12/12/2022 11:52 GMT+7

Những cống hiến lặng thầm của doanh nhân công nghiệp hỗ trợ

NHIÊN ANH
NHIÊN ANH

TTO - Lịch sử ngành công nghiệp hỗ trợ có hàng trăm câu chuyện về những tấm gương lặng thầm của các doanh nhân đóng góp cho ngành công nghiệp, cho xã hội, đưa Việt Nam hội nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu nhưng ít ai biết đến.

Những cống hiến lặng thầm của doanh nhân công nghiệp hỗ trợ - Ảnh 1.

Công nhân trong nhà máy Công ty Lập Phúc - Ảnh: HỮU HẠNH

Đóng cửa vẫn giữ máy móc sạch sẽ

Khủng hoảng kinh tế năm 2007-2008, hàng loạt công ty đa quốc gia có nhà cung cấp linh kiện ở Việt Nam cắt giảm đơn hàng đến 70 - 80% chỉ sau một tháng. Hầu hết các công ty chế tạo phụ trợ đều ở trong tình trạng tê liệt, cho công nhân nghỉ việc hàng loạt.

Những cống hiến lặng thầm của doanh nhân công nghiệp hỗ trợ - Ảnh 2.

Ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam vẫn cần nhiều hơn các doanh nhân và doanh nghiệp tham gia - Ảnh: HỮU HẠNH

C.T., một công ty ép nhựa vừa mới mở rộng nhà xưởng ở ven quận 9 cũ, không tránh khỏi tình trạng này khi Tier 1 (nhà cung cấp cấp 1) của Canon, khách hàng lớn nhất của họ - rút đến 90% số khuôn về. Trong danh sách nhân viên được giữ lại, có bác lao công chỉ làm một việc duy nhất là lau máy. “Máy càng không chạy, càng phải được giữ sạch sẽ”, lệnh của ông chủ nhà máy.

Khi các đối tác tiềm năng trong thời gian khủng hoảng, rảnh rỗi đến tham quan, chỉ thấy nhà máy vắng lặng với một vài công nhân dọn dẹp kho bãi. Nhưng tất cả các máy ép, dù không máy nào chạy, đều sạch bong, bên cạnh là một bóng công nhân cần mẫn lau, tuần tự từ đầu đến cuối xưởng.

Nửa năm sau, khi tình hình khủng hoảng vượt qua đáy, những khách hàng đó quay trở lại đầu tiên xem xét phê duyệt CT trở thành nhà cung cấp chính thức. 5S - làm mọi thứ xung quanh luôn sạch sẽ, ngăn nắp, luôn ở trong trạng thái sẵn sàng để sử dụng, thứ mà người Nhật là bậc thầy, là cách mà CT áp dụng từ khi khởi nghiệp để thuyết phục khách hàng.

Sau 12 năm kể từ thời điểm khủng hoảng, số lượng nhà máy của họ lên đến 2 con số với đầy đủ các xưởng ép, khuôn, dập, lắp ráp cung cấp cho những cái tên quen thuộc: Schneider, Nidec Việt Nam… lẫn cả một trung tâm ứng dụng triển khai ERP.

Mời khách đến tận xưởng tham quan

Một cách khác để giữ khách hàng tiềm năng quay lại lần thứ 2 - là cách mà SKR - một công ty sinh sau đẻ muộn cũng trong ngành ép nhựa - thực hiện, đấy là dẫn khách hàng đến xưởng làm khuôn, chỉ cho khách hàng giàn máy làm khuôn, phòng đo, và lời khẳng định: T2 (mẫu của lần chỉnh khuôn thứ 2) cam kết là sẽ được phê duyệt và giá khuôn sẽ rẻ hơn bất cứ công ty nào ít nhất 30%.

Sau 6 năm khởi nghiệp từ một xưởng ép nằm tít trong con hẻm ở Thủ Đức, SKR trở thành đối tác ép nhựa lớn nhất cho Jabil Việt Nam, nhà lắp ráp đầu cuối lớn nhất thế giới. N.T.D - chủ của nhà máy SKR, trước khi khởi nghiệp có hơn 10 năm chỉ đứng quanh cái máy ép nhựa để chỉnh chế độ ép và sửa máy…

Quay lại thêm 10 năm trước nữa, giữa những năm 1990 khi các khu công nghiệp đầu tiên ở miền Nam ra đời: KCX Tân Thuận, Biên Hòa II - Sóng Thần I - VSIP I với chủ yếu là các công ty Đài Loan, Nhật Bản. Lúc đấy thậm chí đến cái dây đai niềng thùng máy giặt, nhà máy Sanyo của Nhật ở Khu công nghiệp Biên Hòa II cũng phải nhập từ Công ty Trading ở Singapore vì dây ở Việt Nam không đủ đàn hồi và không thể hàn dính được.

Một cụm dây điện nối từ bo mạch đến các bộ phận truyền động cũng phải do một công ty có nguồn gốc từ Nhật cung cấp - là Công ty Mê Trần của kỹ sư Trần Ngọc Phúc, người Việt nổi tiếng nhất nhì ở Nhật Bản hiện tại.

4 - 5 năm sau, một nhóm kỹ sư trẻ người Việt từ Mê Trần tách ra khởi nghiệp làm dây điện và làm luôn cả bếp từ. Sau 2 năm thì thua lỗ vì dùng không đúng mặt đá, bếp sử dụng vài tháng là nứt mặt, anh em bán hết nhà cửa đất đai và công ty giải tán. Trong 5 người ban đầu, sau 5 năm chỉ còn một người trụ lại với ngành làm cụm dây điện bằng cách vay mượn cầm cố đất đai để tái khởi nghiệp.

Thêm 10 năm nữa, đến đợt dịch COVID-19, DAT - tên công ty chuyên làm cụm dây điện ở Đồng Nai, vẫn phải tuyển thêm nhân công thời vụ để chạy đủ đơn hàng cho Nidec Group của Nhật bản và Samsung ở Khu Công nghệ cao.

Công nghiệp hỗ trợ của những “ông chú”

Bán nhà mua máy CNC đầu tiên ở Việt Nam của chú Trí Lập Phúc, hay chú Hy - Duy Tân, người đi lên từ triết lý làm cái thùng rác cũng phải thật đẹp, để sau đó trở thành nhà chế tạo và xuất khẩu khuôn số lượng lớn cho các công ty châu Âu. Chú Đỗ Phước Tống, cơ khí Duy Khanh, người luôn đau đáu về một quy mô đủ lớn của ngành cơ khí Việt Nam.

Những cống hiến lặng thầm của doanh nhân công nghiệp hỗ trợ - Ảnh 3.

Công nhân tại Công ty cơ khí Duy Khanh - Ảnh: HỮU HẠNH

Đó là những “ông chú”, người tiên phong và thành công trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nhờ sự kiên trì, đam mê và coi công việc như là nghiệp hơn là kiếm tiền.

Còn những doanh nghiệp vừa và nhỏ khác trong ngành này, như SKR, như DAT... người nước ngoài biết đến họ có khi nhiều hơn người Việt Nam, dù mỗi doanh nghiệp như thế, có thể đem lại sinh kế và nuôi sống hàng trăm nhân công mà không quan tâm lắm đến thị trường nhà đất hay chứng khoán lên hay xuống.

Hầu hết thời gian, họ chỉ đi xuống xưởng, ngắm nghía máy móc hay soi mói một sản phẩm khó. Với những người đã lậm vào cái môi trường nhà xưởng, máy móc này, một nhà máy sạch đẹp ngăn nắp, vận hành chính xác luôn đẹp hơn bất cứ một shopping mall sang chảnh nào. Bởi họ biết, để duy trì được một nhà máy đúng chuẩn 5S, không chỉ cần một đội ngũ set up, décor không gian bán hàng là đủ, mà phải cần 4-5 năm đào tạo và duy trì kỷ luật và thói quen thành nếp của hàng trăm, hàng ngàn con người khác biệt về trình độ, tính cách…

Còn nhiều việc phải làm

Sau hơn 30 năm mở cửa với thế giới, doanh nhân Việt vẫn tràn đầy khát vọng và ý chí để chế tạo ra được những sản phẩm phức tạp hơn, đắt tiền hơn, dấn sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Những cống hiến lặng thầm của doanh nhân công nghiệp hỗ trợ - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Văn Trí - Tổng giám đốc Công ty TNHH Lập Phúc - Ảnh: HỮU HẠNH

Nhưng phải thừa nhận truyền thông bất cân xứng giữa giá trị thực của người làm ra sản phẩm - và người đi bán sản phẩm làm cho thế hệ trẻ cho rằng tham gia vào hệ sinh thái chế tạo không phải là công việc đáng theo đuổi.

Cần lắm một sự nhìn nhận lại của toàn xã hội về động lực phát triển và năng lực cạnh tranh của quốc gia. Trong đó những con người hằng ngày cần mẫn làm việc, chăm chỉ cải tiến để cạnh tranh với các nền công nghiệp của các quốc gia lân cận phải được coi trọng.

Không thiếu những chính sách của chính phủ đã ban hành để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, nhưng hầu hết phụ thuộc vào triển khai của chính quyền địa phương, đã không đến được với doanh nghiệp.

Vẫn còn đó những trăn trở về những điểm yếu mà khả năng tự chủ còn hạn chế như năng lực chế tạo khuôn mẫu - khả năng xử lý bề mặt kim loại, xi mạ (surface treatment), hay đóng gói liên hoàn (tape and reel packing), hoặc xa hơn là năng lực kiểm soát năng suất quá trình (CPK), khả năng tự động hóa, trình độ  thiết kế và kiểm soát lắp ráp sản phẩm đầu cuối và cả sự liên kết hiệu quả giữa cộng đồng những doanh nhân - công nghiệp...

Trước mắt họ, có quá nhiều việc phải làm!

Những cống hiến lặng thầm của doanh nhân công nghiệp hỗ trợ - Ảnh 5.
Chuyện nghề 4.0: Tôi hài lòng khi chọn học nghề Chuyện nghề 4.0: Tôi hài lòng khi chọn học nghề

Nhìn không ít người quen tốt nghiệp đại học, cao đẳng ra trường vất vả tìm việc, tôi có chút hoài nghi về bản thân mình. Dù học lực không phải tệ nhưng tôi quyết định đi học nghề cho "chắc ăn".

NHIÊN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên