19/02/2020 05:08 GMT+7

Những ông Tây làm 'chuyện lạ' ở Việt Nam - Kỳ 8: Đến Hội An làm nail, xây trường cho trẻ nghèo

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - Ở đầu đường Nguyễn Duy Hiệu (phố cổ Hội An) có một ngôi nhà nhỏ với tấm biển hiệu xinh xắn bên ngoài: nail studio. Ở đó có một cặp vợ chồng người Úc đã dành hết thời gian làm việc để kiếm tiền giúp trẻ nghèo.

Những ông Tây làm chuyện lạ ở Việt Nam - Kỳ 8: Đến Hội An làm nail, xây trường cho trẻ nghèo - Ảnh 1.

Bà Thu Lan cùng chồng hằng ngày vẫn làm nail, thiết kế website kiếm tiền trợ giúp trẻ nghèo tại Hội An - Ảnh: B.D.

"Cô Tiên, ông Bụt của lũ trẻ nghèo"

"Chúng tôi muốn dành những ngày ít ỏi còn lại trên trần gian để kiếm nhiều tiền, gọi thật nhiều bạn bè tới trại trẻ mồ côi giúp trẻ bất hạnh. Chúng tôi muốn mở trường học cho chúng, dạy chúng làm các công việc yêu thích để có thể tự đứng vững khi ra nghề" - Roy Erle Hornsby (70 tuổi) - quốc tịch Úc cùng vợ là bà Phan Thị Thu Lan ở tiệm nail nằm sâu trong con hẻm nhỏ phố cổ Hội An kể về tâm nguyện của mình.

Với nhiều người dân và lũ trẻ nghèo ở thôn Trung Châu, xã Cẩm Kim - một vùng gò nổi ven sông Thu Bồn của Hội An thì bà Thu Lan và ông chồng Roy Erle Hornsby là hai gương mặt thân thuộc. Từ một nơi xa lạ, không hề có mối quen biết nào từ trước, cặp vợ chồng ấy đã đến đây vào một buổi sáng, và từ đó họ mang theo một ngôi trường cổ tích để tặng lũ trẻ nghèo Trung Châu.

"Cô Lan và chồng có mặt ở trường thường xuyên. Vợ chồng tỉ mẩn nhổ từng ngọn cỏ, dọn từng đụn rác, chăm sóc từng gốc cây, trồng thêm những luống rau xanh để con chúng tôi có rau sạch để ăn. Bà con quý mến vô cùng" - một người quản lý ở điểm trường mầm non Trúc Xanh thôn Trung Châu nói khi tranh thủ tới dọn dẹp khuôn viên trường trong những ngày lũ trẻ được nghỉ học tránh dịch corona.

Cách điểm trường mầm non Trúc Xanh này khoảng 20 phút đi bộ, cặp vợ chồng người Úc vẫn miệt mài trong căn phòng nhỏ. Bà Lan dành hết thời gian từ sáng tới tối để tỉa móng tay chân cho khách. Còn ông Roy Erle Hornsby cặm cụi trước màn hình để lên bản thiết kế, hoàn thiện các website bàn giao cho khách.

"Chúng tôi sử dụng tiền tích cóp được khi còn đi làm tại TP.HCM để sống. Số tiền mỗi ngày đang kiếm được chúng tôi dành quỹ để giúp trẻ em nghèo, xây thêm những điểm trường mới" - bà Thu Lan nói.

Bà Thu Lan năm nay 49 tuổi, quê gốc Sài Gòn, chồng bà từng có thời gian tham chiến tại Việt Nam. Kết thúc chiến tranh, ông Roy qua TP.HCM làm lập trình viên trong một trường đại học lớn và quen bà Thu Lan. Họ kết hôn năm 2010 và có thời gian dài bà qua quê chồng ở Úc để sinh sống.

Bà cho biết trước khi quen nhau hai năm, chồng bà có một lần tới Hội An để nhận thiết kế website. Những hình ảnh thân thuộc, bình yên lưu đọng trong trí nhớ khiến mấy năm sau khi hai người về một nhà, bàn chuyện chọn một nơi để sống những năm tháng cuối đời thì chồng bà đã viết lên mẩu giấy rồi đưa cho vợ với hai chữ: Hội An.

Đầu 2014, Roy Erle Hornsby và vợ dành món tiền nhỏ xây căn nhà làm chỗ ra vào ở con hẻm nhỏ đầu đường Nguyễn Duy Hiệu (Hội An). Trong đám thợ xây, một phụ nữ nghèo tại thôn Trung Châu một hôm tìm đến nói với bà Thu Lan rằng có thể cô sẽ phải nghỉ việc bởi hai con nhỏ ở nhà không có người trông, trường trẻ lại quá xa.

Là người rất nhạy cảm chuyện giáo dục cho trẻ, lời than vãn của cô thợ hồ đó đã khiến vợ chồng bà Thu Lan tìm tới thôn Trung Châu. "Đó là năm 2015. Tôi không nghĩ ở Hội An lại có miền quê khó khăn như vậy. Người dân đa phần là lao động nghèo, sáng ra họ phải bồng bế con khốn khổ tìm người trông. Điểm giữ trẻ lại quá xa" - bà Thu Lan nhớ lại.

Những ông Tây làm chuyện lạ ở Việt Nam - Kỳ 8: Đến Hội An làm nail, xây trường cho trẻ nghèo - Ảnh 2.

Trường mầm non ở khu dân cư nghèo thôn Trung Châu nhờ sự giúp đỡ của vợ chồng ông Roy Erle Hornsby - Ảnh: B.D.

"Tôi muốn xây trường, được không?"

Những gì nhìn thấy ở thôn Trung Châu đã làm họ day dứt. Dù đang dang dở tiền bạc xây nhà cho chính mình, ngày hôm sau vợ chồng vẫn tìm tới gặp chủ tịch UBND xã Cẩm Kim lúc đó. Khi được biết chưa hề có hệ thống trường công lập khiến trẻ lứa tuổi 1-3 phải gửi lay lắt ở nhà dân, các điểm giữ trẻ nằm xa khu dân cư, bà Thu Lan đã đặt vấn đề với ông chủ tịch xã: "Tôi có một chút tiền nhỏ, tôi có thể xây trường được không?".

Lời đề nghị bất ngờ này cũng như hình ảnh nhân hậu của đôi vợ chồng khiến lãnh đạo xã Cẩm Kim xúc động. Họ cử người dẫn vợ chồng bà Lan tới điểm trường thôn Trung Châu.

"Đó là một điểm trường hoang với hai phòng học đã từ lâu không được sử dụng. Cỏ dại mọc trùm lên những đám bêtông, mái tôn gỉ sét, tường bóc vữa và xuống cấp rất nặng. Chúng tôi nghĩ đến cảnh phải dọn dẹp, chỉnh trang lại điểm trường đó mà thoáng rùng mình. Nhưng nghĩ tới lũ trẻ và các lao động nghèo phải vật vạ tìm nơi gửi con, chúng tôi quyết lên phương án biến nơi hoang đó thành điểm trường đẹp nhất có thể" - bà Thu Lan nhớ lại.

Bà Thu Lan cho biết lúc đó vợ chồng cố gắng lắm mới cân đối được khoản dư 200 triệu đồng. Từng đó tiền làm sao có thể sửa sang, xây thêm những hạng mục mới cho trường? Bà cùng chồng lên mạng tìm người trợ giúp, lục danh sách tất cả bạn bè.

Một cuộc vận động trợ giúp được tiến hành. Thật may, tấm lòng ông bà đã chạm đến trái tim nhiều người. Bạn bè tìm cách gửi tiền, một tốp sinh viên với 30 bạn từ Đà Nẵng còn vào tận điểm trường và ở lại đó giúp ông bà dọn dẹp. Đội thợ hồ hì hục cạo vôi, thay lại trần nhà, lót thêm gạch men ở các lối đi, xây mới thêm dãy phòng ăn, khu nhà vệ sinh...

Ròng rã gần một năm trời, từ khu nhà cũ bị bỏ hoang tới cuối năm 2016 tất cả đã lột xác. Ngôi trường nho nhỏ, xinh xinh với đủ các hình vẽ và hoa trồng khắp lối đi mọc lên trong niềm vui của người dân. Họ tới xem, đưa con em tới để quen dần với nơi chúng sẽ được học với tấm lòng đặc biệt của vợ chồng người Úc.

Điểm trường trông trẻ khang trang mọc lên đã là một câu chuyện đầy xúc động, nhưng có một hình ảnh khác khiến người dân Cẩm Kim rơi nước mắt. Đó là họ thấy dường như mỗi ngày, bà Thu Lan cùng người chồng lớn tuổi lọ mọ ở các khu đất cạnh trường để làm đồ chơi, trồng những luống rau sạch cho trẻ gửi ở trường được ăn sạch. "Chúng tôi muốn làm tất cả những gì cho chúng. Thấy cô trò vui, bố mẹ các cháu gửi ở điểm trường yên tâm đi làm thì lòng háo hức lắm" - bà Thu Lan tâm sự.

Ngay từ đầu không định sang Việt Nam để ở lại, nhưng rồi Ben Mawdsley dường như đã quên mất thời gian khi ở trong những con hẻm Sài Gòn.

Giấc mơ ngôi trường cho trẻ mồ côi

Bà Thu Lan cho biết năm nay chồng bà đã qua tuổi 70 nhưng mỗi ngày vẫn lấy lao động làm niềm vui và cũng là để chuẩn bị cho dự định lớn hơn ở cuối đời: mở trung tâm dạy nghề cho trẻ mồ côi.

"Chúng tôi muốn giúp những phận đời không may ở Hội An. Đó có thể là một ngôi trường dạy trẻ tự kỷ miễn phí hoặc một cơ sở dạy nghề cho trẻ mồ côi. Trước mắt, tôi rất muốn nhận những thanh thiếu niên có chí hướng, mồ côi cha mẹ tới tiệm nail tại nhà tôi để học nghề miễn phí" - bà Thu Lan trải lòng.

Những ông Tây làm Những ông Tây làm 'chuyện lạ' ở Việt Nam - Kỳ 1: Bà hàng phở, ông cà phê và 5 chú mắt xanh

TTO - Kể chuyện hẻm Sài Gòn, suốt ngày lẽo đẽo chụp các cô mặc áo dài, bỏ nhiều năm để nghiên cứu món ăn Việt, đi mời mọc đám nhóc học bơi... Đó là những 'chuyện lạ' mà không lạ của nhiều người nước ngoài đang làm ở Việt Nam.

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên