16/05/2014 11:19 GMT+7

Chúng tôi vẫn ra biển của mình

TRẦN MAI - ĐOÀN CƯỜNG - LÊ TRUNG
TRẦN MAI - ĐOÀN CƯỜNG - LÊ TRUNG

TT - Sáng 15-5, hàng trăm tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi, Đà Nẵng và Quảng Nam tất bật vận chuyển nhu yếu phẩm, chuẩn bị một chuyến ra khơi.

2ZlSgopH.jpg
Ngư dân ven biển huyện Núi Thành, Quảng Nam vận chuyển nhiên liệu, lương thực lên tàu chuẩn bị ra khơi - Ảnh: Lê Trung

Trong lúc một số tàu cá đang chất nước đá, nạp dầu, nhu yếu phẩm, làm lễ chuẩn bị cho một phiên biển mới thì một số tàu cá khác đã nạp xong nhu yếu phẩm từ chiều 14-5 và cho tàu rẽ sóng vươn khơi. Những lá cờ phần phật trong gió, tung bay hướng về phía biển.

Cùng nhau bám biển

Theo thống kê của UBND xã Bình Châu, những ngày qua có hơn 40 tàu đăng ký ra khu vực giàn khoan Hải Dương 981 mà Trung Quốc hạ đặt bất hợp pháp tại lãnh hải Việt Nam để đánh bắt.

Vừa cập bến bán cá xong, anh Nguyễn Chí Thạnh (30 tuổi, xã An Hải, Lý Sơn, thuyền trưởng tàu QNg 96084) đã liên hệ với chủ nậu nhập nhu yếu phẩm chuẩn bị tiếp tục vươn khơi. “Nạp dầu sớm để còn kịp đi với mấy tàu nữa, đi thành đội dễ giúp nhau trên biển hơn” - anh Thạnh nói.

Sau gần một tháng đánh bắt tại đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, anh Thạnh cho biết: “Chuyến rồi tàu tôi bị tàu chiến 1241 của Trung Quốc đuổi ba lần, nhưng anh em vẫn cương quyết bám trụ. Hơn 15 năm qua từ khi biết đi biển, tôi vẫn đánh cá tại khu vực này. Việc truy đuổi của tàu Trung Quốc thường xuyên nên cũng không e ngại. Tuy có lỗ nhưng phải bám vì mình sợ mà bỏ đi là coi như mất ngư trường”.

Còn ngư dân Lê Văn Tính (22 tuổi, xã An Hải, huyện Lý Sơn) chia sẻ: “Ở ngoài đó, chúng tôi thấy tàu Trung Quốc tràn vào ngư trường mình, xua đuổi nhiều hơn trước nhưng chẳng ngăn được anh em ra khơi”.

Theo ông Nguyễn Quốc Chinh - chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải, hiện Lý Sơn có 120 tàu cá tham gia đánh bắt trên ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa với hơn 2.000 ngư dân trực tiếp đánh bắt.

“Chúng tôi kêu gọi bà con ngư dân tiếp tục phát huy truyền thống, kiên định bám sát ngư trường, tiếp tục khai thác, đánh bắt hải sản, bảo vệ ngư trường, góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh hải của Việt Nam” - ông Chinh bày tỏ.

Ông Lê Văn Sơn - chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Ngãi - nói: “Những ngày qua ngư dân vẫn hoạt động đánh bắt bình thường, không có gì ngăn cản bà con đánh bắt hợp pháp trên ngư trường truyền thống của mình”.

Nhiều tàu công suất lớn hạ thủy

Tại Đà Nẵng chiều 15-5, ông Trần Văn Lĩnh - quyền chủ tịch Hội nghề cá TP Đà Nẵng - cho biết hiện tổ đội đánh bắt hải sản của Đà Nẵng với gần 15 tàu cá của Đà Nẵng vẫn đang hành nghề trên vùng biển Hoàng Sa (Việt Nam) gần khu vực Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép.

“Ngư dân thông báo về khi các tàu cá của mình tiến gần giàn khoan thì bị tàu Trung Quốc tràn ra xua đuổi. Tuy nhiên, các tàu cá của ngư dân ta vẫn kiên cường bám biển” - ông Lĩnh cho biết thêm.

Trước đó sáng 14-5, tại Đà Nẵng lại thêm một tàu cá có công suất lớn (860CV) đã được hạ thủy chuẩn bị ra Hoàng Sa hành nghề.

Đại diện Sở NN&PTNT Đà Nẵng cho biết tới đây Đà Nẵng sẽ có thêm nhiều tàu công suất lớn hạ thủy tham gia hành nghề ở ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa.

* Cùng ngày, hàng chục tàu đánh bắt hải sản có công suất lớn của ngư dân ven biển tỉnh Quảng Nam tất bật sửa chữa tàu, vận chuyển nhiên liệu, lương thực lên tàu chuẩn bị ra khơi, quyết tâm bám biển, giữ ngư trường truyền thống Hoàng Sa của Tổ quốc.

Ngư dân Trần Hò, thuyền trưởng tàu QNa-91478, chia sẻ: “Cả 20 năm bám biển, ăn sóng nói gió, bao nhiêu bão bùng, hiểm nguy mình đều trải qua hết. Giờ Trung Quốc đặt giàn khoan trên vùng biển thuộc chủ quyền của mình, cản trở ngư dân đánh bắt, làm sao mà không tức cho được”.

Theo ghi nhận của PV, đến khoảng 12g cùng ngày, tại cảng Kỳ Hà (huyện Núi Thành) đã có gần 50 tàu có công suất 200 CV trở lên xuất cảng ra khơi.

Tàu cá bị Trung Quốc đâm vẫn kiên quyết bám biển

Trao đổi với báo chí chiều 15-5, ông Nguyễn Văn Trung, phó cục trưởng Cục Kiểm ngư (Bộ NN&PTNT), cho biết trong ngày có một số tàu cá của ngư dân Việt Nam đang sản xuất ở khu vực ngư trường truyền thống của ta đã bị tàu Trung Quốc áp sát, ngăn cản và đâm, trong đó có một tàu cá của ngư dân đã bị đâm làm gãy dọc cabin sau lái. Tuy nhiên, các ngư dân trên chiếc tàu này đã nhanh chóng sửa chữa, khắc phục hỏng hóc để tiếp tục bám biển sản xuất.

Theo ông Trung, tính đến chiều tối 15-5, lực lượng kiểm ngư điện báo về cho biết tại khu vực giàn khoan Hải Dương 981, số tàu Trung Quốc đã tăng lên đến 99 chiếc, chưa kể các máy bay tuần thám. Lực lượng kiểm ngư vẫn duy trì 14 tàu cùng các tàu cảnh sát biển và tàu công vụ khác vẫn tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền. Ngoài ra, đến hôm qua đã có thêm một số tàu của ngư dân Khánh Hòa cũng đã ra đến khu vực giàn khoan - là ngư trường truyền thống của ngư dân để đánh bắt hải sản, nâng tổng số tàu cá của ngư dân Việt Nam đang có mặt tại khu vực này lên tới khoảng 40 chiếc.

Đ.BÌNH

TRẦN MAI - ĐOÀN CƯỜNG - LÊ TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên