Kết quả thật bất ngờ, nhiều sản phẩm được tiêu thụ tốt, giúp "hai lúa" phấn khởi, có tiền rủng rỉnh xài Tết.
Tăng thu nhập đáng kể
Là con của một chủ ghe đáy hàng khơi tại huyện Ngọc Hiển (Cà Mau), những ngày này chị Hồng My thức dậy vào sáng sớm để chuẩn bị, sắp xếp các mặt hàng có được để bài trí chụp hình, đăng Zalo và Facebook bán qua mạng.
"Trước đây cha mẹ tôi chỉ bán qua các vựa nên giá không được cao, do phải qua nhiều trung gian. Giờ đây tôi bán qua các mạng xã hội nên cũng được giá hơn, khách hàng dễ tiếp cận với hàng hóa của mình. Họ có thể lựa chọn, hỏi giá tận gốc, hàng luôn mới, chất lượng đảm bảo" - chị My nói.
Theo chị My, nhờ bán qua hệ thống mạng và thanh toán online mà mỗi tháng chị mang về thu nhập hàng chục triệu đồng cho gia đình, những tháng Tết thì hàng đi nhiều hơn và thu nhập cao hơn.
Anh Nguyễn Văn Miên, huyện Đầm Dơi (Cà Mau), cũng cho biết bản thân mình là nông dân thế hệ 8X nên dễ tiếp cận công nghệ.
Hằng ngày đăng những cái gì anh có sẽ giúp khách hàng biết đến anh nhiều hơn. Theo anh Miên, giờ giao hàng với nhận tiền qua các công ty vận chuyển hoặc chuyển khoản thẳng vào tài khoản nên cũng yên tâm.
Anh Miên không có mặt bằng nên bán bằng hình thức online là hợp lý nhất và hiệu quả nhất. "Việc buôn bán qua mạng không bao giờ là dễ dàng nhưng nếu hiệu quả thì cứ cố gắng làm tới thôi.
Tôi nghĩ điều khó nhất của bán hàng qua mạng là làm sao tạo được uy tín. Mình cũng phải đầu tư thêm về điện thoại, hình ảnh sao cho hấp dẫn, lạ mắt là phát triển được", anh Miên chia sẻ kinh nghiệm.
Bán khô Tết online chiếm 40%
Chị Nguyễn Thị Ngoãn, chủ cửa hàng khô cá đồng Phan Chao (huyện Tam Nông, Đồng Tháp), cho biết thị trường khô Tết năm nay sôi động, đơn hàng Tết đã đi khá nhiều.
Sức bán mạnh và khách mua sớm hơn, một phần nhờ đi các dịp hội chợ sản phẩm OCOP, mặt khác nhờ bán online qua kênh thương mại điện tử của tỉnh Đồng Tháp và livestream trên kênh TikTok.
"Các loại khô cá đồng như cá lóc cửng, cá chạch, cá lòng tong, khô tép... giá không tăng, dao động 450.000 - 600.000 đồng/kg, hàng thiên nhiên được khách ưa chuộng.
Thông thường dịp Tết các năm khoảng 23, 24 tháng chạp mới hết hàng, năm nay từ giữa tháng đã hết khô tép, riêng khô cá lóc còn số lượng ít nhờ tích cực quảng bá, bán hàng qua kênh online", chị Ngoãn nói.
Chị Lê Thị Vuông, cơ sở Khô Liêm Vuông (TP Hồng Ngự, Đồng Tháp), cho biết cơ sở chị sản xuất nhiều loại khô từ cá tra, cá lóc...
"Ngoài bán hàng qua kênh truyền thống, chúng tôi còn chủ động đăng hình ảnh lên Zalo, trao đổi thông tin online rồi chuyển hàng qua bưu điện cho khách đi các tỉnh và TP.HCM", chị Vuông nói.
Chữ thư pháp cũng bán online
Ông Bùi Văn Thức (xã Đông Phú, huyện Châu Thành, Hậu Giang), người tạo chữ thư pháp trên trái xoài để bán Tết, cho biết đã sử dụng mạng xã hội như Zalo, Facebook để tiếp cận khách.
"Tôi cũng thông qua sàn thương mại điện tử Postmart để bán hàng. Nhiều khách hàng biết được sản phẩm xoài thư pháp và đặt hàng qua các kênh bán hàng này", ông Thức nói.
Còn ông Đỗ Trung Nam - chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang - cho biết Hội Nông dân tỉnh có phối hợp với bưu điện tỉnh hỗ trợ nông dân bán hàng nông sản trên sàn giao dịch Postmart, với các sản phẩm trà mãng cầu, chanh không hạt, cam xoàn...
"Đến nay huyện đã có 800 nông dân đăng ký bán hàng trên Postmart. Nông sản được đưa lên sàn thương mại điện tử phải đảm bảo chất lượng, hình ảnh đăng tải chỉn chu, tạo sức hút cho người mua", ông Nam nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận