Một gia đình ở TP.HCM chuẩn bị bữa ăn mang theo vừa tiết kiệm vừa tránh bị “chặt chém” khi đi du lịch Vũng Tàu - Ảnh tư liệu
Nhằm góp thêm một góc nhìn cho diễn đàn Làm sao trị dứt điểm nạn "chặt chém" du khách có xu hướng ngày một lan rộng ra như hiện nay, Tuổi Trẻ Online xin giới thiệu bài viết của bạn đọc Huyền Nga.
"Gia đình tôi vừa trải qua chuyến du lịch Vũng Tàu 2 ngày 1 đêm. Buổi tối, gia đình tôi được một chú taxi chở đến khu hải sản chợ đêm để ăn lẩu cá đuối. Theo quan sát của tôi thì tất cả các quán đều để lẩu tầm giá 150.000 - 200.000 đồng, nhưng khi vào hỏi một cái lẩu bao nhiêu tiền thì được chủ quán nói là lẩu có giá thấp nhất 300.000 đồng.
Và bạn biết không, cái lẩu 300.000 đồng đó được bưng ra với nồi nước lèo chắc tầm được một nửa nồi, 1 dĩa bún nhỏ và 1 dĩa rau nhỏ. Với cái lẩu này, tôi nghĩ chỉ đủ cho 2 người lớn (ít ăn) mới có thể dùng no.
Trong khi ăn, tôi ngồi nghe 2 vị khách đứng lên tính tiền. Một chị khẳng định số tiền khác với trong thực đơn ban đầu. Nhân viên tính tiền phải gọi nhân viên là người nhận thực đơn ra để đối chất. "Tình ngay lý gian", chị khách hàng đồng ý trả tiền với thái độ rất ấm ức.
Tới phần mình, tôi vốn kỹ tính nên khi gọi món tôi cũng hỏi kỹ giá từng món nhưng đến khi tính tiền giá vẫn ghi cao hơn lúc nhân viên ghi món ăn.
Cụ thể, món mực ống ban đầu chị này khẳng định với tôi giá 600.000 đồng 1 ký, 1 phần nửa ký 300.000 đồng. Nhưng khi tính tiền trong hóa đơn ghi giá 650.000 đồng. Món nghêu tím hấp sả cũng vậy. Trong phiếu tính tiền ghi giá cao 90.000 đồng so với giá ban đầu báo với tôi.
Mặc dù rất tức giận nhưng tôi không thể cãi lại được vì trên thực đơn của quán chỉ có vài món để giá, còn lại tất cả đều không có giá.
Tôi nói nhân viên tính tiền gọi nhân viên ghi thức ăn cho tôi lúc nãy ra để đối chất thì chị này khẳng định không báo giá tôi như vậy. Và chị này còn chỉ cho tôi một tấm bảng ghi giá bằng bút lông được treo khuất ở bên trong quán rằng giá mực ống là 650.000 đồng/kg.
Liếc sơ thì tôi thấy thêm vài khách như vậy, nhưng có lẽ các khách này cũng ngờ ngợ như 2 khách hàng vừa rồi và cả tôi. Vì không có bằng chứng nên chúng tôi không thể cãi lại được nhân viên của quán.
Tôi ghi câu chuyện này lên để mọi người biết cách phòng kiểu "chặt chém" như thế này. Phần thiệt chắc chắn là khách vì lúc đó mình sẽ không thể nào cãi lại quán được và cũng không có bằng chứng.
Để tránh được tình trạng này, tôi nghĩ khi gọi món ăn, khách nên yêu cầu nhân viên đưa giấy viết rõ số lượng khách cần đặt ghi luôn giá vào đó, ký tên vào để lúc tính tiền không phải cãi cọ, không phải ôm cục ấm ức như vợ chồng tôi và 2 vị khách kia.
Vũng Tàu thì đẹp đó, con tôi rất thích đi vì có biển nhưng trải nghiệm vừa rồi làm cho chuyến đi của chúng tôi kém trọn vẹn.
Đúng là đi du lịch là để tận hưởng, để tiêu tiền, để thưởng thức những món ngon, đặc sản ở chính địa phương đó mà không phải chuẩn bị đồ ăn đem theo. Nhưng, cũng cần phải có một cách buôn bán minh bạch và công bằng với du khách thì họ mới quay lại quán mình một lần nữa.
Vợ chồng tôi chắc chắn "cạch mặt" quán hải sản đó nếu có lần đi Vũng Tàu tiếp theo.
Làm sao trị dứt điểm nạn "chặt chém" du khách có xu hướng ngày một lan rộng ra như hiện nay ở một số điểm du lịch?
Mọi phản ảnh, góp ý, hiến kế... kính mời bạn gởi đến Tuổi Trẻ Online qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc địa chỉ email: tto@tuoitre.com.vn và dandt@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận