22/02/2020 06:41 GMT+7

Nỗ lực dập dịch COVID-19: Việt Nam dùng nhiều biện pháp chưa có tiền lệ

LAN ANH
LAN ANH

TTO - Dự kiến trong tuần tới, nam bệnh nhân 50 tuổi - người bị lây nhiễm trong chùm 6 người nhiễm bệnh từ nguồn lây là bệnh nhân N.T.D. - sẽ được ra viện, đây là bệnh nhân COVID-19 cuối cùng của Việt Nam.

Nỗ lực dập dịch COVID-19: Việt Nam dùng nhiều biện pháp chưa có tiền lệ - Ảnh 1.

Khu vực cách ly tại trung đoàn 59, sư đoàn 301 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Trong khi nhiều quốc gia đang gặp khó khăn trong chống dịch, gần nhất là Hàn Quốc, số người nhiễm đã tăng lên nhanh trong 3 ngày vừa qua, một số quốc gia ngoài Trung Quốc có người tử vong thì Việt Nam đã 8 ngày không ghi nhận ca nhiễm mới, điều trị khỏi bệnh cho 15/16 bệnh nhân, bệnh nhân còn lại tiến triển tốt.

Tại cuộc họp trực tuyến do Ban Tuyên giáo trung ương tổ chức ngày 21-2, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp "chưa có tiền lệ" để chống dịch, kết quả nhận được hiện rất khả quan.

Nhiều biện pháp chưa có tiền lệ

Ông Long cho biết so với hồi chống dịch SARS năm 2003, các biện pháp chống dịch COVID-19 đã mạnh hơn rất nhiều. 

"Ở dịch SARS 2003 chúng ta chỉ cách ly người bay chung 1 chuyến bay và dỡ bỏ lệnh cách ly sớm, còn lần này quân đội đã vào cuộc ngay từ đầu. Cách ly đủ 14 ngày với những người nghi nhiễm, người đến hoặc đi qua vùng dịch. 

Chúng ta cũng áp dụng những biện pháp rất mạnh như người từ Hồ Bắc (Trung Quốc) đến Việt Nam là coi như người bệnh, cách ly như người bệnh ở mức độ cao nhất là cách ly tại cơ sở y tế" - ông Long cho biết.

Ông Long cũng chia sẻ những biện pháp sử dụng tại Việt Nam sau này cũng đã được áp dụng tại một số nước, như Mỹ chỉ cho máy bay liên quan vùng dịch hạ cánh ở 3 sân bay thì Việt Nam cũng đã có quy định chỉ cho hạ cánh xuống Vân Đồn (Quảng Ninh), Việt Nam cũng quyết định dừng tổ chức các lễ hội, thu nhỏ quy mô lễ hội... đã khai mạc từ rất sớm.

"Kiến thức khoa học kỹ thuật thời điểm 2003 chưa bằng hiện nay, mất 4 tháng mới giải mã được bộ gen của virus SARS, nay chỉ 14 ngày có bộ gen. Hiện có 3.000 chiến sĩ biên phòng đang chốt ở tất cả các đường mòn lối mở, mỗi hai giờ có báo cáo về Ban chỉ đạo chống dịch. Các biện pháp quan trọng nhất là phát hiện sớm, khoanh vùng, cách ly và điều trị, quan trọng nhất là cách ly, chúng ta đã làm rất nghiêm yêu cầu cách ly với 4 vòng" - ông Long cho biết.

Nhiều cơ sở có thể xét nghiệm

Thay vì phải chờ đợi và "tắc nghẽn" xét nghiệm vì số mẫu chờ đợi quá nhiều (thời gian xét nghiệm mỗi mẫu từ 5,5 - 9 giờ), ông Đặng Đức Anh - viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, nơi phân lập được virus corona chủng mới - cho biết hiện viện đã gửi "chứng dương", mẫu virus chuẩn để so sánh khi xét nghiệm, cho nhiều cơ sở xét nghiệm ở Hà Nội, Quảng Ninh, Viện Pasteur TP.HCM, Viện Pasteur Nha Trang...

Ông cũng cho biết đến nay Hà Nội, Quảng Ninh đã triển khai được xét nghiệm xác định bệnh, nhiều tỉnh thành khác cũng có thể làm xét nghiệm này và chỉ gửi mẫu khẳng định tại Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương nếu mẫu đó là dương tính. 

"Về quy trình, thời gian xét nghiệm thì không thay đổi, nhưng Việt Nam phân lập được virus, có "chứng dương" gửi các cơ sở xét nghiệm, chủ động được nếu số mẫu nghi nhiễm tăng cao" - ông Đức Anh chia sẻ.

COVID-19 có thể lây truyền qua niêm mạc mắt?

Theo ông Nguyễn Thanh Long, có 3 đường lây truyền COVID-19 chính, bao gồm qua không khí (thông qua các giọt nước bọt li ti lơ lửng trong không khí khi người bệnh ho, hắt hơi), qua giọt nước bọt của người bệnh (lây qua tiếp xúc với người bệnh) và qua bề mặt có nhiễm virus.

Tuy nhiên có một trường hợp đặc biệt: cháu bé N.G.L., 3 tháng tuổi, bệnh nhi nhỏ tuổi nhất ở Việt Nam và đã ra viện ngày 20-2, mẹ cháu chăm sóc, gần gũi trẻ trong suốt những ngày vừa qua mà mẹ cháu không lây bệnh, xét nghiệm 3 lần cho kết quả âm tính.

Ông Nguyễn Văn Lâm - giám đốc Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi trung ương - cho biết trước khi bệnh nhi nhập viện, ông đã nghiên cứu rất kỹ đường lây truyền của bệnh, và đã đảm bảo phòng hộ tránh giọt bắn (nước bọt) của bệnh nhi sang niêm mạc miệng, niêm mạc mắt của mẹ, kết hợp rửa tay thường xuyên, lau sát trùng các bề mặt.

Bác sĩ Nguyễn Đức Huy - khoa mắt Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM - cho biết không chỉ virus corona mà hầu hết virus đều có thể lây nhiễm qua đường tiếp xúc với kết mạc khi dịch tiết có chứa virus dính lên kết mạc. Khi virus đã xâm nhập được vào cơ thể thông qua bất cứ đường lây nhiễm nào thì tùy vào đặc tính của từng loại virus đó mà có thể gây tổn thương lên các cơ quan khác nhau, từ đó bệnh nhân sẽ có những triệu chứng ở các cơ quan tương ứng.

Hiện virus corona gây bệnh viêm đường hô hấp cấp. Viêm kết mạc chỉ là một trong số các triệu chứng của người bệnh, tuy nhiên không nhất thiết bệnh nhân nào cũng có biểu hiện này.

Để phòng tránh bệnh, bác sĩ Huy khuyến cáo người dân cần thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế như mang khẩu trang, hạn chế nơi đông người, rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, dinh dưỡng hợp lý để tăng sức đề kháng...

Bệnh nhân cuối cùng xuất viện, TP.HCM không còn người nhiễm COVID-19 Bệnh nhân cuối cùng xuất viện, TP.HCM không còn người nhiễm COVID-19

TTO - Sau 21 ngày điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, ông Tạ Hoa Kiên (73 tuổi, quốc tịch Mỹ) đã khỏi bệnh, ăn uống, đi lại bình thường và được xuất viện vào chiều 21-2.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên