Lực lượng chức năng phong tỏa chung cư Ehome 3, phường An Lạc, Bình Tân sau khi nơi đây ghi nhận nhiều ca mắc COVID-19 - Ảnh: CHÂU TUẤN
Chiều 19-6, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn TP, UBND TP.HCM có văn bản khẩn về việc thiết lập vùng phong tỏa để tăng cường kiểm soát, phòng chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn quận Bình Tân.
Theo đó, kể từ 0h ngày 20-6, TP.HCM sẽ triển khai thiết lập vùng phong tỏa để phòng, chống dịch COVID-19 đối với các khu phố 2, 3, 4 thuộc phường An Lạc, quận Bình Tân trong thời gian 14 ngày.
UBND quận Bình Tân chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan đảm bảo công tác phòng, chống dịch; an ninh trật tự, tổ chức chốt chặn tại các tuyến đường, tuyến hẻm ra, vào các khu vực thực hiện phong tỏa; đảm bảo cung ứng đầy đủ các nguồn nhu yếu phẩm thiết yếu, lương thực, thực phẩm cho người dân tại khu vực phong tỏa.
UBND TP giao các sở, ngành liên quan, UBND các địa bàn giáp ranh căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao hỗ trợ quận Bình Tân thực hiện tốt chỉ đạo nêu trên.
Trước đó, chủ tịch UBND quận Bình Tân Nguyễn Minh Nhựt có tờ trình gửi UBND TP.HCM đề xuất áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đối với khu phố 2, 3, 4 phường An Lạc, quận Bình Tân.
Thời gian thực hiện giãn cách 14 ngày, trong khu vực 171ha, với 17.441 hộ (55.931 người).
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân ở quận Bình Tân - Ảnh: NHẬT THỊNH
Đề xuất trên được đưa ra khi thời gian qua, trên địa bàn khu phố 2, 3, 4 phường An Lạc đã có 127 ca bệnh COVID-19, cùng với 26 ca liên quan đến các địa bàn khác và có thể có những ca bệnh chưa phát hiện tại khu vực này.
Theo quận Bình Tân, nếu đề xuất được chấp thuận, sẽ có 306 doanh nghiệp bị ảnh hưởng và 4 đơn vị hành chính nằm trong khu vực phong tỏa gồm: Văn phòng Tiếp công dân của Trung ương Đảng, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân quận, Chi cục Thi hành án dân sự quận.
Riêng UBND phường An Lạc sẽ bố trí một hướng di chuyển để cán bộ, công chức đến trụ sở và đi làm nhiệm vụ trên địa bàn.
Về biện pháp thực hiện, UBND quận sẽ tổ chức chốt chặn tại các tuyến đường, tuyến hẻm ra vào khu vực thực hiện giãn cách với 22 chốt, tổng lực lượng tham gia dự kiến là 198 người/ngày.
Cụ thể: Đường Hồ Học Lãm đoạn từ Kinh Dương Vương đến Võ Văn Kiệt sẽ chốt chặn, cách ly. Riêng tuyến đường Kinh Dương Vương, Võ Văn Kiệt vẫn cho lưu thông nhưng không dừng, đỗ.
Đối với các cửa hàng tiện ích, quận Bình Tân sẽ cho tiếp tục hoạt động để cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân và chỉ phục vụ người dân trong khu vực thực hiện giãn cách xã hội; đồng thời chỉ chở hàng hóa, không chở người ra, vào khu vực giãn cách, mỗi lần ra vào đều phải khử trùng, sát khuẩn.
Quận Bình Tân cũng sẽ tiếp tục giữ các chốt tại hẻm hoặc khu vực có nguy cơ cao, đang cách ly hiện hữu (chung cư Ehome, các hẻm đường Hồ Học Lãm, khu dân cư Nam Long) và xem như cách ly vòng trong.
UBND quận Bình Tân cũng kiến nghị phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan phối hợp hỗ trợ quận. Trong đó, Sở Công thương TP hỗ trợ cung ứng lương thực, thực phẩm cho người dân khu vực giãn cách…
Trước đó, tại cuộc họp trực tuyến về COVID-19 sáng 14-6, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhận định về tổng thể, sau hai tuần thực hiện giãn cách (từ 31-5 đến 14-6), tình hình dịch bệnh còn phức tạp, đặc biệt là sự xuất hiện hàng loạt chuỗi lây nhiễm cho thấy dịch có thể xâm nhập TP từ đầu tháng 5 và đã trải qua 4-5 chu kỳ lây nhiễm.
Dịch bệnh đã len lỏi và có thể sẽ được phát hiện qua khám sàng lọc, truy vết thời gian tới. Vì vậy, Chủ tịch UBND TP.HCM quyết định TP.HCM giãn cách xã hội toàn TP theo chỉ thị 15 thêm 2 tuần nữa, từ 0h ngày 15-6 đến 0h ngày 29-6.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận