sản của Mỹ bị ảnh hưởng bởi lũ lụt tăng 11% và thiệt hại trung bình hằng năm tăng ít nhất 26% vào năm 2050.
"Một cuộc khủng hoảng nhân đạo"
Ông Burt nhấn mạnh rủi ro khí hậu liên quan đến thị trường nhà ở Mỹ đặt ra một vấn đề lớn đối với các quốc gia trên toàn thế giới.
"Đó là một cuộc khủng hoảng nhân đạo hơn khi bạn bắt đầu nhìn vấn đề này qua lăng kính toàn cầu", ông Burt nói.
Munich Re, công ty tái bảo hiểm lớn nhất thế giới, đã quan sát thấy thiệt hại kinh tế nặng nề vào năm 2022 khi khủng hoảng khí hậu gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan hơn, chẳng hạn như bão Ian ở Mỹ và lũ lụt như tận thế ở Pakistan.
Người ta ước tính rằng những thiệt hại này lên tới 270 tỉ USD vào năm 2022, trong đó khoảng 120 tỉ USD đã được bảo hiểm.
Ông Ernst Rauch, nhà khoa học địa lý và khí hậu hàng đầu tại Munich Re, nói với Đài CNBC: “Cuối cùng, những nhà đầu tư bất động sản phải trả giá cho những tổn thất ngày càng tăng này".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận