09/04/2022 07:03 GMT+7

Phản ứng của thủ tướng Đức khi bị hỏi 'có xấu hổ khi mua hàng tỉ USD dầu Nga?'

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Nhà lãnh đạo Đức đối mặt một vài câu hỏi không mấy dễ chịu trong cuộc họp báo tại London với Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 8-4.

Phản ứng của thủ tướng Đức khi bị hỏi có xấu hổ khi mua hàng tỉ USD dầu Nga? - Ảnh 1.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz trong cuộc họp báo ngày 8-4 tại London (Anh) - Ảnh: REUTERS

Khi được hỏi liệu có "cảm thấy xấu hổ" vì đã chi hàng tỉ USD cho nhiên liệu hóa thạch từ Nga, ông Scholz khẳng định Berlin đang nỗ lực thay đổi điều này.

"Chúng tôi đang tích cực tìm cách để thoát khỏi việc phải nhập khẩu dầu từ Nga và tôi tin Đức sẽ làm được trong năm nay", thủ tướng Đức trả lời.

Dầu của Nga hiện chiếm 25% nhập khẩu của Đức, giảm từ 35% so với trước khi Nga đưa quân vào Ukraine. Nhập khẩu khí đốt cũng giảm từ 55% xuống 40%, nhập khẩu than giảm từ 50% xuống còn 25%.

Đức là nền kinh tế số 1 châu Âu và phụ thuộc lớn vào nguồn cung năng lượng từ Nga, chủ yếu là khí đốt. Berlin được cho là đã phản đối Liên minh châu Âu (EU) cấm nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt Nga.

Theo lệnh trừng phạt mới được EU thông qua, khối này sẽ cấm nhập khẩu than từ Nga bắt đầu từ tháng 8 tới. Đây vốn là mặt hàng chiếm giá trị nhỏ nhất trong số các mặt hàng năng lượng EU nhập khẩu từ Nga.

Việc ngừng nhập khẩu khí đốt từ Nga được xem là một nhiệm vụ khó khăn với Đức. Theo Hãng tin Reuters, có thể mất đến mùa hè năm 2024 để nền kinh tế lớn nhất châu Âu chấm dứt sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga.

"Chúng tôi vẫn đang nỗ lực làm sao để việc nhập khẩu khí đốt từ Nga không còn là điều cần thiết", Thủ tướng Scholz nêu vấn đề trong họp báo ngày 8-4.

"Điều này, như các vị có thể đang nghĩ, là không hề dễ dàng vì cần phải có cơ sở hạ tầng trước", nhà lãnh đạo Đức giải thích về việc phải có các đường ống dẫn khí đốt, các kho chứa khí đốt hóa lỏng nhập khẩu.

Trong nghiên cứu công bố ngày 8-4, Viện kinh tế DIW ước tính Đức có thể đảm bảo đủ nguồn cung khí đốt cho mùa đông tới mà không cần nhập khẩu từ Nga. Điều kiện là Berlin cần có chiến lược kết hợp nguồn cung từ các nước và những biện pháp tiết kiệm năng lượng quyết liệt.

'Chúng ta cấp cho Ukraine 1 tỉ euro và 1 tỉ euro cũng là số tiền châu Âu trả cho ông Putin mỗi ngày'

TTO - "Chúng ta đã cấp cho Ukraine khoảng 1 tỉ euro, và 1 tỉ euro cũng là số tiền châu Âu trả cho Tổng thống Nga Vladimir Putin mỗi ngày vì nguồn năng lượng nước ông ấy cung cấp" - Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Josep Borrell nói.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Nga Ukraine Đức châu Âu