13/04/2025 10:42 GMT+7

Những địa danh thân thương Sài Gòn - TP.HCM - Kỳ cuối: Tên gọi nhân dụng và nhân kiệt của Sài Gòn

Đi cùng các tên gọi theo thiên nhiên, tiền nhân Sài Gòn "lập địa chỉ" các khu đất, xóm nhà hay phố thị theo tên các sự vật do con người làm nên.

địa danh - Ảnh 1.

Tranh vẽ của báo Pháp về chợ họp ngoài trời ven vàm Bến Nghé, phía xa là tàu thuyền ra vào cảng năm 1864 - Ảnh: Thư viện Quốc gia Pháp

Ngoài ra vẫn có không ít tên gọi lưu danh các nhân vật đặc biệt của địa phương. Điều ấy thể hiện cách sống "thuận thiên" và nhân văn, tương tự nhiều miền đất khác.

Bức tranh tạo tác của tiền nhân

Không có sông biển sẽ không có Sài Gòn đô hội như bao đời nay. Dấu tích những công trình nhân dụng lập ra bên các đường nước đa dạng thể hiện qua địa danh các bến thuyền, cầu cống, chợ búa, xóm làng, kể cả đồn lũy trấn giữ.

Trước nhất là các địa danh Bến, dẫn đầu là Bến Nghé và Bến Thành - hai địa danh gắn với những bước chân Việt thuở đầu khai phá và xây dựng TP. Kế tiếp, theo tiến sĩ Lê Trung Hoa, nhiều tên Bến rất bình dân, phản ánh nghề nghiệp đời thường. 

Chẳng hạn Bến Phân (Gò Vấp, nơi bán phân tằm bón cho cây trầu và thuốc lá), Bến Dược (Củ Chi, có thể là bến chở thuốc) hay Bến Ngũ Cốc (quận 8), hay ấp Bến Đò (Thủ Đức và Củ Chi). Lý thú nữa, có bến phà Cát Lái (Thủ Đức) là biến âm từ Các Lái - bến của các lái buôn. 

Hay rạch Bến Bối (Bình Thạnh, Bối là ăn trộm trên sông). Mặt khác, Sài Gòn từng có những bến "vương giả". Sử gia Lê Quang Định cho biết Bến Ngự là bến dành riêng cho vua thời nhà Nguyễn (hiện nay là khu vực Bến Bạch Đằng). 

Trong khi ấy ở xã Trung Lập Hạ, Củ Chi lại có Bến Vua là nơi Nguyễn Ánh từng ẩn nấp, tránh Tây Sơn truy đuổi.

Nối tiếp Bến là các Cầu bắc qua sông rạch. Tiêu biểu ở quận 1 có Cầu Kho (bên cạnh kho trữ gạo từ thuế hiện vật) cùng Cầu Muối và Cầu Ông Lãnh, là vùng buôn bán ven rạch Bến Nghé tấp nập từ xưa. 

Gần đấy, trên đất quận 4 có Cầu Chông, tương truyền là nơi quân Nguyễn Ánh cắm chông ngăn bước tiến quân địch. Trở lại quận 1, theo Petrus Ký từng có xóm Cầu Quan, ở quanh đình Thái Hưng (tục gọi là đình Cầu Quan). 

Với Chợ Lớn, bài phú Cổ Gia Định phong cảnh vịnh do ông sưu tầm, ghi rằng có xóm Cầu Đường, nơi bán đủ loại đường (nay là khu Hải Thượng Lãn Ông). 

Mặt khác vùng Chợ Lớn từng có Cầu Khâm Sai, Cầu Cây Gõ và Cầu Phố (băng qua rạch, khoảng giao lộ Nguyễn Trãi - Châu Văn Liêm). 

Còn tại ranh giới quận 1 và Phú Nhuận có Cầu Kiệu, nằm bên xóm trồng kiệu và tại ranh giới quận 1 và Bình Thạnh có Cầu Bông, tên khác là Cầu Cao Miên do một vị vua Chân Lạp cho xây. Xa hơn, ở Củ Chi vẫn giữ địa danh rạch Cầu Nhà Việc - cái tên nôm na để chỉ rạch và cầu gần trụ sở hành chính địa phương.

Phong phú nhất là địa danh Chợ, bởi Sài Gòn vừa là cảng thị vừa là phố thị đông vui. Trong số này hai địa danh Chợ Bến Thành và Chợ Lớn có từ thời nhà Nguyễn, còn hàm nghĩa khu Phố Chợ rộng lớn, chứ không chỉ là ngôi chợ cụ thể. Riêng Chợ Bến Thành xưa có thêm tên Chợ Vải, nằm dọc dòng kinh mang cùng tên (đại lộ Nguyễn Huệ), trước khi dời ra địa điểm hiện tại từ năm 1914. 

Đáng tiếc một số địa danh chợ cổ chỉ còn trong sách sử như Chợ Điều Khiển, Chợ Cây da Thằng Mọi (quanh Chợ Thái Bình), Chợ Đũi (quanh khách sạn New World) hay chợ Da Còm (Bảo tàng TP). 

Hoặc Chợ Cây Vông (gần Cầu Bông) cùng Chợ Sa Ngư và Chợ Sỏi (vàm Bến Nghé). Petrus Ký ghi chép dọc rạch Bến Nghé vào đến Chợ Lớn có các địa danh Chợ Kho (Cầu Kho), Chợ Quán, Chợ Hôm (chỉ họp buổi sáng), Chợ Rẫy, Chợ Lò Rèn và Chợ Kinh.

Đi cùng với Chợ là các Xóm. Vào đầu thế kỷ 19, Sài Gòn có khoảng 40 xóm làng làm nông hay làm nghề thủ công và buôn bán. 

Có nhiều địa danh Xóm nghề đã mất tích như Xóm Lụa, Xóm Lá Buôn, Xóm Buồm Đệm, Xóm Bột, Xóm Câu, hay Xóm Dầu, Xóm Than, Xóm Te, Xóm Rớ. Ngày nay may mắn còn thấy một số địa danh như Xóm Lò Gốm, Xóm Củi, Xóm Chỉ và Xóm Chiếu. 

Bài phú Cổ Gia Định ghi "xóm Huê Nương đua nở, dầy dầy coi khách bẻ nhụy người", tức "xóm Đèn Đỏ", chưa rõ ở đâu, có từ thời nào? Riêng bán đảo Thủ Thiêm từng có Xóm Tàu Ô (ghe thuyền trét sơn đen), Petrus Ký cho biết đây là khu vực trú đóng của binh lính người Hoa, được nhà Nguyễn sử dụng làm quân binh tuần tra cửa biển và thủy lộ vào Sài Gòn.

địa danh - Ảnh 2.

Bưu ảnh Cầu Ông Lãnh thập niên 1950 - Ảnh: sưu tập Nguyễn Đại Hùng Lộc

Lưu dấu nhân vật tứ xứ

Tổng trấn Lê Văn Duyệt (người gốc Quảng Ngãi, lớn lên ở Tiền Giang) là một nhân vật lớn của Sài Gòn được thờ phụng nhiều đời nay. Kỵ húy tên Ngài nên dân chúng chỉ gọi tôn kính là Ông Thượng. 

Vườn Tao Đàn, thời xưa dân gọi là Vườn Ông Thượng vì là nơi quan tổng trấn trồng hoa kiểng, dựng rạp hát bội và làm sân đá gà. 

Nhà văn Hồ Biểu Chánh cho biết thời Pháp con đường từ Cầu Bông dẫn đến Lăng Ông có tên dân dã là Đất Mộ, gần đây được đặt trở lại tên đường Lê Văn Duyệt (Bình Thạnh). 

Ngay sát Lăng Ông là khu chợ Bà Chiểu, có nhiều cách giải thích khác nhau nhưng chắc chắc là tên phụ nữ. 

Gần đó, tên rạch và cầu Thị Nghè, là tên một tiểu thư con quan khâm sai - người có công xây cầu phục vụ cho chồng và người dân đi lại. Với rạch Nhiêu Lộc, bắt nguồn từ chữ Nhiêu Học - người thư sinh được phép học thi tú tài, khỏi bị sưu thuế, có tên là Lộc (theo Lê Trung Hoa).

Tên người gắn với danh phận còn phải kể đến Thủ Ngữ, Thủ Thiêm, trong đó chữ Thủ nghĩa là người đứng đầu, cũng đồng nghĩa với đồn canh. 

Hay như Lũy Ông Dầm (Tân Bình) lấy tên theo một tùy tướng của Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh (thế kỷ 17). Hoặc Cầu Ông Lãnh - xuất xứ từ Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng, quê ở Bến Tre - chỉ huy quân đội một tỉnh, hy sinh trong chống Pháp xâm lược Nam Kỳ (1866). 

Tại Bình Thạnh, địa danh Đồng Ông Cộ phản ánh câu chuyện một phú ông thuê nhân công mang vác người và hàng trên vạt tre để vượt cánh đồng hoang lầy lội.

Ngoài ra, ở Sài Gòn trước tháng 4-1975 có khu Lăng Cha Cả (giao lộ Cộng Hòa - Hoàng Văn Thụ - Lê Văn Sỹ, bên cạnh sân bay Tân Sơn Nhứt). Địa danh này liên quan giám mục Pháp Bá Đa Lộc - người phò trợ Nguyễn Ánh nên khi mất được tôn vinh, xây mộ lớn. 

Về tín ngưỡng, trong Chợ Lớn có các hội quán của người Hoa, dân ta quen gọi là chùa như chùa Ông Bổn (Phúc Kiến), chùa Bà (Quảng Đông) hay đền Minh Hương (người Hoa nhập vào đất Việt từ thế kỷ 17).

địa danh - Ảnh 3.

Bưu ảnh rạch Cầu Kho thập niên 1920 - Ảnh: sưu tập Nguyễn Đại Hùng Lộc

Quả thật, khi tìm hiểu các địa danh xưa trên địa bàn TP.HCM, chúng ta hẳn thấy đó là cả một kho tàng lớn lao và vô giá, từ tên gọi lưu dấu thiên nhiên đến nhân dụng và nhân vật.

Nay mai nếu TP.HCM được mở rộng hơn nữa sang các tỉnh thành lân cận thì chắc chắn "kho báu" tên gọi của tiền nhân càng giàu có gấp bội.

Gạn lọc khơi trong và uống nước nhớ nguồn, chúng ta hoàn toàn không thiếu "nguồn vốn" địa danh thích hợp để sử dụng cho tên đường, tên xã, ngay cả tỉnh thành và những không gian mới.

Đồng thời đấy cũng là "nguồn nguyên liệu" để làm thương hiệu cho các loại nông lâm sản, hàng thủ công và công nghiệp cùng dịch vụ du lịch mang tính độc đáo của địa phương.

Xin đừng lãng quên và lãng phí tên gọi Sài Gòn và hằng hà địa danh xưa hữu ích của tiền nhân trên tất cả vùng miền của Tổ quốc.

Những địa danh thân thương Sài Gòn - TP.HCM - Kỳ cuối: Tên gọi nhân dụng và nhân kiệt của Sài Gòn - Ảnh 4.Những địa danh thân thương Sài Gòn - TP.HCM - Kỳ 8: Tên cỏ cây hoa lá Sài Gòn xưa vẫn mãi còn

Tên Sài Gòn không mất dù ngày nay trên đất TP.HCM rất hiếm thấy cây Gòn. Ở xóm Bàn Cờ của tôi gần Trường tiểu học Phan Đình Phùng, những năm 1960 vẫn còn một cây Gòn khá cao nhưng sau này cây đã 'lên trời'.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên