01/05/2013 09:08 GMT+7

Những bằng chứng không thể chối cãi

KHIẾT HƯNG
KHIẾT HƯNG

TT - Lịch sử VN ghi nhận rằng từ thế kỷ 18, các đời chúa Nguyễn đã tổ chức nhiều đội dân binh như đội Hoàng Sa, đội Thanh Châu thực hiện tuần tra, đo đạc và khai thác sản vật ở các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Đó là những bằng chứng lịch sử, cơ sở pháp lý không thể tranh cãi về chủ quyền của VN đối với Hoàng Sa, Trường Sa.

Cùng với triển lãm “Hoàng Sa của Việt Nam - những bằng chứng lịch sử” đang được tổ chức tại Đà Nẵng; các cuộc hội thảo quốc tế về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa được tổ chức trước đó; sự kiện tàu “Viện sĩ Oparin” của Viện hàn lâm Khoa học Nga cập cảng Nha Trang để phối hợp với Viện hàn lâm Khoa học - công nghệ Việt Nam thực hiện khảo sát chung nghiên cứu ở vùng biển Việt Nam, trong đó có đảo Trường Sa Lớn, không chỉ mang ý nghĩa khoa học mà còn góp phần rất quan trọng tiếp tục khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Nhiều tài liệu khoa học ghi lại cho biết từ tháng 6, tháng 7-1926, tàu De Lanessan của Viện Hải dương học Đông Dương ở Nha Trang đã thực hiện khảo sát trên các đảo Tri Tôn, Đá Lồi, Bạch Quy, Linh Côn, Phú Lâm, Hữu Nhật... thuộc khu vực quần đảo Hoàng Sa.

Nội dung khảo sát gồm đo đạc độ sâu, đo đạc dòng chảy, nền đáy, các rạn san hô, sinh vật và khoáng vật trên đảo... Các đợt khảo sát tại Hoàng Sa sau đó tiếp tục được tàu De Lanessan thực hiện trong các năm 1933, 1938. Trong đợt khảo sát năm 1938, Viện Hải dương học Đông Dương còn phối hợp với Nha Khí tượng xây dựng một trạm khí tượng trên đảo Hoàng Sa.

Tại Trường Sa, tháng 7-1927, lần đầu tiên tàu De Lanessan tiến hành khảo sát và thu thập các số liệu về độ sâu, nhiệt độ trong nước, mẫu vật về động vật, địa chất. Năm 1930, Viện Hải dương học Đông Dương kết hợp với hải quân trên tàu Maliciese khảo sát tại các đảo An Bang, Đá Đông, Ba Bình, Song Tử, Subi, Thị Tứ...

Sau năm 1975, công cuộc điều tra nghiên cứu các vùng quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa bước sang một trang mới với những nghiên cứu nhằm góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc phòng, khai thác và bảo vệ tài nguyên, môi trường tại các vùng quần đảo này.

Không vũ lực, không bạo lực, những hoạt động nghiên cứu khoa học đã góp phần rất quan trọng trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Những kết quả nghiên cứu khoa học không chỉ để người dân Việt Nam hiểu thêm về hai phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, mà còn là cơ sở khoa học vững chắc để Việt Nam khẳng định với thế giới chủ quyền biển đảo của mình.

Sẽ là một con số khổng lồ nếu tổng hợp lại các tài liệu nghiên cứu khoa học về Hoàng Sa, Trường Sa từ trước đến nay. Đấy là một sự ngạc nhiên và đáng khâm phục trước những đóng góp của các nhà khoa học Việt Nam cũng như cộng đồng khoa học quốc tế trong nghiên cứu về Hoàng Sa, Trường Sa. Với rất nhiều chứng cứ khoa học thuyết phục đã được công bố, chỉ có những kẻ cố tình không hiểu, cố tình phủ nhận sự thật mới dám xâm phạm chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo này.

KHIẾT HƯNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên