Bà Nguyễn Thái Hà - giám đốc điều hành John Hunt - chia sẻ như vậy với các bạn sinh viên Trường đại học Kinh tế quốc dân (Hà Nội) vào chiều 26-8, trong sự kiện Whose chance talk x NEU với chủ đề Thương hiệu cá nhân + AI - Bí quyết chinh phục nhà tuyển dụng và bứt phá sự nghiệp.
Whose chance talk là chuỗi sự kiện nằm trong hệ sinh thái của Cơ hội cho ai - Whose chance, chương trình truyền hình về việc làm được phát sóng hằng năm trên VTV3.
Dự sự kiện chiều 26-8 ngoài bà Thái Hà còn có các diễn giả khác.
Môi trường làm việc ở công sở đã đổi khác
Chia sẻ về câu chuyện văn hóa doanh nghiệp hiện nay, bà Thái Hà cho biết đã có nhiều sự chuyển biến rất tích cực.
Bà chia sẻ câu chuyện cá nhân, trước khi bà đi làm, cha bà rất lo lắng cho cô con gái cá tính, thẳng thắn, không biết che giấu những suy nghĩ trong đầu. Cha bà đã lo lắng nói với con trước khi con gái gia nhập vào môi trường công sở: "Làm sao sống được ở công sở".
Bà Thái Hà khi đó rất thông cảm với lo lắng của cha mình. Bà hiểu trong suy nghĩ của nhiều người thế hệ trước thì "công sở là nơi người ta phải đeo mặt nạ, không được phép sống là chính mình". Nhưng quan sát của chuyên gia nhân sự này cho thấy bây giờ môi trường công sở đã rất khác.
Các bạn trẻ khi đi làm họ tìm kiếm sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, tìm kiếm sự tương đồng giữa nhân sinh quan của mình với những giá trị cốt lõi của doanh nghiệp.
Cho nên các bạn trẻ sẽ tìm kiếm một môi trường làm việc mà có văn hóa phù hợp với các giá trị của bản thân chứ không chịu "đeo mặt nạ" để cố tồn tại trong môi trường không phù hợp để giữ việc làm.
Cùng với sự thay đổi của người lao động thì các sếp, rồi đồng nghiệp cũng phải thay đổi theo. Để cùng tạo nên một môi trường làm việc thoải mái, dễ chịu, nơi mọi người có thể thẳng thắn với nhau.
Thương hiệu cá nhân phải xây dựng từ sớm
Về việc xây dựng thương hiệu cá nhân, bà Thái Hà nói khái niệm đang bị hiểu sai nhiều. Có người nói thương hiệu cá nhân là có nhiều người theo dõi trên mạng xã hội. Đó chỉ là một trong sáu chân kiềng làm lên thương hiệu cá nhân mà thôi.
Theo bà, thương hiệu cá nhân của một người thể hiện qua các yếu tố: thứ nhất là năng lực chuyên môn của bạn, thứ hai là mối quan hệ xã hội của bạn, thứ ba là tính chính trực, mức độ ảnh hưởng của bạn, thứ tư là hình ảnh của bạn trên mạng xã hội, thứ năm là lời người khác nói về bạn.
Bà khẳng định thương hiệu cá nhân rất quan trọng với các bạn trẻ khi bước chân vào môi trường làm việc.
Dù nhà tuyển dụng có công bố là họ cần ứng viên có thương hiệu cá nhân hay không thì ứng viên có thương hiệu cá nhân mạnh là ứng viên được lựa chọn.
Thực ra những câu hỏi trong buổi phỏng vấn tuyển dụng cũng là nhằm để phác họa nên chân dung thương hiệu cá nhân của người ứng tuyển.
Ông Nguyễn Trung Hiếu - phó tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn đầu tư Bảo Ngọc - cũng đồng quan điểm. Ông nói người nào làm thương hiệu cá nhân tốt, tạo dấu ấn với nhiều người hơn thì cơ hội công việc nhiều hơn.
Bà Thái Hà đưa ra lời khuyên các bạn trẻ hãy xây dựng thương hiệu cá nhân từ sớm. Ông Hiếu chỉ dẫn, các bạn trẻ khi đã có học vấn, kỹ năng rồi thì cần tập trung vào thương hiệu cá nhân.
Người trẻ hãy không ngừng "cho não ăn"
Cho lời khuyên với bạn trẻ khi làm việc, ông Hiếu nói các bạn hãy làm việc chỉn chu từ những việc nhỏ nhất bởi vì bất kể các bạn cố gắng bao nhiêu nhưng chỉ một sai lầm của bạn có thể bị sếp nhìn vào và đánh giá toàn bộ công việc.
Ngoài ra, các bạn trẻ đừng làm việc với thái độ làm để lấy đồng lương mà hãy làm thật tận tâm, làm được việc chứ không phải là làm cho xong việc.
Và đặc biệt, lời khuyên chân thành với các bạn gen Z đó là hãy học tập không ngừng, để "nén mình lại". Bởi giống như lò xo, càng nén thì sức bật càng tốt.
Bà Thái Hà cũng nhấn mạnh việc bạn trẻ cần học tập, thu nạp kiến thức, tích lũy các trải nghiệm cá nhân, phải "cho não ăn" không ngừng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận