Sân Mỹ Đình đang bị nhiều cầu thủ chê chất lượng mặt sân xấu
Sân Mỹ Đình từng là niềm tự hào, là bộ mặt của thể thao Việt Nam, người ta thậm chí còn có ý định tổ chức những tour du lịch tham quan sân sau khi nó hoàn thành giống như sân của các đội bóng hàng đầu châu Âu như Barcelona, Manchester United...
Thế nhưng giờ đây, sau gần 20 năm, không ngờ sân Mỹ Đình được biết tới với những từ khóa buồn bã: mặt cỏ như bãi chăn bò, dột tại khu VIP…
Mỗi khi khu liên hợp thể thao quốc gia, trong đó có sân vận động Mỹ Đình, được chọn là nơi diễn ra các sự kiện thể thao, nhất là bóng đá, thì những hình ảnh tiêu cực của sân đấu này lại xuất hiện trên các phương tiện truyền thông trong nước và quốc tế.
Tháng 9-2021, khi đội tuyển Úc đến Việt Nam thi đấu tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022, báo Sydney Morning Herald đã ví von mặt cỏ sân Mỹ Đình như "bãi chăn bò".
Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã ráo riết chỉ đạo khu liên hợp thể thao quốc gia phải chăm sóc kỹ càng mặt cỏ sân Mỹ Đình. Dù vậy khi trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam - Úc diễn ra vào ngày 7-9, hình ảnh lồi lõm, mấp mô của sân Mỹ Đình lên truyền hình khiến người hâm mộ bức xúc.
Kể từ sau SEA Games 2003 đến trước SEA Games 31 hồi tháng 5-2022, sân Mỹ Đình chưa từng một lần được sửa chữa quy mô lớn. Vì vậy, cơ sở vật chất trong sân xuống cấp trầm trọng: bậc cầu thang nứt nẻ, khán đài C và D sụp lún, dột nước ở nhiều chỗ trong số 314 phòng trong sân, nhà vệ sinh bốc mùi hôi thối...
Từ năm 2009 đến 2018, khu liên hợp thể thao quốc gia đã tu sửa, mua sắm một số trang thiết bị bằng nguồn vốn ngân sách. Nhưng theo kết luận của Thanh tra Chính phủ năm 2021, hàng loạt sai phạm đã xảy ra trong các dự án sửa chữa và mua mới trang thiết bị, gây thất thoát hàng chục tỉ đồng của Nhà nước.
Để chuẩn bị cho SEA Games 31, Chính phủ đã cấp hơn 400 tỉ đồng để sửa chữa khu liên hợp thể thao quốc gia. Thế nhưng không biết vì sao nhiều trang thiết bị được mua mới cho SEA Games 31 vào tháng 5 vừa qua giờ đã để xảy ra sự cố liên tiếp.
Mới đây nhất, vào ngày 30-11, khung thành sân Mỹ Đình đã bật ra khi trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và CLB Borussia Dortmund (Đức) đang diễn ra.
Ở thời điểm này, khi đội tuyển Việt Nam chuẩn bị bước vào những trận đấu đầu tiên trên sân nhà tại AFF Cup 2022, sân Mỹ Đình lại là tâm điểm chú ý của dư luận khi mặt cỏ xấu, mặt sân lún ảnh hưởng việc thi đấu của các cầu thủ. Từ chỗ lợi thế được đấu trên sân nhà, nhưng với sự xuống cấp của sân Mỹ Đình, lợi thế của thầy trò HLV Park Hang Seo có thể trở thành bất lợi.
Khu liên hợp thể thao quốc gia là đơn vị sự nghiệp tự chủ tài chính 100%. Thế nhưng do quản lý lỏng lẻo từ Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Tổng cục Thể dục thể thao đã để lãnh đạo khu liên hợp giai đoạn từ 2009 - 2018 mắc nhiều sai phạm.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, tổng số tiền nợ thuế của khu liên hợp đến thời điểm này đã lên tới 855 tỉ đồng. Sai phạm kéo dài, nợ không có khả năng chi trả đã khiến khu liên hợp nhiều lần bị Cục Thuế Hà Nội cưỡng chế hóa đơn, phong tỏa tài khoản.
Là đơn vị tự chủ tài chính nhưng cơ chế cho khu liên hợp tự chủ có nhiều bất cập. Điều đó dẫn đến việc khu liên hợp không có nguồn thu, lương trả cho nhân viên không đủ khiến nhiều người phải nghỉ việc.
Trả tiền điện, nước, vệ sinh... cũng là áp lực đối với khu liên hợp lúc này. Việc sửa chữa, bảo dưỡng cơ sở vật chất tại đây vì vậy hoàn toàn phụ thuộc vào ngân sách nhà nước.
Với những khó khăn hiện nay, câu hỏi về việc khi nào khu liên hợp thể thao quốc gia, trong đó có sân Mỹ Đình, thôi trở thành nỗi ám ảnh của thể thao Việt Nam không biết đến bao giờ sẽ có lời giải?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận