01/11/2018 09:31 GMT+7

'Phải sửa cho dân nhờ!'

VIỄN SỰ
VIỄN SỰ

TTO - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu: "Cái gì quy định chưa hợp lý thì sửa cho dân nhờ!".

Quốc hội qua hai ngày chất vấn bỗng nóng thêm bởi những chuyện ngoài "kế hoạch": chuyện mua bán 100 USD bị xử phạt 270 triệu đồng và chuyện dự thảo quy định học sinh, sinh viên bán dâm 4 lần mới bị đuổi học. 

Cử tri, đại biểu thấy trái khoáy; xã hội, nghị trường xôn xao. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu: "Cái gì quy định chưa hợp lý thì sửa cho dân nhờ!".

Yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội hẳn nhiên là xác đáng. Nhưng thực hiện không dễ khi có thể vẫn còn những quy định chưa hợp lý đang lẩn khuất, "núp lùm" trong "rừng" văn bản pháp luật, mà hai sự việc vừa qua là minh chứng rõ nhất.

Đâu chỉ anh thợ điện Nguyễn Cà Rê, rất nhiều người ít biết bán 100 USD ở nơi không đúng quy định sẽ bị phạt từ 80 đến 100 triệu đồng như nghị định 96 quy định. 

Thế nhưng nghị định này đã có hiệu lực từ 4 năm qua, nếu anh Cà Rê không bị xử phạt thì chưa chắc nhiều người đã biết đến.

Tương tự, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng thừa nhận quy định học sinh, sinh viên bán dâm 4 lần bị đuổi học đã có hiệu lực từ năm 2016, tại thông tư 10/2016/TT - BGDĐT. 

Từ năm 2007, quy chế học sinh, sinh viên do Bộ GD-ĐT ban hành cũng đã có nội dung xử phạt sinh viên bán dâm. 

Vậy nhưng qua sửa đổi, rà soát, Bộ GD-ĐT vẫn không nhìn ra. Nếu lần này báo chí không phát hiện thì quy định phản cảm này vẫn tiếp tục có hiệu lực.

Đây không phải là lần đầu dư luận sôi lên vì những quy định "trời ơi". Trước đó, những quy định như "ngực lép không được lái xe", "xử phạt nếu đi xe không chính chủ", "nhà hàng chỉ được tổ chức tiệc cưới khi có giấy kết hôn"... từng gây bất bình trong quá trình lấy ý kiến hoặc vừa có hiệu lực. 

Tuy nhiên, điều đáng nói là hai quy định vừa làm nóng Quốc hội đang gây hệ quả nhiều hơn, bởi đã áp dụng trong thực tế một thời gian dài.

Còn bao nhiêu quy định vô lý khác đang "núp lùm" nữa? Câu hỏi này rất khó trả lời nếu không có một cuộc rà soát tổng thể. Một xã hội pháp quyền không thể để việc người dân phải mơ hồ, ngỡ ngàng về những quy định điều chỉnh hành vi sát sườn với mình. 

Không thể để cơ quan chức năng rơi vào tình cảnh "dở khóc dở cười" - áp dụng quy định gây bức xúc, nhưng xí xóa, lờ đi thì sự tôn nghiêm của pháp luật sẽ không còn.

Trách nhiệm rà soát để lôi ra bằng hết những quy định vô lý đang "núp lùm" thuộc về từng bộ, ngành, cơ quan ban hành.

 Và dĩ nhiên người có trách nhiệm cao nhất phải là thủ trưởng các cơ quan này. Đó là trách nhiệm không thể tránh né, mà Chủ tịch Quốc hội đã yêu cầu: "Phải sửa cho dân nhờ!".

VIỄN SỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên