08/09/2013 09:25 GMT+7

Những ông Tây "siêu quậy"

QUỲNH TRUNG
QUỲNH TRUNG

TT - Trong hơn một năm đảm nhiệm vị trí trưởng Công an P.Phạm Ngũ Lão, trung tá Huỳnh Trọng Nghĩa chứng kiến không ít câu chuyện dở khóc dở cười liên quan đến các vị khách Tây ở “ngã tư quốc tế của Sài thành”.

zp9udCrn.jpgPhóng to
Anh Michael Arvin (người Mỹ) và bạn gái người Việt, nạn nhân của một vụ cướp giật, đến Công an P.Phạm Ngũ Lão trình báo ngày 7-9 - Ảnh: Quỳnh Trung

Ông nhớ lại: “Vào những ngày đầu công tác tại đây, tôi không ngờ phải đối mặt với những tình huống vô cùng khó xử như chuyện một chủ nhà hàng vác đơn đi kiện một ông Tây ăn quỵt. Nhưng oái oăm ở chỗ ông Tây này không trình hộ chiếu và cũng không chịu mở lời. Vậy tôi phải xử như thế nào đây?”.

Khỏa thân, quỵt tiền và... choảng nhau

Theo trung tá Nghĩa, mỗi ngày các khách sạn trong khu vực báo cáo về phường trung bình 400-500 du khách đến lưu trú, không tính những dịp như tết Tây, Noel. Ông bảo những du khách này đủ thành phần, đủ quốc tịch và do đó sinh ra đủ thứ chuyện bi hài. Vị trung tá 51 tuổi nói ông sẽ không bao giờ quên câu chuyện xử lý vụ một du khách người Phần Lan, khoảng 40 tuổi, ba lần “ăn quỵt” các nhà hàng trong khu phố.

Lần thứ nhất ông ấy đi ngoài công viên 23-9 mà không mảnh vải che thân. Lực lượng công an phường buộc phải đưa ông vào đồn xử lý vì hành vi này làm ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục của VN. Lúc đầu ông Tây la hét đủ thứ và tỏ thái độ bất hợp tác. Ông chỉ dịu lại đôi chút sau khi phiên dịch đến và đưa cho ông một bộ quần áo.

“Ông ấy bảo thích đi bộ trong trạng thái khỏa thân - trung Tá nghĩa kể lại mà không nhịn được cười - Sau khi xác minh, chúng tôi được biết một công ty du lịch bảo lãnh ông qua VN rồi bỏ mặc luôn. Sau đó ông Tây này đi đến một nhà hàng ăn uống thỏa thuê các món sơn hào hải vị như yến sào và tôm hùm, ăn xong lăn ra ngủ, ngủ xong đứng dậy đi về mà không trả tiền”.

Theo ông Nghĩa, những trường hợp như vậy công an chỉ có thể lập biên bản vi phạm hành chính rồi cho về. Nhưng hai tuần sau, ông Tây này tiếp tục đến một quán ăn ở Bùi Viện và bổn cũ soạn lại. Khi chủ quán đòi tiền, ông ấy khăng khăng nói không có tiền trả và cho rằng chủ quán đãi miễn phí. Chủ quán sau đó nhờ chính quyền giải quyết và công an phường tiếp tục lập biên bản xử lý hành chính lần hai.

Đến lần ăn quỵt cuối cùng thì công an phường không thể chịu đựng được nữa. Công ty du lịch bảo lãnh buộc phải tiếp nhận ông ấy trong thời gian công an làm công văn đề nghị trục xuất khỏi VN vì vi phạm nhiều lần luật pháp VN. Nói thêm về điều này, ông Nghĩa chia sẻ chân tình: “VN mình luôn xây dựng hình ảnh một đất nước mến khách, một điểm đến an toàn, nhưng cũng không thể vì một hai cá nhân làm hoen ố hình ảnh tốt đẹp đó, do đó chúng tôi buộc lòng phải sử dụng biện pháp mạnh như thế”.

Trung tá Nghĩa kể tiếp mới cách đây vài tuần, có hai thanh niên người Nigeria cãi nhau kịch liệt từ sáng đến chiều vì chuyện tiền bạc rồi đưa nhau đến Công an P.Phạm Ngũ Lão để giải quyết. “Nhưng sau khi chúng tôi giảng hòa xong, hai người không biết vì lý do gì mà tiếp tục cãi nhau và thậm chí đánh nhau trước trụ sở công an phường” - ông Nghĩa lắc đầu ngao ngán. Ông Nghĩa cho biết công an khu vực cũng thường xuyên đau đầu với những ông Tây say xỉn. “Nhiều ông Tây nhậu nhẹt buổi khuya trở về, do quá say, họ té ngay trên đường phố, vỉa hè, trên lề công viên, trước cửa nhà dân và ngủ luôn tại đó hoặc bị kẻ gian móc túi và lấy mất đồ đạc... Những trường hợp như thế chúng tôi cũng phải tiếp nhận, đưa xe đến chở đi bệnh viện, xem xét tình trạng họ như thế nào, rồi chúng tôi phải chi trả cho cả chi phí bệnh viện, thuốc men...” - ông tiếp tục thở dài.

90KDK2nu.jpgPhóng to
Những phút thư giãn về đêm ở phố Tây - Ảnh: Y.Trinh
zny9OtIx.jpgPhóng to
Các tình nguyện viên tại khu phố Tây hỗ trợ thông tin cho du khách - Ảnh: Minh Đức

Tình người trong hoạn nạn

Đối với các du khách không may gặp nạn ở một đất nước xa lạ, bất kỳ sự giúp đỡ nào từ cư dân hay chính quyền địa phương đều vô cùng quý giá. Đó cũng là chuyện mà một phụ nữ bán nước mía ở góc ngã tư Đề Thám - Bùi Viện kể cho tôi nghe: một thanh niên nghèo giúp việc nhà cho một nhà dân gần đó đãi một cô gái nước ngoài ăn trưa rồi còn đưa cô gái này 100.000 đồng làm lộ phí về nhà, sau khi chứng kiến cô bị kẻ gian cướp mất túi xách cách đây vài ngày. “Sáng nay cậu ấy qua tươi cười kể cho tôi rằng cô gái cùng chồng vừa đến gửi lời cảm ơn cậu ấy và hậu tạ 200.000 đồng” - cô bán hàng cười nói.

Còn trung tá Nghĩa cảm thấy vô cùng xúc động khi chứng kiến một nữ du khách trẻ người Anh mừng phát khóc lúc nhận lại được tài sản gồm 240 EUR, máy ảnh và hộ chiếu. Ông cho biết nữ du khách bị giật túi xách vào trưa 4-9 và may mắn nhận lại tài sản vì người dân phát hiện kịp thời và phối hợp với công an khu vực truy bắt hai đối tượng. Nói xong, ông chỉ cho tôi xem nghi phạm chính bị giam sau song sắt qua màn hình camera đặt trong phòng trực.

Trung tá Nghĩa nói cách đây chừng một tháng, người dân và chính quyền địa phương phát hiện kịp thời và cùng đưa một ông Tây trong trạng thái say rượu nồng nặc nằm vật vờ ở công viên với hành lý lỉnh kỉnh và nhiều tài sản giá trị đi bệnh viện, sau đó thông báo cho lãnh sự quán. Tuy vậy, cư dân địa phương tâm sự rằng khi thấy du khách nước ngoài đứng mếu máo khóc vì bị cướp giật hay móc túi, họ thấy rất tội nghiệp nhưng không dám truy đuổi kẻ gian vì sợ bị trả thù. Họ chỉ có thể giúp đỡ bằng cách báo cáo sự việc hoặc trực tiếp đưa các nạn nhân đến công an khu vực. Một số người dân biết ngoại ngữ thì tình nguyện làm phiên dịch cho các nạn nhân.

“Tối 4-9 tôi tận mắt chứng kiến một du khách nam Hàn Quốc bị một cô gái trẻ vờ ôm rồi móc túi sau đó chuyền cho đồng bọn. Họ chuyền tay nhau cái bóp tiền trước đôi mắt ngơ ngác của nạn nhân rồi nhanh chóng biến mất trên xe máy” - một bạn trẻ làm việc ở khu phố Tây kể.

Ông Jon Hyman, du khách đến từ Úc, bảo trong hơn chín tháng lưu trú ở khu phố Tây, ông bị cướp ba lần và liệt kê tài sản mất gồm hai hộ chiếu, bốn thẻ tín dụng và một số giấy tờ cá nhân. Nhưng ông nói nạn trộm cướp ở đâu cũng có nên lần sau sẽ cẩn trọng hơn. Cùng quan điểm, nữ du khách người Mỹ Vanessa Butler nói: “Tôi đã đi du lịch nhiều nơi và từng là nạn nhân của nạn trộm cắp, cướp giật. Tất nhiên bị như thế không vui chút nào nhưng điều đó giúp bạn cẩn trọng hơn. Kẻ cướp có mặt ở mọi nơi và thậm chí trên những con đường mà bạn cảm thấy an toàn nhất”.

Đội sinh viên hướng dẫn khách du lịch tại phố Tây

Nhận thấy tầm quan trọng trong việc tạo dựng hình ảnh thân thiện với khách du lịch tại Q.1, đặc biệt là khu phố Tây, vừa qua UBND Q.1 (TP.HCM) đã tổ chức lễ ra mắt đội thanh niên tình nguyện hỗ trợ khách du lịch (Volunteer tourist guide team). Đội gồm 78 bạn trẻ giỏi ngoại ngữ, làm nhiệm vụ giới thiệu các điểm du lịch, hỗ trợ dịch vụ lưu trú cho khách nước ngoài, dẫn khách đến địa chỉ cụ thể trên địa bàn TP, phối hợp công an phường phát hiện các hành vi gây mất an toàn cho du khách...

Q.1 triển khai thí điểm đội tình nguyện từ ngày 8-6 đến 29-12, tại ba chốt: ngã ba Phạm Ngũ Lão - Đề Thám, ngã tư Đề Thám - Bùi Viện, trước số 262 Đề Thám (P.Phạm Ngũ Lão); mỗi chốt có 2-4 thanh niên trực từ 8g-11g và 14g-17g các ngày trong tuần.

Kỳ tới: Ba chị em nhà “Phạm Thị Family”

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Những ngõ hẻm đầy Tây Kỳ 2: Tây balô, 12 đô một ngày Kỳ 3: Nhộn nhịp ẩm thực đường phố Kỳ 4: Cơ hội và cạnh tranh Kỳ 5: Ông Tây bán xúc xích trên vỉa hè

QUỲNH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên