17/12/2022 10:14 GMT+7

Phát triển nền công nghiệp tự chủ: phải liên kết làm công nghiệp

T.LỰC - B.DŨNG - L.TRUNG - N.LINH
T.LỰC - B.DŨNG - L.TRUNG - N.LINH

TTO - Muốn phát triển nền công nghiệp tự chủ, Việt Nam cần có những doanh nghiệp mạnh, liên kết và cùng phát triển. Nhưng thực tế vẫn còn nhiều rào cản, đâu đó vẫn không dễ liên kết.

Phát triển nền công nghiệp tự chủ: phải liên kết làm công nghiệp - Ảnh 1.

Công nhân điều khiển dây chuyền sản xuất săm lốp ô tô tại Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng - Ảnh: TẤN LỰC

Thông tin từ Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Đà Nẵng cho biết đã ký ghi nhớ với Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng để tiếp cận 600 doanh nghiệp hội viên tại Đà Nẵng, Quảng Nam.

Theo ông Chris Vanloon - chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Đà Nẵng, hiệp hội sẵn sàng chia sẻ danh sách các doanh nghiệp này cho các doanh nghiệp Việt Nam và hiệp hội doanh nghiệp khác như Hàn Quốc, châu Âu, Nhật Bản.

Tăng sức mạnh cho chuỗi cung ứng

Là lá cờ đầu của công nghiệp Đà Nẵng, ông Lê Hoàng Khánh Nhựt, tổng giám đốc Công ty Cao su Đà Nẵng (DRC), cho hay sau nhiều nỗ lực, đến nay doanh nghiệp này đã liên kết được 30% chủng loại sản phẩm đầu vào từ nguồn trong nước và đặt mục tiêu nâng lên cao hơn nữa.

Trong đó, nguyên vật liệu được ưu tiên sử dụng từ các nguồn cung cấp gần như Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam.

Với đầu ra, doanh nghiệp này đã xuất khẩu đến 45 quốc gia, bao gồm các thị trường khó tính như Mỹ, EU. Tại thị trường trong nước, DRC là nhà cung cấp cho THACO, Hyundai Thành Công, Ô tô Chiến Thắng, Daehan Motors và các doanh nghiệp lắp ráp xe điện, xe máy...

Doanh thu ước tính của DRC trong năm 2023 đạt khoảng 5.000 tỉ đồng, trong đó giá trị xuất khẩu đạt 130 triệu USD, liên tục tăng trưởng nhanh qua các năm.

Doanh nghiệp này đặt mục tiêu nâng công suất lên thêm hàng triệu lốp/năm và cạnh tranh sòng phẳng với các thương hiệu lốp hàng đầu hiện nay. Theo ông Nhựt, để hỗ trợ chuỗi cung ứng trong nước, Nhà nước cần có chính sách ưu tiên nguồn hàng nội địa.

Khi số lượng doanh nghiệp nội địa càng nhiều sẽ hỗ trợ sức mạnh chuỗi cung ứng, ổn định điều kiện sản xuất. Đồng thời, cần có sự hỗ trợ trong kết nối giao thương với các tập đoàn đa quốc gia và các công ty xuất khẩu.

Ông Nguyễn Anh Vũ - tổng giám đốc Công ty cổ phần Hifill, đơn vị chuyên sản xuất thiết bị lọc nhớt, lọc dầu và lọc gió cho nhiều loại ô tô, xe chuyên dùng tại Việt Nam và xuất khẩu sang Đông Nam Á, châu Phi - cho biết đến nay doanh nghiệp này đã có một số thành công ban đầu nhờ tham gia sâu vào công đoạn sản xuất cùng các thương hiệu ô tô.

Tuy nhiên, theo ông Vũ, Nhà nước cần có chính sách thuế ưu đãi để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ nội địa.

Ông Vũ dẫn ví dụ thuế nhập khẩu thành phẩm các loại phụ tùng như lọc nhớt, lọc gió, lọc dầu là 0% nhưng doanh nghiệp nhập khẩu nguyên vật liệu về sản xuất như giấy lọc, keo dán lại bị đánh thuế 3 - 15%. Điều này làm mất khả năng cạnh tranh của sản xuất trong nước.

Cần có hỗ trợ kết nối các đối tác

Ông Chris Vanloon cho hay khi Tập đoàn Universal Alloy Corporation của Mỹ quyết định đầu tư nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ trị giá 170 triệu USD tại Đà Nẵng đã gặp phải nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm trang thiết bị, doanh nghiệp hỗ trợ.

Do đó, tập đoàn này buộc phải mang các nhà thầu bên ngoài vào đào tạo và hướng dẫn các quy chuẩn để cung ứng cho hoạt động sản xuất.

Sau ba năm hoạt động, đến nay nhà máy này đã cung cấp 5 triệu linh kiện máy bay cho Boeing, Airbus. Tuy nhiên làm thế nào để kết nối các doanh nghiệp nội địa vào chuỗi cung ứng, hỗ trợ các doanh nghiệp FDI là điều cần được quan tâm.

Do đó ông Vanloon cho biết rất ủng hộ ý tưởng xây dựng một nền tảng dữ liệu về các doanh nghiệp công nghiệp trong và ngoài nước để có thể chia sẻ cho nhau trong việc tìm kiếm cơ hội hợp tác.

Một lãnh đạo của Tập đoàn THACO cho biết trong giai đoạn mới, chiến lược của tập đoàn này là hợp tác, hình thành một hệ sinh thái.

Thông qua ô tô để phát triển ngành cơ khí, trung tâm cơ khí đa dụng của Quảng Nam và miền Trung. "Thời gian tới tập đoàn sẽ lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp để làm sao ra được chuỗi sản xuất cơ khí và công nghiệp hỗ trợ có tính bổ trợ, tích hợp", vị này nói.

Cũng theo vị này, THACO Industries đang phối hợp Sở Công Thương Quảng Nam xây dựng đề án thí điểm cơ chế khuyến khích hợp tác liên kết sản xuất theo cụm ngành công nghiệp hỗ trợ và cơ khí tại Khu kinh tế mở Chu Lai.

"Việc hình thành hệ sinh thái sẽ tăng cường kết nối để ngành cơ khí và công nghiệp hỗ trợ bứt phá, nâng cao sức cạnh tranh, tạo nên mạng lưới liên kết ngành - liên kết vùng, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu", vị này khẳng định.

Làm việc với Bộ Công Thương mới đây, bà Lê Thị Kim Phương, giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng, kiến nghị bộ phối hợp kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trở thành nhà cung ứng cho khách hàng trong và ngoài nước; hỗ trợ áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị, sản xuất; hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ sản xuất; kết nối cơ sở dữ liệu về công nghiệp hỗ trợ của Đà Nẵng và quốc gia.

Thí điểm cơ chế khuyến khích liên kết

Ông Hồ Quang Bửu - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - cho rằng Khu kinh tế mở Chu Lai (với hạt nhân là THACO) có tiềm năng phát triển thành một khu vực liên kết các doanh nghiệp cơ khí và công nghiệp hỗ trợ theo định hướng của các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đây cũng là tiền đề để tỉnh xây dựng chiến lược, mục tiêu phát triển công nghiệp cơ khí và công nghiệp hỗ trợ của tỉnh cho các năm tới.

Theo ông Bửu, tỉnh sẽ có cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia, đầu tư ở Quảng Nam.

Tuy nhiên, đề án thí điểm cơ chế khuyến khích hợp tác liên kết sản xuất theo cụm ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp cơ khí đang được xây dựng nên cụ thể cơ chế, chính sách hỗ trợ sẽ được tỉnh công bố sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Công nghiệp tạo cú hích phát triển

Quảng Nam có hai khu kinh tế, 14 khu công nghiệp và 92 cụm công nghiệp đã được quy hoạch, tổng diện tích 83.000ha, sử dụng gần 100.000 lao động.

Trong đó công nghiệp chế biến chế tạo là then chốt, mũi nhọn của tỉnh với 1.050 doanh nghiệp, phần lớn từ vốn đầu tư trong nước, chủ yếu tập trung vào ngành chế tạo ô tô. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp FDI Hàn Quốc cũng tham gia mạnh vào lĩnh vực cơ khí, công nghiệp hỗ trợ.

Theo ông Nguyễn Thanh Quang - phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam, từ khi Khu kinh tế mở Chu Lai và các khu công nghiệp ở Quảng Nam đi vào hoạt động đã thúc đẩy công nghiệp địa phương này phát triển mạnh mẽ.

Giai đoạn 2011 - 2020, Quảng Nam huy động được 10 tỉ USD vốn đầu tư, tăng trưởng 12,5%/năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 7,6 tỉ USD, tổng thu ngân sách tăng gần bốn lần, từ 10.400 tỉ đồng/năm lên 40.700 tỉ đồng/năm.

Xây dụng nền công nghiệp tự chủ: Tránh Xây dụng nền công nghiệp tự chủ: Tránh 'pháo đài' thu hút đầu tư

TTO - Dù đưa ra nhiều kế hoạch, chiến lược để ngành công nghiệp cất cánh nhưng miền Trung vẫn được xem là "vùng trũng" của ngành công nghiệp. Sự liên kết rời rạc, mạnh ai nấy làm khiến cho mỗi địa phương trong vùng như một "pháo đài" thu hút đầu tư.

T.LỰC - B.DŨNG - L.TRUNG - N.LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên