02/08/2016 15:45 GMT+7

Olympic có đến với khu ổ chuột?

HUY ĐĂNG (huydang@tuoitre.com.vn)
HUY ĐĂNG (huydang@tuoitre.com.vn)

TTO - Đến Brazil không thể không đến “favelas” (những khu phố ổ chuột - tiếng địa phương). Rời khỏi những tòa nhà hoa lệ của làng Olympic, tôi tìm đến nơi của người nghèo, của bóng đá đường phố và của cả tội phạm dù được cảnh báo không nên bén mảng tới đây.

Khu phố ổ chuột Mangueira. Ảnh được chụp ngay trước khi tác giả bị những người đàn ông trong hình tấn công - Ảnh: H.Đ.
Khu phố ổ chuột Mangueira. Ảnh được chụp ngay trước khi tác giả bị những người đàn ông trong hình tấn công - Ảnh: H.Đ.

Bị tấn công vì chụp ảnh

Mangueira, khu ổ chuột nằm trên sườn đồi gần khu trung tâm Downtown và sân vận động Maracana, là favela đầu tiên tôi đặt chân đến. Trước đó, thông tin về một cuộc trấn áp, phá tan các ổ nghiện ngập nơi đây của cảnh sát Brazil nhằm “dọn dẹp” cho Olympic cách đây hai tuần khiến tôi an tâm phần nào.

Ở một góc ngõ ngoài cùng favela Mangueira là tiếng nhạc xập xình rộn ràng ngay vào lúc 7g sáng. Tôi dấn bước và một khung cảnh nhộn nhịp hiện ra với cờ phướn treo khắp nơi, cùng những người đàn ông, phụ nữ đang vui vẻ nhảy nhót.

Chắc mẩm đây là một hội hè vui vẻ thường thấy ở các khu ổ chuột Brazil, tôi giương máy ảnh lên. Và chỉ một giây sau đó, tôi biết mình đã phạm phải sai lầm lớn. Những tiếng la ó, gào thét, nạt nộ vang lên dữ dội. “Merda”, “Merda”, “Embora”... Không hiểu tiếng địa phương nhưng hiển nhiên tôi hiểu sự thiếu thiện cảm đang nhắm vào mình, tôi giơ tay tỏ vẻ xin lỗi và vội vàng quay gót. Nhưng mọi chuyện không chỉ đơn giản như vậy.

Một gã thanh niên áp sát, miệng vẫn quát thét những tiếng thổ ngữ và nện vào vai tôi một cú đấm. Sau lần đầu tiên ăn đòn, tôi vung tay gạt trong lần thứ hai và ngay sau đó ba, bốn gã khác cùng nhào tôi. “Bỏ chạy”, không thể khác được, tôi không đủ thời gian để đưa ra những suy nghĩ gì khác nữa. Và may mắn làm sao, đúng lúc vừa ra đến đầu ngõ thì một chiếc xe cảnh sát chạy ngang qua. Chiếc xe lấp láy đèn xanh không dừng lại nhưng những kẻ rượt theo tôi thì buông tha.

Nhanh bước lẩn đi và cất máy ảnh vào balô, tôi tiếp thu bài học đầu tiên khi đến với những “favelas”: chớ có chụp ảnh trước khi xin phép.

Sau khoảng 20 phút đi loanh quanh, tôi tìm cách trở lại Mangueira, tất nhiên là trong một ngõ ra vào khác. Khốn khổ làm sao, khu ổ chuột nơi đây khá nhỏ và tôi lại đụng độ gã thanh niên đã đánh mình lúc trước. Lần này gã rượt theo bằng xe môtô và phải nhờ sự can thiệp của một nhóm những người xe ôm đứng gần đó, tôi mới thoát một cuộc đụng độ lần hai.

Một tài xế xe ôm bập bẹ được vài chữ tiếng Anh giải thích cho tôi hiểu mình đang gặp nguy hiểm như thế nào. “Drug, drug” (thuốc kích thích, thuốc gây nghiện), người tài xế tay chỉ về phía đầu ngõ ban nãy và thúc giục tôi leo ngay lên chiếc xe buýt vừa trờ tới. Và thế là tạm biệt Mangueira, nơi vẫn chưa hề yên bình sau những cuộc trấn áp của cảnh sát trước thềm Olympic 2016.

Những người vô gia cư nằm vạ vật quanh Central do Brasil - Ảnh: H.Đ.
Những người vô gia cư nằm vạ vật quanh Central do Brasil - Ảnh: H.Đ.

Ổ chuột cũng “tuột dốc”

Sau khoảng một giờ tìm đường, tôi đến Rocinhao - khu ổ chuột lớn nhất ở Brazil, gần như là một trung tâm thương mại dành cho người nghèo. Nơi đây thậm chí có cả tour du lịch được quảng cáo rầm rộ trên mạng bằng những đoạn phim hoạt hình rất hấp dẫn.

Ngay khi vừa đặt chân đến, tôi biết lần này mình sẽ không gặp nguy hiểm nữa khi lực lượng cảnh sát đứng đầy bên ngoài khu ổ chuột, thậm chí còn có cả xe ra vào những con đường lớn trong khu.

“Tốt nhất là đừng chụp hình gì cả, Brazil bây giờ nguy hiểm lắm, favela cũng vậy” - anh chàng tài xế xe ôm tên Luisao nhắc nhở trước khi tôi leo lên xe làm một cuốc “du ngoạn phố ổ chuột”. Luisao lấy giá 15 real (khoảng 100.000 đồng) cho tour du lịch này.

Ở Rio được hai ngày, tôi biết chi phí sinh hoạt ở đây không hề rẻ chút nào, bất kể là ngay trong khu phố ổ chuột. Một ký thịt gà buôn bán trong những khu chợ ở phố ổ chuột có giá 10-18 real/kg (70.000 - 120.000 đồng/kg), và một cái bánh truyền thống Pao De Quejo cho trẻ em cũng có giá 3-4 real.

Thu nhập thấp nhưng giá cả sinh hoạt vẫn cao, đó là bi kịch của người dân nghèo tại Brazil, cụ thể là Rio de Janeiro. Luisao cho biết khu chợ ở đây đã kém sầm uất hơn rất nhiều với cuộc khủng hoảng kinh tế thời gian qua, và favela Rocinhao đã không còn là một điểm đến lý tưởng, vui vẻ dành cho du khách nữa.

“Tội phạm, nguy hiểm rất nhiều, chỉ vì là ban ngày nên anh không thấy thôi. Nhưng tôi sẽ không chở anh vào sâu nữa đâu. Tôi không phải dân ở đây” - Luisao cố gắng giải thích khi tôi đòi vào sâu trong những con hẻm tăm tối, chật hẹp.

“Nếu muốn tìm những người nghèo, anh có thể đến Central do Brasil, không nhất thiết gì phải là khu phố ổ chuột” - Luisao nói. Trước lúc chia tay, tôi hỏi cảm nghĩ của Luisao về Olympic. “Tôi thích Neymar. Còn lại tôi không quan tâm. Mùa Olympic có thể tôi sẽ chở được nhiều khách hơn, nhưng có lẽ chỉ trong tháng này thôi. Làm nghề này tôi thấy du khách đến Rio ngày càng ít đi, họ sợ, đó là điều hợp lý”, Luisao trả lời.

Olympic không dành cho người nghèo

Central do Brasil (còn gọi là Centro) là trạm xe lớn nhất, nút giao thông quan trọng nhất tại Rio de Janeiro với cả thảy năm tuyến xe buýt cùng hai làn xe điện ngầm chạy qua đây. Và sau khi đặt chân đến, tôi cũng nhanh chóng nhận ra đây còn là khu vực của những người vô gia cư.

Có đến cả trăm người vô gia cư rải rác quanh Centro. Ở đây, họ từng có một bếp ăn tập thể do chính phủ thành lập, nơi bán thức ăn với giá cả từ thiện. Những người vô gia cư có thể có được một bữa ăn tối có thịt bò, đậu hầm với giá chỉ 2 real.

Nhưng đó đã là quá khứ. Bếp ăn tập thể ở Centro đã đóng cửa cách đây một tháng sau khi Chính phủ Brazil lâm vào cảnh kiệt quệ tài chính. Ông Pedro, một người bán hàng bên ngoài Centro, cho biết có khoảng 20 bếp ăn từ thiện do chính phủ thành lập ở Rio và chỉ trong một tháng qua, đã có nhiều bếp ăn bị đóng cửa.

“Số người vô gia cư mỗi lúc một đông mà nơi ăn uống dành cho họ lại giảm. Bây giờ họ tìm đến những bếp ăn từ thiện do nhà thờ và một số tổ chức thành lập. Nhưng đêm thì vẫn về đây ngủ”, ông Pedro cho biết. 

Centro là nơi làm việc chính của những người vô gia cư. Họ bày bán các loại giày dép, dụng cụ gia đình cũ kỹ hoặc thu nhặt rác. Thu nhập nhiều lúc chẳng hề có và nhiều người vô gia cư nằm vạ vật chẳng chút sức sống sau những ngày ế hàng. Bên trong tòa nhà Centro, khách khứa vẫn tấp nập. Những băngrôn quảng bá Olympic Rio được giăng khắp nơi và các quầy bán vé đã bắt đầu hoạt động.

Nhưng mọi thứ chẳng hề ăn nhập gì với nhau. Quầy bán vé Olympic chẳng có ma nào đến suốt nhiều giờ tôi đứng đây và những người làm ăn buôn bán tại Centro cũng rất thờ ơ khi được hỏi đến Olympic. “Tôi từng được hứa hẹn sẽ phát triển công việc làm ăn buôn bán sau World Cup 2014, nhưng rồi mọi thứ chỉ tồi tệ hơn mà thôi. Olympic có khác gì đâu” - ông Pedro nói trong sự chán nản.

_________

Kỳ tới: Bóng đá là hi vọng cứu rỗi

HUY ĐĂNG (huydang@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên