Liên quan đến đề xuất phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) ở khu vực Hàng Xanh (quận Bình Thạnh), tại thông báo kết luận mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi ghi nhận, đánh giá cao ý tưởng của Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII), góp phần cho sự phát triển chung của thành phố.
Ông Mãi đề nghị Công ty CII chủ động sử dụng nguồn vốn của mình để thuê đơn vị tư vấn hoàn chỉnh ý tưởng. Đồng thời nghiên cứu hạ tầng xanh đồng bộ, thông minh, hiện đại, các cơ chế chính sách liên quan đến bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư (đền bù theo giá thị trường, sinh kế cho người bị ảnh hưởng, tái định cư tại chỗ...).
Sau đó doanh nghiệp báo cáo, đề xuất Sở Giao thông vận tải TP.HCM để tổng hợp, tham mưu UBND TP.
Sở Giao thông vận tải TP.HCM làm đầu mối, chủ trì phối hợp với doanh nghiệp và các sở, ngành liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất các chính sách liên quan đến mô hình TOD. Nội dung nghiên cứu bao gồm cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, chỉ định nhà đầu tư chiến lược và các giải pháp phù hợp để bổ sung vào phần kiến nghị trong đề án metro.
Đồng thời rà soát, bổ sung danh mục đề án TOD triển khai đợt 1, tham mưu, đề xuất UBND TP.
Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM chủ trì, phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ Công ty CII hoàn thành ý tưởng trên liên quan đến công tác điều chỉnh các đồ án quy hoạch phân khu (phần nổi, phần ngầm...).
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, khu vực được doanh nghiệp đề xuất nghiên cứu có phạm vi từ Hàng Xanh đến chân cầu Bình Triệu. Đây mới chỉ là ý tưởng ban đầu và sẽ được đơn vị tư vấn nghiên cứu hoàn chỉnh.
Về hiện trạng, khu vực nghiên cứu có 4 tuyến đường chính: Điện Biên Phủ, Nguyễn Xí, Đinh Bộ Lĩnh và Xô Viết Nghệ Tĩnh. Trong đó, Đinh Bộ Lĩnh và Xô Viết Nghệ Tĩnh - quốc lộ 13 là hành lang kết nối quan trọng giữa TP.HCM và Bình Dương.
Ngã tư Hàng Xanh dài đến chân cầu Bình Triệu vốn là nơi có mật độ giao thông dày đặc, thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm tại những vị trí nút cổ chai.
Hiện TP.HCM nghiên cứu mở rộng đường Đinh Bộ Lĩnh, Xô Viết Nghệ Tĩnh và quốc lộ 13 qua Bình Thạnh để đồng bộ với dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13 từ chân cầu Bình Triệu đến Bình Dương.
Đặc biệt, một trong những yếu tố quan trọng để hình thành phát triển đô thị theo mô hình TOD là tương lai khu vực này sẽ có tuyến metro số 3A và metro số 5 cùng với một số tuyến giao thông công cộng khác.
TP.HCM dự kiến thu 7,8 tỉ USD từ phát triển theo mô hình TOD để làm metro
Theo đề án metro, từ nay đến 2035, TP.HCM sẽ triển khai và hoàn thành 7 tuyến với tổng chiều dài 355km. Tổng mức đầu tư cho các dự án sơ bộ khoảng 40,02 tỉ USD. Để triển khai đề án, TP sẽ huy động từ nhiều nguồn, bao gồm thu từ phát triển đô thị theo mô hình TOD khoảng 7,8 tỉ USD.
Tại phiên họp Hội đồng Tư vấn triển khai thực hiện nghị quyết 98 ngày 8-2, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết TP sẽ mời các tư vấn uy tín quốc tế giúp làm quy hoạch không gian ngầm, gắn với phát triển TOD.
Thời gian qua, TP đã có đề án nghiên cứu 6 vị trí TOD và giao doanh nghiệp đề xuất TOD từ ngã tư Hàng Xanh ra quốc lộ 13.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận