17/05/2014 08:32 GMT+7

"Nóng ruột" chờ ra khơi

VIỆT HÙNG - TRẦN MAI
VIỆT HÙNG - TRẦN MAI

TT - Các tàu của ngư dân Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc xua đuổi, đập phá, thu giữ tài sản khi đánh bắt ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang rất nóng ruột khi phải nằm bờ chờ ngày ra khơi tiếp tục bám biển.

Tàu ngư dân Quảng Ngãi bị xua đuổi, đập phá ở Hoàng Sa - Chính ...Chúng tôi vẫn ra khơi

E74qSj0w.jpgPhóng to
Tàu QNg 96416 bị tàu Trung Quốc húc, phun vòi rồng bị bể kính cabin (phía trên) và vá chằng chịt mạn phải tàu (bên dưới) - Ảnh: V.Hùng

Ngày 16-5, một tuần sau chuyến đi biển hãi hùng, ngư dân Nguyễn Lộc (ở xã An Vĩnh, Lý Sơn, Quảng Ngãi), thuyền trưởng tàu QNg 96416, cho biết ông được hỗ trợ hơn 400 triệu đồng để sửa chữa tàu tiếp tục vươn khơi, bám biển.

“Tàu nằm bờ thời gian làm ăn này nóng ruột lắm, chưa kể bạn tàu không đi biển được, đời sống sẽ rất khốn khó những ngày tới” - ông Lộc nói. Tàu ông Lộc cùng 15 ngư dân rời đảo Lý Sơn ngày 29-4 ra Hoàng Sa đánh bắt. Sáng 7-5, khi tàu đang đánh bắt cách đảo Cô Lin khoảng 15 hải lý về phía nam, bỗng xuất hiện tàu Trung Quốc số hiệu 1241 bắn đạn pháo sáng cảnh báo, tàu ông không dừng và cho tàu chạy vòng né tránh. Tàu chiến đuổi theo, lính trên tàu cầm búa, ốc, bùloong ném vào tàu của ông. Sau gần bốn giờ đuổi bắt, một tàu ngư chính khác của Trung Quốc đến tiếp sức. Cả hai tàu Trung Quốc đuổi tàu QNg 96416 khoảng 4-5 lần và kẹp tàu ở giữa. Tàu ngư chính đã tông trực diện vào hông tàu của ông khiến tàu hư hỏng khá nặng, bị bể be tàu mạn phải, cabin và kính bị vỡ nát, nhiều ngư cụ bị hư hỏng. Ngư dân phải sửa chữa để tàu khỏi bị chìm, thu lưới về đất liền.

Trưa 16-5, chúng tôi gặp thuyền trưởng tàu cá QNg 90055 Võ Văn Tư (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) lúc ông đang loay hoay sắp xếp thiết bị để ra khơi khi con tàu sửa chữa đã hoàn thành. Ông Tư kể khi đang đánh bắt tại đảo Sa Cừ, thuộc quần đảo Hoàng Sa ngày 7-1 thì bị tàu Trung Quốc bắt giữ, dùng dùi cui điện để trấn áp, cướp đi 306 tấm lưới, trang thiết bị, thúng, hải sản... Ông tính thiệt hại khoảng 180 triệu đồng, chưa kể phí tổn chuyến đi hơn 80 triệu đồng. Nhiều tháng qua, ông Tư đã vay mượn tiền sửa chữa lại con tàu để ra khơi. Ông chia sẻ: “Tôi bám đảo của mình làm mà phía Trung Quốc ngang ngược quá. Vay mượn hết cách rồi, đang thiếu vốn để mua lại một số ngư cụ để ra khơi”. Ông Nguyễn Thanh Hùng, phó chủ tịch UBND xã kiêm chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu, cho hay tình cảnh của ông Tư rất khó khăn nên thời gian dài vừa qua tàu chưa ra khơi được. Hiện cả bốn tàu Bình Châu bị Trung Quốc thu giữ, phá tài sản, nghiệp đoàn cũng chỉ hỗ trợ 1 triệu đồng/tàu và 200.000 đồng/ngư dân chứ chưa được nhiều.

Ông Nguyễn Quốc Chinh, chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá An Hải (Lý Sơn), cho biết từ đầu năm đến nay có tám tàu cá Lý Sơn bị các tàu Trung Quốc xua đuổi, đập phá, lấy tài sản... khiến tình cảnh các ngư dân hết sức khó khăn. Các ngư dân phải vay mượn, hỗ trợ từ xã hội để sửa chữa tàu tiếp tục vươn khơi bám biển, bởi đó là cuộc mưu sinh, là đời sống gia đình họ và tiếp nối truyền thống gìn giữ chủ quyền lãnh hải Tổ quốc.

Ông Trần Ngọc Nguyên, chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn, cho biết ngư dân Lý Sơn có khả năng khai thác 1-2 tháng trên vùng biển xa nhưng giờ Trung Quốc đem giàn khoan Hải Dương 981 án ngữ đường ra biển của ngư dân và xua đuổi tàu cá của bà con, việc đánh bắt hải sản sẽ khó khăn. “Tôi đã động viên ngư dân và khẳng định chính quyền sẽ làm hết sức mình để ngư dân an tâm bám biển, bà con đều hưởng ứng. Hiện Lý Sơn có 427 tàu cá, trong đó 158 tàu đánh bắt xa bờ, khai thác chủ yếu vùng biển quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, nhưng hiện không có tàu nào nằm bờ, họ đã ra đánh bắt thủy sản ở biển Đông” - ông Nguyên cho biết.

Tàu Việt Nam cách giàn khoan 7 hải lý

Bắt đầu từ 7g30 ngày 16-5, khi năm tàu cảnh sát biển Việt Nam tiến sâu vào khu vực lắp đặt giàn khoan Hải Dương 981 chừng 7 hải lý thì các tàu hải giám, hải cảnh của Trung Quốc áp sát và ngăn cản. Trong khi đó, 30 tàu Trung Quốc khác sẵn sàng chờ lệnh tiếp viện.

Lúc 9g25, các tàu hải cảnh 31101, 33103 của Trung Quốc tăng tốc lên 20 hải lý/giờ áp sát tàu cảnh sát biển 4033 của ta ở khoảng cách 30m, chĩa nòng pháo đã mở bạt vào tàu 4033 khiến tàu 4033 phải báo động khẩn cấp. Theo trung tá Trần Lê Trang - phó tham mưu trưởng tác chiến Cảnh sát biển vùng 2, các tàu Trung Quốc thay đổi chiến thuật để uy hiếp các tàu cảnh sát biển Việt Nam. Tàu của họ không còn đậu cách xa giàn khoan nữa mà rút sâu vào khu vực giàn khoan chừng 6 hải lý và xếp hàng tạo thành hình cánh cung. Họ chờ tàu Việt Nam vào thực hiện quyền chấp pháp thì tung ra bao vây và uy hiếp. Trung tá Trang cho rằng đây là hành động cực kỳ nguy hiểm nhằm chặn tàu Việt Nam không còn đường rút lui.

Trung tá Trang nhận định: tàu lớn của Trung Quốc đều mở bạt súng, còn tàu công suất nhỏ không mở bạt súng nhưng luôn trong tư thế sẵn sàng đâm vào tàu Việt Nam.

Có bị húc cũng ra khơi

Sáng 16-5 tại cảng cá Thọ Quang (Đà Nẵng), không khí chuẩn bị ra khơi đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa (Việt Nam) của ngư dân miền Trung rất sôi động. Hơn 10 tàu cá của Đà Nẵng và các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Bình... tiếp đá cây, thực phẩm, nước ngọt để ra khơi. Trong đó có cả những tàu cá mà mới chuyến trước bị tàu Trung Quốc đâm nhưng vẫn hiên ngang ra khơi.

Bà Trần Thị Loan - chủ tàu cá QNg 95165 (Đức Phổ, Quảng Ngãi) - cùng gần chục bạn đang vận chuyển đá cây, nước ngọt lên tàu. Chỉ vào phía đuôi phải của tàu có những vết vỡ và trầy xước, bà Loan nói đó là hậu quả của tàu Trung Quốc đâm đợt vừa qua. Bà Loan cho biết ngày 26-4, khi tàu của bà đang hành nghề giã cào trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam thì bị tàu sắt mang cờ Trung Quốc bất ngờ xuất hiện và húc vào đuôi tàu khiến tàu cá bị thủng một lỗ. Sau khi chạy thoát khỏi tàu Trung Quốc, tàu cá QNg 95165 tiếp tục đánh bắt hải sản đến ngày 3-5 mới cập cảng. Hôm nay (17-5) tàu tiếp tục ra ngư trường Hoàng Sa. “Đang vào mùa giã cào nên mình cứ đi, Trung Quốc có cấm, có húc cũng kệ họ, biển của ta mà” - bà Loan cho biết.

Thêm 2 tàu cá bị đâm

Ông Nguyễn Văn Trung, phó cục trưởng Cục Kiểm ngư, cho biết trong chiều 16-5 đã có thêm hai tàu cá của ngư dân đang đánh bắt trên ngư trường truyền thống của ta đã bị tàu Trung Quốc đâm.

Cụ thể, lúc 14g15 ngày 16-5, một tàu cá của Việt Nam bị tàu cá vỏ sắt Trung Quốc có số hiệu 71075 đâm sập cầu thang, nứt cabin, hỏng dàn đèn (6 bóng) làm ảnh hưởng tới việc đánh bắt của ngư dân. Trước đó khoảng 20 phút, cũng chính chiếc tàu 71075 này đã đâm vào phía sau lái làm tàu cá bị hư hỏng, sập mái che sau cabin, nứt boong sau làm tràn nước vào khoang, phải sử dụng bơm để bơm nước ra ngoài. Các tàu cá của ngư dân Việt Nam bị đâm đều đang hoạt động khai thác trên khu vực cách giàn khoan Hải Dương 981 khoảng 10 hải lý. Theo ông Trung, dù bị đâm gây hư hại nhưng các tàu của ngư dân vẫn nhanh chóng sửa chữa khắc phục và ngư dân vẫn bám biển.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Chúng tôi vẫn ra biển của mìnhNgư dân tiếp tục ra khơi, giữ ngư trường Hoàng SaNhiều thanh niên tình nguyện gia nhập lực lượng kiểm ngưThêm 2 tàu cá VN bị Trung Quốc tấn công tại Hoàng Sa Hai tàu Trung Quốc lại rượt đuổi và đâm tàu cá Việt Nam

VIỆT HÙNG - TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên