28/03/2018 11:58 GMT+7

Tại sao Kim Jong Un đến giờ mới chịu thăm Trung Quốc?

BÌNH AN
BÌNH AN

TTO - Chuyến thăm Trung Quốc của ông Kim Jong Un không phải là một chuyến thăm bình thường, mà ẩn chứa sau đó là những toan tính chiến lược của cả Bình Nhưỡng và Bắc Kinh.

Tại sao Kim Jong Un đến giờ mới chịu thăm Trung Quốc? - Ảnh 1.

Thông tin về chuyến thăm Trung Quốc của Kim Jong Un phát trên truyền hình ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc sáng 28-3 - Ảnh: REUTERS

Sáng 28-3, hãng thông tấn Tân Hoa xã của Trung Quốc và Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đồng loạt xác nhận lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong đã có chuyến thăm Trung Quốc trong 4 ngày từ ngày 25 tới 28-3.

Trong cuộc hội đàm của hai nhà lãnh đạo, có 2 điểm quan trọng nhất là ông Kim cam kết phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và tuyên bố sẵn sàng gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tháng 5 tới.

Cuộc tổng duyệt trước khi ra mắt

Theo KCNA, ông Kim Jong Un đánh giá cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là "trách nhiệm trọng thể" của ông.

Lên nắm quyền tại Triều Tiên hồi năm 2011, nhưng mãi tới năm 2018 ông Kim mới có chuyến thăm nước ngoài đầu tiên và điểm đến ông chọn là Trung Quốc.

Chính ông Kim Jong Un nói rằng ông chọn Trung Quốc làm quốc gia nước ngoài đầu tiên đi thăm nhằm cho thấy "ý chí tăng cường quan hệ truyền thống Triều - Trung và ông đánh giá cao quan hệ giữa hai quốc gia như thế nào".

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đến thăm Bắc Kinh theo lời mời của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - Video: CGTN

Tuy nhiên, tại sao ông Kim không đi thăm Trung Quốc trong vòng 7 năm qua, mà đến giờ phút này mới đặt chân tới Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh?

Có thể thấy chuyến thăm này diễn ra vào thời điểm có thể nói là quyết định "sự sống còn" của Bình Nhưỡng khi ông Kim dự kiến có cuộc gặp với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In vào tháng 4 và với Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tháng 5 tới.

Chuyến thăm Trung Quốc bất ngờ của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cho thấy Bình Nhưỡng có thể đang cần sự hỗ trợ và lời khuyên từ Bắc Kinh trước cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới với lãnh đạo Mỹ và Hàn Quốc. Động thái này tương tự một cuộc "tổng duyệt" trước khi ra vũ đài quốc tế.

Giới chuyên gia đánh giá nếu ông Kim gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump mà không gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước, khi đó mới là chuyện bất thường. Bởi lẽ Trung Quốc hiện là đối tác thương mại số 1 và là đồng minh duy nhất của Triều Tiên.

Tại sao Kim Jong Un đến giờ mới chịu thăm Trung Quốc? - Ảnh 3.

Hình ảnh ông Kim Jong Un và vợ là bà Ri Sol Ju tươi cười trong chuyến thăm Trung Quốc vừa qua. Ảnh cắt từ đài truyền hình Trung Quốc - Ảnh: REUTERS

Ông Triệu Thông (Zhao Tong) - chuyên gia về Triều Tiên tại Trung tâm chính sách toàn cầu Carnegie - Thanh Hoa ở Bắc Kinh, nhận định chuyến thăm của ông Kim cho thấy Bình Nhưỡng muốn có một sự bảo đảm từ Trung Quốc trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh dự kiến với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

"Họ biết rằng cuộc gặp rất quan trọng nhưng cũng đầy rủi ro. Có rất nhiều sự không chắc chắn" - ông Triệu đánh giá.

Vị chuyên gia cho rằng nếu cuộc gặp Kim - Trump thất bại, Mỹ có thể sẽ tuyên bố biện pháp ngoại giao không còn tác dụng và lúc đó có khả năng dùng cách tiếp cận cưỡng bức, hoặc thậm chí là một cuộc tấn công quân sự phủ đầu.

"Một mối quan hệ ổn định và nồng ấm với Trung Quốc sẽ giúp ngăn Mỹ phát động một cuộc tấn công quân sự" - ông Triệu bình luận. Và chuyến thăm Trung Quốc của ông Kim hiện là một sự khẳng định cho mối quan hệ "nồng ấm" này.

Trung Quốc - Người bảo vệ hòa bình cuối cùng

Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết ông Kim Jong Un và phu nhân Ri Sol Ju có chuyến thăm bất ngờ tới Trung Quốc là theo lời mời của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Chuyến thăm của ông Kim theo lời mời của ông Tập diễn ra trong bối cảnh các diễn tiến trên bán đảo Triều Tiên kể từ đầu năm nay ngày càng mở ra hy vọng đạt được hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên.

Hai sự kiện đáng chú ý nhất là Triều Tiên đưa đoàn vận động viên tới tham gia Thế vận hội mùa đông 2018 ở PyeongChang hồi tháng 2 và nhờ chuyển lời mời gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump khi có cuộc gặp với phái đoàn Hàn Quốc ở Bình Nhưỡng hồi tháng 3.

Những bước đi tích cực từ phía Hàn Quốc, Triều Tiên và Mỹ rõ ràng đã gạt Trung Quốc - đồng minh quan trọng nhất của Bình Nhưỡng - sang một bên.

Tại sao Kim Jong Un đến giờ mới chịu thăm Trung Quốc? - Ảnh 4.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un (phải) gặp phái đoàn quan chức cấp cao Hàn Quốc ở Bình Nhưỡng hồi đầu tháng 3-2018 - Ảnh: REUTERS

Hai quốc gia láng giềng Đông Á đã có quan hệ bền chặt kể từ Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) khi cựu Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông đưa quân vào giúp chính quyền ông Kim Il Sung - ông nội của Kim Jong Un, và duy trì Hiệp ước phòng thủ chung giữa hai nước được ký năm 1961.

Tuy nhiên, kể từ khi ông Kim Jong Un lên nắm quyền tại Triều Tiên hồi năm 2011, quan hệ hai nước ngày càng xấu đi. Ông Kim đã tranh trừng một số quan chức cấp cao của Triều Tiên có mối quan hệ thân thiết với Bắc Kinh, trong đó có việc xử tử người chú của ông Kim là ông Jang Song Thaek.

Ông Kim cũng khiến Bắc Kinh không mấy hài lòng khi liên tục thử tên lửa và hạt nhân, không tiến tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Phương Tây lúc bấy giờ đồn đoán việc ông Kim "bất tuân" Bắc Kinh cho thấy ảnh hưởng của Trung Quốc tại Triều Tiên đã giảm đi.

Thời gian qua, Trung Quốc luôn tuyên bố nước này ủng hộ phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và đề xuất biện pháp "cùng đóng băng" để giải quyết cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên.

Chuyến thăm Trung Quốc của ông Kim có thể được hiểu là lời khẳng định của Trung Quốc với phương Tây rằng dù thế nào, Trung Quốc vẫn luôn là người bạn đáng tin nhất của Bình Nhưỡng.

Đồng thời, ngụ ý rằng Bắc Kinh vẫn luôn đóng vai trò quan trọng trong quá trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Mọi quyết định của Washington liên quan tới Bình Nhưỡng đều phải thông qua Bắc Kinh.

"Trung Quốc muốn được xem là người bảo vệ hòa bình cuối cùng trong khu vực" - ông Adam Cathcart, chuyên gia về quan hệ Trung - Triều tại Đại học Leeds (Anh), nhận định.

Ông Cathcart cho rằng hơn cả Mỹ, Trung Quốc cũng luôn muốn phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, ít nhất là trong ngắn hạn. Nhận định này đúng đắn bởi lẽ một "quả bom" đặt trước cửa nhà sẽ luôn khiến người ta bất an!

BÌNH AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên