Hãng tin Reuters đã gọi bài phát biểu của Tổng thống Biden sáng 20-10 (tối 19-10 giờ Mỹ) là một "sứ mệnh khẩn cấp nhằm thuyết phục người Mỹ" viện trợ cho Ukraine và Israel.
Viện trợ cho Israel, Ukraine là bảo vệ Mỹ
Đây là bài phát biểu thứ hai của ông Biden từ phòng Bầu dục kể từ khi nhậm chức, cho thấy nhà lãnh đạo Mỹ muốn gửi thông điệp mạnh mẽ và tầm quan trọng của những gì ông nói đến cả trong lẫn ngoài nước Mỹ.
Trong bài phát biểu được truyền hình trực tiếp, Tổng thống Biden nhấn mạnh sự hỗ trợ của Mỹ là "rất quan trọng" đối với hai đồng minh của Washington đang chìm trong chiến sự. Nhà lãnh đạo Mỹ trước đó đã kêu gọi dành 100 tỉ USD để viện trợ cho Ukraine, Israel và các vấn đề an ninh khác.
Thông điệp của ông Biden đưa ra trong bối cảnh hàng loạt diễn biến căng thẳng ở Trung Đông. Israel đã sẵn sàng tiến hành một cuộc tấn công trên bộ nhằm tiêu diệt Hamas và vụ nổ tại một bệnh viện khiến hàng trăm người chết ở Dải Gaza đã đẩy căng thẳng lên đến đỉnh điểm.
Ông Biden cũng tìm cách liên kết cuộc xung đột Nga - Ukraine với chiến sự giữa Israel và lực lượng Hamas hiện nay.
Trong bài phát biểu, tổng thống Mỹ cho biết Israel không phải chịu trách nhiệm về vụ nổ như các quan chức Hamas đã khẳng định. Ông cũng nhấn mạnh không thể làm ngơ trước mong muốn của những người Palestine vô tội, những người "chỉ muốn sống trong hòa bình".
Các nguồn tin của Reuters tiết lộ Tổng thống Biden có thể dành tới 60 tỉ USD cho Ukraine và 14 tỉ USD cho Israel, cũng như hàng tỉ USD cho an ninh biên giới Mỹ và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Ông Biden cũng nhìn nhận có thể nhiều người Mỹ đang tự hỏi vì sao nước này cần hỗ trợ Israel và Ukraine.
Nhà lãnh đạo Mỹ thừa nhận những cuộc chiến ở Israel và Ukraine cách rất xa lãnh thổ Mỹ. Tuy nhiên, ông lập luận rằng các đối thủ của Washington đang theo dõi diễn biến của cả hai cuộc xung đột để có thể gây rắc rối ở những nơi khác trên thế giới.
"Sự lãnh đạo của Mỹ là thứ gắn kết thế giới lại với nhau. Các liên minh của Mỹ là thứ giúp nước Mỹ chúng ta được an toàn", ông Biden nói.
Phê phán Đảng Cộng hòa
Theo Reuters, bài phát biểu của Tổng thống Biden không chỉ là nỗ lực thể hiện tình đoàn kết với Israel và Ukraine mà còn nhắm tới Quốc hội Mỹ.
Đảng Cộng hòa, vốn đang kiểm soát Hạ viện, đang gặp khó khăn trong việc đưa hạ nghị sĩ Jim Jordan trở thành chủ tịch Hạ viện tiếp theo.
Trong khi ngân sách tạm thời sẽ hết hạn vào tháng 11 tới không bao gồm các khoản viện trợ cho Ukraine, bất kỳ khoản viện trợ nào được gộp vào ngân sách chi tiêu Chính phủ cũng phải thông qua cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ.
Cuộc "nổi loạn" của nhóm nghị sĩ Cộng hòa cực hữu đã làm xao nhãng các nỗ lực đàm phán ngân sách và viện trợ. Dự kiến tối nay 20-10, lần bỏ phiếu thứ ba để bầu chủ tịch Hạ viện Mỹ sẽ diễn ra.
Trong bài phát biểu ngày 20-10, ông Biden kêu gọi không nên để những tranh cãi chính trị và sự ích kỷ "cản trở trách nhiệm của nước Mỹ với tư cách là một quốc gia vĩ đại".
Các nhà lập pháp Cộng hòa tại Hạ viện trước đó đã nhiều lần phản đối việc tăng chi tiêu và ám chỉ khả năng cắt viện trợ cho Ukraine.
Trung Quốc nêu lý do xung đột bùng nổ ở Trung Đông
"Lý do cơ bản dẫn đến tình hình hiện tại trong cuộc xung đột Palestine - Israel là các quyền dân tộc hợp pháp của người dân Palestine chưa được đảm bảo", truyền thông Trung Quốc dẫn lời ông Zhai Jun, đặc phái viên của nước này về Trung Đông, ngày 20-10.
Ông Zhai cũng cho biết Trung Quốc rất đau buồn trước thương vong dân sự và khủng hoảng nhân đạo. Bắc Kinh sẵn sàng đóng "vai trò tích cực trong việc nối lại các cuộc đàm phán hòa bình giữa Palestine và Israel", cũng như triển khai giải pháp hai nhà nước.
Đặc phái viên của Trung Quốc khẳng định nước này sẵn sàng duy trì liên lạc và phối hợp với Nga để hạ nhiệt cuộc xung đột ở Israel.
Trước đó, Nga cho biết đang phối hợp chặt chẽ chính sách của mình ở Trung Đông và Bắc Phi với Trung Quốc để giải quyết cuộc xung đột giữa Israel và Hamas cũng như các vấn đề khác tại khu vực.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận