Tuổi Trẻ trò chuyện với ông Olivier Quiquempois - quản thủ bảo tàng, giám đốc các bảo tàng thành phố Grasse (Pháp) - để tìm hiểu về văn hóa bảo tàng của Pháp và những bài học gợi mở cho Việt Nam.
* Nét văn hóa đi bảo tàng của người Pháp hình thành từ đâu và duy trì bằng cách nào, thưa ông?
- Trong chương trình học quốc gia của Pháp, trẻ em từ 6 tuổi trở lên (có nơi từ 3 tuổi) bắt buộc trong một năm học phải đi tham quan địa điểm liên quan đến văn hóa - nghệ thuật, cụ thể là bảo tàng. Đây là nội dung quan trọng trong chương trình học nhằm giáo dục trẻ em về văn hóa và nghệ thuật.
Các em học sinh không chỉ đơn thuần tham quan bảo tàng trong 2 giờ mà còn phải tham gia các hoạt động liên quan. Cụ thể, các em sẽ phải làm bài tập hoặc dự án theo cá nhân hoặc theo nhóm, và có những dự án lớn có thể kéo dài cả năm học.
Đôi khi sẽ có nghệ sĩ hoặc nhân viên bảo tàng phối hợp làm chung dự án lớn với các em học sinh.
Như vậy, tùy theo độ tuổi mà các em vừa tham quan bảo tàng, vừa sáng tạo một tác phẩm hay đồ vật nghệ thuật gắn liền với bảo tàng.
Hoạt động này sẽ kết nối các em học sinh với bảo tàng, qua đó tạo cho các em niềm hứng khởi để quay lại khám phá sâu hơn, thay vì nghĩ tới bảo tàng như một thứ chán chường và buồn tẻ.
Về lý thuyết là vậy nhưng rõ ràng chúng ta không thể trông đợi rằng tất cả mọi người đều muốn tham quan bảo tàng.
Vẫn có những người Pháp ít hoặc chưa từng đến tham quan bảo tàng. Trong 5 năm trở lại đây Chính phủ Pháp triển khai chương trình EAC 100% (Education Artistique Culturelle), nhắm tới việc tăng tỉ lệ người tham quan bảo tàng về văn hóa nghệ thuật lên 100%.
Đây là dự án mới nhưng rất được quan tâm, hỗ trợ. Mục tiêu 100% tuy khá tham vọng nhưng nếu thành công sẽ có tác động mạnh mẽ tới xã hội.
* Theo ông thì bảo tàng về nghệ thuật đóng vai trò như thế nào trong việc gìn giữ văn hóa của một quốc gia?
- Bảo tàng nghệ thuật đóng vai trò rất quan trọng trong việc gìn giữ văn hóa. Tôi biết ở Việt Nam ngoài bảo tàng lịch sử ra cũng có bảo tàng về nghệ thuật và đều rất lâu đời.
Theo tôi, chúng ta không nhất thiết phải mở nhiều bảo tàng nghệ thuật trong một thành phố. Điều quan trọng là cần làm chuyên sâu, tìm cách phát triển và trình bày hiện vật tốt nhất có thể.
Ở Pháp, bảo tàng thu hút nhiều người đến tham quan nhất là bảo tàng về nghệ thuật. Đối với người Pháp, bảo tàng lịch sử cũng thú vị, nhưng lịch sử là một thứ gì đó vẫn đang tiếp tục diễn tiến, còn bảo tàng về nghệ thuật là một thứ sống mãi với thời gian.
Nước Pháp có hai loại bảo tàng về nghệ thuật, đó là bảo tàng cổ điển - chuyên trưng bày các hiện vật/tác phẩm của những nghệ sĩ đã mất, chủ yếu là từ đầu đến cuối thế kỷ 20. Sau thế kỷ 20 trở đi là bảo tàng nghệ thuật đương đại và hiện đại - trưng bày hiện vật/tác phẩm của những nghệ sĩ đương thời.
* Bảo tàng hiện nay phải đổi mới và sáng tạo như thế nào để phù hợp với xu hướng và nhu cầu của xã hội hiện đại, nhất là để thu hút giới trẻ?
- Hiện nay các bảo tàng ở Pháp đều đã hiện diện trên mạng xã hội. Chúng tôi cố gắng phản hồi nhanh và tương tác với người dùng. Các bảo tàng cũng đều có trang web với thiết kế đẹp mắt, kèm theo video trình bày hấp dẫn. Ngoài ra, giá vé cho học sinh/sinh viên rất tốt, thậm chí là miễn phí.
Chúng tôi cũng thường tổ chức các chương trình đặc biệt, như kết hợp với nghệ sĩ múa để biểu diễn về các bộ sưu tập ở bảo tàng. Như vậy sẽ thu hút được người trẻ tới xem.
Hơn nữa, chúng tôi chú trọng hợp tác sâu sát với tất cả các trường ở mọi cấp, từ mầm non cho tới đại học, không có giới hạn độ tuổi. Việc này nhằm tổ chức các chuyến tham quan và hoạt động liên quan tới bảo tàng cho học sinh.
Các bảo tàng cũng thiết kế tour riêng cho khách trẻ hoặc gia đình, tức là có chương trình nhắm đến từng đối tượng người xem khác nhau.
Tôi cho rằng Việt Nam hoàn toàn áp dụng được các giải pháp này vì chúng không quá phức tạp.
Vấn đề là cần triển khai đồng bộ từ trung ương tới địa phương trên phạm vi quốc gia, thay vì chỉ ứng dụng nhỏ lẻ từng bảo tàng.
Ở Pháp cũng như ở Việt Nam hay nhiều nước khác, khi khách tới tham quan bảo tàng sẽ gặp một người thuyết minh về hiện vật.
Cách làm thông thường này giống như một bài giảng khi đi học, thầy cô nói và học sinh nghe.
Bây giờ ở Pháp nhiều bảo tàng đã có cách tiếp cận mới. Cụ thể là họ sử dụng công nghệ để truyền đạt nội dung theo cách mới mẻ hơn.
Người làm công tác thuyết minh không còn là người chỉ nói lại những thông tin của bảo tàng cho khách, mà họ sẽ xây dựng cách tham quan mới theo hướng kể câu chuyện với sự trợ giúp của công nghệ, sao cho phù hợp với từng đối tượng tham quan.
Bảo tàng Confluences ở Pháp rất có tiếng trong việc xây dựng lối tham quan mới mẻ này. Họ đã sáng tạo ra "chiếc hộp kể chuyện".
Mô hình này được thiết kế có hình dáng một chiếc hộp. Bên trong hộp có bảng điều khiển để khách có thể lựa chọn những thông tin dữ liệu muốn tìm hiểu thông qua các biểu tượng được cài đặt sẵn. Sau khi chọn, hộp kể chuyện sẽ tự động thuyết minh về các hiện vật được trưng bày tại các bảo tàng trong 3 phút.
Hoạt động như vậy tránh việc thông tin truyền từ người thuyết minh đến khách tham quan chỉ diễn ra một chiều, đồng thời sẽ tăng tương tác giữa người xem và bảo tàng. Phương pháp này rất phù hợp với giới trẻ vì kích thích được sự tò mò của các bạn.
Grasse nổi tiếng với bảo tàng nước hoa
Pháp là đất nước sở hữu nhiều bảo tàng chất lượng, lưu giữ rất nhiều cổ vật, tác phẩm có giá trị trên khắp thế giới. Bảo tàng cũng là nơi bảo tồn các giá trị văn hóa qua nhiều thời kỳ phát triển của Pháp.
Trong đó, thành phố Grasse tọa lạc ở miền Nam nước Pháp, có Bảo tàng Nước hoa quốc tế nổi tiếng. Đây là nơi trưng bày nhiều bộ sưu tập và kỹ thuật sản xuất nước hoa từ cổ đại đến ngày nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận