Sự trở lại của ông Trump là rất lý thú. Như đã từng bình luận, ông Trump là người có cảm tình với Việt Nam, và điều đó không ngẫu nhiên. Đó là từ phía ông Trump.
Về phía Việt Nam, lãnh đạo ta cũng đã thể hiện nhìn nhận tích cực về ông Trump với tư cách cá nhân cũng như với tư cách người đứng đầu quốc gia.
Tổng Bí thư Tô Lâm đã điện đàm với ông Trump không lâu sau khi ông Trump đắc cử - một trong số ít cuộc điện đàm mà Tổng Bí thư đã làm trong thời gian qua.
Những sự kiện nêu trên, tưởng như không có liên hệ gì với nhau, nhưng thực ra đã là điều kiện tự nhiên cho mối quan hệ tốt đẹp giữa cá nhân ông Trump và chính quyền của ông với đất nước, nhân dân và lãnh đạo Việt Nam.
Trong năm 2025 với nhiều dấu mốc kỷ niệm quan trọng trong quan hệ Việt - Mỹ, tôi nghĩ rằng chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin vào một mối quan hệ sẽ phát triển tích cực, sau khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện từ tháng 9-2023.
Ông Trump là một người quyết đoán và sự quyết đoán đó đi cùng với sự khó lường trong các quyết định của ông. Ngoài những điểm có tính nguyên tắc như các tổng thống khác của Mỹ, xuất xứ doanh nghiệp của ông Trump khiến kinh tế - thương mại luôn giữ vị trí hàng đầu trong tư duy của ông cả về chiến lược và sách lược.
Ông Trump nhậm chức trong thời điểm quan hệ Mỹ - Trung và Mỹ - Nga đều đang không dễ dàng trên nhiều vấn đề. Những tuyên bố của ông trước khi nhậm chức đương nhiên là nguyên nhân để cả Trung Quốc và Nga quyết liệt triển khai nhiều biện pháp nhằm một mặt chuẩn bị đối phó với những gì ông Trump có thể làm với họ, mặt khác tranh thủ tác động và thương lượng trước để thúc đẩy hợp tác.
Trước những động thái đó, sự quyết đoán và khó lường của ông Trump sẽ trở nên lớn hơn. Vì vậy, Việt Nam - với tư cách là một quốc gia trung bình về quy mô, dân số, GDP, có nhiều cái chung với Trung Quốc (kể cả chung biên giới trên đất liền và trên biển) và có nhiều gắn bó với Nga - phải chuẩn bị nhiều phương án để làm việc với một ông Trump như vậy.
Xuyên suốt mọi phương án, điều quyết định là sức mạnh nội lực. Chúng ta cần gia tăng tổng lực một cách thực chất và lâu dài, không chỉ trong kinh tế - thương mại. Phải thấy rõ việc cải cách, tinh gọn bộ máy là biện pháp, phương tiện để đạt mục đích cuối cùng là hiệu quả, tổng lực.
Nhìn bề ngoài, có một sự trùng hợp khi lãnh đạo giai đoạn hiện nay của cả Việt Nam và Mỹ đều nhấn mạnh yêu cầu cải cách tổ chức bộ máy. Tuy tính chất, động cơ và mục tiêu cải cách giữa hai nước không giống nhau, việc hai quốc gia có điểm trùng hợp ngẫu nhiên này lại có thể là một yếu tố thuận cho quan hệ song phương.
Trong công cuộc Đổi mới gần 40 năm qua, Việt Nam vẫn luôn tham khảo kinh nghiệm của thế giới. "Học thầy không tày học bạn". Nhìn nhận quan hệ Việt - Mỹ hiện nay ở cấp đối tác chiến lược toàn diện là cấp cao nhất trong quan hệ ngoại giao chính thức giữa hai quốc gia, thì chắc chắn chúng ta và Mỹ có không ít điều có thể học hỏi từ nhau để phục vụ công cuộc phát triển của mỗi nước.
Tôi rất kỳ vọng vào quan hệ Việt - Mỹ trong bốn năm tới, nhất là khi thấy trong hơn một năm qua kể từ ngày nâng cấp quan hệ, sự hợp tác giữa hai nước đã tập trung rõ ràng vào ba đột phá mà Đại hội Đảng XIII đã đề ra về thể thế, hạ tầng và nhân lực.
Dẫu có không ít thách thức, tôi tin rằng quan hệ Việt - Mỹ hiện nay tốt hơn bao giờ hết. Đó là điều kiện để chúng ta thúc đẩy phía Mỹ đưa quan hệ này góp phần thực chất và hiệu quả vào việc tạo được bước chuyển về chất trong sự phát triển của đất nước trong thời gian tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận