Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tươi cười trò chuyện cùng Chủ tịch Tập Cận Bình trong tiệc chiêu đãi ở Bắc Kinh. Ảnh được Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) công bố ngày 28-3 - Ảnh: REUTERS
Chuyến thăm vừa qua của ông Kim Jong Un diễn ra chỉ 1 tháng trước cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều vào tháng 4 và có thể là thượng đỉnh Mỹ - Triều vào tháng 5 tới.
Truyền thông phương tây đặc biệt chú ý vào chuyến thăm của ông Kim Jong Un lần này, một phần từ việc đây là lần đầu tiên ông xuất ngoại kể từ khi lên nắm quyền cuối năm 2011.
Cho tới bây giờ người ta vẫn chưa biết ông Kim Jong Un đến Bắc Kinh bằng cách nào, máy bay hay tàu lửa giống cha và ông nội ông. Một số người nghi ngờ đoàn tàu lửa màu xanh sọc vàng giống đoàn tàu hay chở cố lãnh đạo Kim Jong Il đến Bắc Kinh ngày 26-3 và rời đi một ngày sau đó chỉ là kế nghi binh.
Tháp tùng
Tháng 8-2010, báo The Guardian của Anh loan tin nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il đang ở thăm Trung Quốc cùng với con trai út của ông - ông Kim Jong Un. Chuyến thăm Trung Quốc thứ hai trong vòng chưa tới 3 tháng của ông Kim Jong Il khi đó bị đánh giá là bất thường.
Chuyến đi diễn ra chỉ vài ngày sau khi cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter tới Triều Tiên đàm phán việc thả một công dân Mỹ bị tuyên án 8 năm tù vì vượt biên trái phép vào Triều Tiên.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, chuyến thăm thực chất chuyển tải một thông điệp khác đến Bắc Kinh và sự xuất hiện của người con trai Kim Jong Un là bằng chứng cho nhận định đó.
Ông Kim Jong Un (trái) nói chuyện với cha ông, nhà lãnh đạo Kim Jong Il vào tháng 7-2011 - Ảnh:KCNA
Mục đích của chuyến đi nhằm thông báo với lãnh đạo Trung Quốc ý định chuyển giao quyền lực và giới thiệu con trai của ông Kim Jong Il. Không một bức ảnh nào cho thấy ông Kim Jong Un xuất hiện cùng cha ở Bắc Kinh.
Chưa đầy 9 tháng sau đó, tháng 5-2011, ông Kim Jong Il lại một lần nữa sang thăm Trung Quốc, chuyến đi thứ ba trong vòng 1 năm. Thực tế trong suốt thời gian cầm quyền của mình, Trung Quốc cũng là điểm đến nhiều nhất của ông Kim Jong Il.
Tham vấn
Tổng cộng, ông Kim Jong Il đã tới Trung Quốc 8 lần kể từ khi lên cầm quyền, theo báo New York Times.
Các chuyến đi Trung Quốc của nhà lãnh đạo Kim Jong Il diễn ra trước hoặc sau các sự kiện quan trọng ở Triều Tiên nói riêng và bán đảo Triều Tiên nói chung.
Chẳng hạn, chuyến đi vào tháng 5-2010 của ông Kim Jong Il, lần đầu tiên sau tin đồn ông bị đột quỵ năm 2008, diễn ra chỉ 2 tháng sau sự tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc bị chìm cướp đi sinh mạng của gần 50 thủy thủ.
Các bên khi đó cáo buộc Triều Tiên là thủ phạm phóng ngư lôi đánh đắm tàu chiến Hàn Quốc và gây áp lực lên Bình Nhưỡng lẫn Bắc Kinh.
Chuyến đi của nhà lãnh đạo Kim Jong Un lần này được so sánh với chuyến đi đầu tiên của cha ông vào năm 2000. Có nhiều điểm trùng hợp giữa hai lần này. Thứ nhất, đó đều là chuyến công du đầu tiên sau khi hai ông lên cầm quyền. Thứ hai, nó diễn ra trước thềm một cuộc gặp thượng đỉnh giữa Triều Tiên với Hàn Quốc: năm 2000 là giữa ông Kim Jong Il và Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae Jung, 18 năm sau là giữa ông Kim Jong Un và Tổng thống Moon Jae In.
Cuộc gặp đầu tiên giữa lãnh đạo Triều Tiên và Trung Quốc diễn ra vào thời điểm hết sức quan trọng, khi hai quốc gia xã hội chủ nghĩa đang bắt đầu một hành trình mới trên con đường cải tiến. Chuyến thăm sẽ là mốc son đưa quan hệ gần gũi truyền thống giữa Triều Tiên và Trung Quốc lên một tầm cao mới, đáp ứng lại các yêu cầu mới trong thời đại mới.
Nhà lãnh đạo Kim Jong Un viết trong thư cảm ơn sau chuyến thăm Trung Quốc
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il (bìa phải) và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào thăm một viện nghiên cứu trồng trọt ở Bắc Kinh trong chuyến thăm năm 2006 - Ảnh: Chính phủ Trung Quốc
Một vài chuyến thăm của ông Kim Jong Il tới Trung Quốc nhằm tham khảo mô hình phát triển kinh tế của nước này. Chẳng hạn, các hình ảnh được công bố sau chuyến đi tháng 1-2006 cho thấy cảnh ông Kim Jong Il được Chủ tịch Trung Quốc khi ấy là Hồ Cẩm Đào tiếp đón và đưa đi tham quan nhiều nơi như các nhà máy công nghệ cao, đập Tam Hiệp trên sông Trường Giang, viện nghiên cứu trồng trọt - nơi tạo ra các giống lúa gạo và lúa mì năng suất và chất lượng cao.
Đáng chú ý hơn cả là chuyến thăm Đặc khu kinh tế Thâm Quyến, nơi mà phần nhiều kinh nghiệm sau này đã được con trai ông - nhà lãnh đạo hiện tại Kim Jong Un, áp dụng ở Triều Tiên 5 năm sau đó.
Tương tự trước đó, năm 2002, Triều Tiên bắt đầu áp dụng một số thay đổi theo kiểu kinh tế định hướng thị trường chỉ một thời gian ngắn sau khi ông Kim Jong Il tới Thượng Hải, thành phố tài chính của Trung Quốc.
Ông Kim Jong Un (giữa) và phu nhân nghe thuyết minh về một mô hình nông nghiệp trong chuyến thăm tới Bắc Kinh tuần này - Ảnh: REUTERS
Một số dấu mốc trong quan hệ Triều Tiên – Trung Quốc
Tháng 10-1949: Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên.
Tháng 10-1950: Quân chí nguyện Trung Quốc sang hỗ trợ Triều Tiên, đẩy lùi quân Mỹ, ngăn chặn một thảm kịch thất bại. Chiến tranh Triều Tiên kết thúc bằng một hiệp định đình chiến năm 1953.
Tháng 11-1958: Lãnh tụ Triều Tiên Kim Nhật Thành sang thăm Trung Quốc và thành công trong việc kêu gọi Chủ tịch Mao Trạch Đông viện trợ kinh tế Triều Tiên. Trong suốt những năm 1960 sau đó ông Kim Nhật Thành phải đi đi lại lại giữa Trung Quốc và Liên Xô - hai quốc gia xã hội chủ nghĩa lớn mạnh nhất thế giới nhưng bất đồng quan điểm và rạn nứt quan hệ.
Tháng 4-1982: Lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình sang thăm Triều Tiên và dự sinh nhật thứ 70 của ông Kim Nhật Thành. 5 tháng sau đó đến lượt nhà lãnh đạo Triều Tiên sang Trung Quốc nhằm mục đích thông báo chuyển giao dần quyền lực cho con trai là Kim Jong Il.
Tháng 8-1992: Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao với Hàn Quốc. Sự việc khiến quan hệ Trung - Triều cơm không lành canh không ngọt.
Tháng 5-2000: 6 năm sau khi lên cầm quyền, nhà lãnh đạo Kim Jong Il thực hiện chuyến thăm đầu tiên tới Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên người ta nhìn thấy đoàn tàu lửa màu xanh lá sọc vàng của ông Kim.
Tháng 8-2003: Triều Tiên tham gia vòng đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân tại Bắc Kinh. Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và Nga là các bên còn lại.
Tháng 12-2011: Ông Kim Jong Un lên nắm quyền ở Triều Tiên sau khi cha ông, ông Kim Jong Il qua đời.
Tháng 5-2013: Tướng Choe Ryong Hae được cử làm đặc phái viên của ông Kim Jong Un sang thăm Trung Quốc và gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Ông Lưu Vân Sơn (trái) và nhà lãnh đạo Kim Jong Un trong cuộc duyệt binh ở Bình Nhưỡng năm 2015 - Ảnh: REUTERS
Tháng 10-2015: Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Lưu Vân Sơn sang thăm Triều Tiên và chiêm ngưỡng cuộc duyệt binh trên khán đài cùng nhà lãnh đạo Kim Jong Un.
Tháng 3-2018: Nhà lãnh đạo Kim Jong Un thăm Triều Tiên, vài tuần trước thềm cuộc gặp giữa ông với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In và Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận