![Vụ bà giáo khánh kiệt vì 17 năm chờ sổ đỏ, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM thống nhất cấp sổ - Ảnh 1.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/13/chi-em-ba-lan-10-2-read-only-1739201375892497330976-17394201876972126857874.jpg)
Cả hai chị em bà Nguyễn Thị Phương Lan đều đau bệnh, lâm cảnh khánh kiệt mòn mỏi chờ được cấp sổ đỏ để bán hoặc thế chấp nhà lấy tiền trả nợ và chữa bệnh - Ảnh: C.NƯƠNG
Ngay sau khi báo Tuổi Trẻ đăng bài viết: "Vụ bà giáo khánh kiệt vì 17 năm chờ sổ đỏ: Luật thông nửa năm, chuyện buồn vẫn đeo đuổi" (số báo ngày 11-2), Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM chỉ đạo Văn phòng Đăng ký đất đai TP.HCM họp với UBND quận 8 và các cơ quan liên quan để xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền trên đất đối với trường hợp cô giáo Nguyễn Thị Phương Lan (76 tuổi, ngụ quận 8, TP.HCM).
Ngay trong sáng 11-2, thư mời họp được phát hành và sáng 13-2 các bên liên quan đã họp. Qua phân tích trường hợp cụ thể của bà Lan, các thành viên tham dự họp đều thống nhất cấp sổ đỏ cho bà Lan theo khoản 4 và khoản 5 điều 137 Luật Đất đai 2024.
Chủ trì cuộc họp này do Phó giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai TP.HCM Thân Thế Hùng chủ trì.
Ông Hùng nêu ý kiến việc chuyển nhượng năm 2006 của bà Lan là mong muốn chuyển nhượng hợp pháp qua hợp đồng chuyển nhượng. Công ty Địa ốc quận 8 đã ký hợp đồng chuyển giao nền đất cho bà Lan.
Cùng với đó, căn cứ hoàn cảnh của bà Lan gần 20 năm xin cấp sổ đỏ và bệnh tật nên ông Hùng đề nghị xem xét giải quyết cho bà Lan, một người đang có hoàn cảnh khó khăn để tránh gây bức xúc cho dư luận.
Trước đó, Tuổi Trẻ đăng hai bài biết về trường hợp bà Lan, một giáo viên cấp III về hưu từ năm 2006. Năm 2007, qua môi giới bà Lan được giới thiệu mua nền đất từ ông P.V.H. (được cấp tái định cư khi bị thu hồi đất).
Nền đất này nằm trong tổng thể dự án nhà ở thương mại do Công ty Địa ốc quận 8 làm chủ đầu tư. Ông H. trước đó được bàn giao nền đất nhưng không có nhu cầu sử dụng. Chủ đầu tư sau đó cũng làm các thủ tục hủy hợp đồng mua bán với ông H. và ký lại hợp đồng mua bán nền đất cho bà Lan.
Sau mua bán, bà Lan được thông báo phải xây dựng nhà theo đúng kết cấu quy hoạch 1 trệt 3 lầu mới được cấp sổ. Sống một mình và phải nuôi dưỡng người chị gái hơn 80 tuổi bệnh tật nhưng bà Lan vẫn chạy vạy vay tiền để xây căn nhà đúng chuẩn với mong muốn sẽ được cấp sổ.
Trớ trêu khi hoàn thành công trình vào năm 2021, bà được thông báo chưa được cấp sổ đỏ vì không thuộc đối tượng cấp sổ cho nền tái định cư này, mà đối tượng đúng phải là ông H..
Điều đáng nói Luật Đất đai 2024 đã có hiệu lực, có điều khoản cho phép cấp sổ đỏ cho những trường hợp mua bán bằng giấy tay như bà Lan, nhưng hồ sơ của bà Lan vẫn chưa được giải quyết.
Luật Đất đai 2024 có quy định cấp sổ đỏ những trường hợp như bà Lan
Trong khi trước đó Sở Tài nguyên và Môi trường TP đã có văn bản gửi UBND TP.HCM phân tích các cơ sở pháp lý để xem xét giải quyết những trường hợp như bà Lan.
Cụ thể Sở Tài nguyên và Môi trường TP phân tích các quy định của Luật Đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn để đi đến nhận định chưa có cơ sở quy định để sở tham mưu giải quyết hồ sơ cấp sổ đỏ cho các trường hợp mua bán, chuyển nhượng suất tái định cư bằng giấy tay sau ngày 1-7-2004 theo luật cũ.
Tuy nhiên khi dẫn các điều luật trong Luật Đất đai 2024 (có hiệu lực từ 1-8-2024), Sở Tài nguyên và Môi trường TP đã nhận định luật mới có quy định về việc cấp sổ đỏ cho hộ gia đình, cá nhân không có giấy tờ về quyền sử dụng đất hoặc có vi phạm pháp luật đất đai trước thời điểm 1-7-2014 (sau 1-7-2004).
Do đó khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực, việc xem xét giải quyết cấp sổ đỏ cho các trường hợp mua bán, chuyển nhượng bằng giấy tay (trong đó có mua bán suất tái định cư) thực hiện theo quy định luật này.
Sở cũng kiến nghị UBND TP trong trường hợp UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức có đề nghị hướng dẫn việc cấp sổ đỏ với các trường hợp này thì giao sở (cụ thể là Văn phòng Đăng ký đất đai TP) hướng dẫn. Vậy nhưng khi luật mới đã có hiệu lực nửa năm, những trường hợp như bà Lan vẫn mỏi mòn chờ hướng dẫn…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận