![Nụ cười của bà giáo 'khánh kiệt' và Luật Đất đai - Ảnh 1.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/14/untitled11-1725933813536770273383-17395070821281692080343.jpg)
Bà Nguyễn Thị Phương Lan với chồng hồ sơ nhà đất dày cộm chờ được cấp giấy chứng nhận - Ảnh: C.NƯƠNG
Tiếng kêu đã thấu, sự quyết liệt và trách nhiệm không chỉ đem lại hy vọng cho người dân mà còn cho thấy luật mới đã đi vào cuộc sống.
Chỉ sau 3 ngày kể từ khi báo Tuổi Trẻ đăng bài về bà giáo Nguyễn Thị Phương Lan "khánh kiệt" sau 17 năm chờ cấp sổ đỏ), Văn phòng Đăng ký đất đai TP.HCM đã họp với các cơ quan và thống nhất giải quyết cấp sổ cho bà Lan.
Kết quả thuận tình hợp luật này có được nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường TP và tới đây là cần sự nhanh chóng thực hiện chỉ đạo của các cơ quan liên quan. Hy vọng rằng ước nguyện của bà giáo sẽ thành hiện thực.
Dù vậy, qua vụ việc này cho thấy việc thực thi, vận dụng các điều luật, cụ thể là những điều khoản mới của Luật Đất đai 2024, để tháo gỡ cho những vướng mắc của doanh nghiệp và người dân vẫn cần phải mạnh mẽ hơn, quyết liệt với tư duy và góc nhìn khác hơn trước.
Bởi người dân, doanh nghiệp được tháo gỡ cho thấy luật đã đúng, trúng. Người thực thi pháp luật cũng cảm thấy vui vì đã đem lại niềm vui cho người khác. Bởi thế, khâu thực thi luật ngày càng trở lên quan trọng, cần được chăm chút, mạnh mẽ khi triển khai.
Không riêng gì bà giáo Lan, nhiều trường hợp người dân và doanh nghiệp gặp vướng mắc trước đây kỳ vọng khi luật mới với những quy định tháo gỡ sẽ giúp gỡ vướng mắc nhưng sự chần chừ, e ngại, thậm chí sợ trách nhiệm, của một số cấp quản lý khiến quá trình khơi thông hồ sơ gặp khó khăn.
Luật Đất đai 2024 có hiệu lực đến nay đã nửa năm, nhưng không phải điểm mới nào cũng được vận dụng khơi thông các điểm nghẽn, vướng mắc.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà khi giải trình trước Quốc hội đã chia sẻ tất cả các nguyên nhân hạn chế, yếu kém trong lĩnh vực đất đai đã được Quốc hội giải quyết cơ bản trong luật, chỉ có một phần giao cho Chính phủ làm rõ thêm bằng nghị định, thông tư.
Dù vậy, thực tế triển khai luật ở nhiều địa phương vẫn còn trúc trắc, e dè, thậm chí "nhìn nhau".
Ngay như việc tuyên truyền, giải thích các điểm mới, thuận lợi, ưu điểm của luật mới luôn được đề cao nhưng thực tế nhiều lúc lại "tù mù" không đáng có.
Ví dụ như việc áp dụng mẫu giấy sổ đỏ mới chỉ còn 2 trang (khổ giấy A4) thay vì 4 trang (khổ giấy A3) vì có áp dụng công nghệ mới, theo cơ quan quản lý, sẽ thuận lợi hơn cho người dân và cả cơ quan quản lý.
Thế nhưng, phần lớn người dân khi được cấp sổ hay giao dịch với sổ theo mẫu mới đều nói không như mẫu cũ, phiền hà, tốn kém.
Theo giải thích của cơ quan quản lý, mẫu sổ mới khổ giấy A4 dễ in ấn hơn, nhà đất có vị trí tọa độ ổn định (thay vì có những thời kỳ trước đây không ghi nhận tọa độ định vị lên sổ) nên khi hết chỗ cập nhật cơ quan quản lý sẽ tự động cấp lại sổ mới cho người dân và doanh nghiệp trong đúng thời gian quy định giải quyết thủ tục hành chính.
Người dân không cần mất thời gian đo lại bản vẽ xin cấp đổi sổ như trước đây. Nếu đúng như thế thì quá tiện lợi. Vậy mà dân không được thông tin, giải thích đầy đủ để mà khen…! Cái mới, ưu điểm nhưng trước mắt dưới mắt người dân lại thành hạn chế, bất cập.
Luật mới về nhà đất (Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở) chạm đến cuộc sống của hàng chục triệu người dân và doanh nghiệp.
Luật đã đúng và trúng, vậy hãy tìm mọi cách để đưa vào cuộc sống, đem lại nụ cười cho mọi người có quyền lợi hợp pháp, như bà giáo Lan. Đó là trách nhiệm, cũng là đạo lý, của những người thực thi pháp luật.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận