23/03/2020 09:54 GMT+7

Những ân nhân giấu mặt ở Bệnh viện Chợ Rẫy

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - Hơn 10 năm nay, ở Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), nhiều người tốt âm thầm bỏ ra hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng chục tỉ đồng cứu giúp hàng ngàn bệnh nhân nghèo trong cơn hiểm nguy.

Những ân nhân giấu mặt ở Bệnh viện Chợ Rẫy - Ảnh 1.

Thầy giáo Danh Văn (bìa trái) và cha chào tạm biệt các y bác sĩ trong ngày xuất viện - Ảnh: NVCC

Nhiều sinh mạng đã được cứu sống, nhiều cuộc đời đã được hồi sinh.

Họ coi việc cứu người là quan trọng nhất. Tiếp xúc với những người tốt thực sự, mình nhẹ nhàng lắm. Vì họ không có động cơ, không vụ lợi, không toan tính. Nên khi mình nhấc điện thoại lên xin giúp một bệnh nhân nào đó khẩn cấp, mình không phải lăn tăn, e ngại.

Thạc sĩ LÊ MINH HIỂN

100 triệu đồng ngày cuối năm

Hơn 10 năm gắn bó với Bệnh viện Chợ Rẫy, thạc sĩ Lê Minh Hiển (trưởng phòng công tác xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy) nói anh đã gặp không biết bao nhiêu nhà hảo tâm có tấm lòng bồ tát, giúp người không mưu cầu danh tiếng. 

"Họ có cái tâm rất lớn, sẵn sàng bỏ ra hàng tỉ đồng mà không cần vinh danh hay đánh bóng tên tuổi, thậm chí căn dặn mình không cho báo chí biết" - thạc sĩ Lê Minh Hiển nói.

Anh Hiển cho hay có những nhà hảo tâm anh chưa từng gặp mặt. Thậm chí rất nhiều nhà hảo tâm những lần đầu giúp không chịu để lại tên hoặc nơi ở, không cần ghi phiếu thu. 

"Tôi phải năn nỉ, thuyết phục cho biết tên quận cũng được để mình công khai số tiền ủng hộ trên trang web của bệnh viện và dễ quản lý. Nhiều khi chỉ có thông tin như: nhà hảo tâm ở quận 3 gửi bao nhiêu tiền, ngày nào đó, mà không có tên người gửi" - anh Hiển nói. 

Anh Hiển gọi những nhà hảo tâm thầm lặng ấy là ân nhân.

Thạc sĩ Lê Minh Hiển kể anh nhớ mãi một buổi chiều muộn ngày cuối năm 2019, khi anh đang chuẩn bị về thì có ba phụ nữ trẻ chừng 30 tuổi gõ cửa phòng, bảo muốn giúp bệnh nhân nghèo. Họ lấy ra 100 triệu đồng, nói là để giúp những trường hợp khó khăn nhất. Sau khi để lại tiền, ba vị khách vội vàng rời đi, nhất định không chịu để lại họ tên, không cần thư cảm ơn. 

"Tôi xin địa chỉ để gửi phiếu thu, gửi thư cảm ơn nhưng các chị nói không cần" - anh Hiển nhớ lại.

Và đó không phải là trường hợp duy nhất. Trưởng phòng công tác xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy bảo có rất nhiều tấm lòng của những người tốt khiến anh cảm động. Đó là một nhà hảo tâm nhỏ tuổi giúp bệnh nhân nghèo của Chợ Rẫy từ khi còn là học sinh Trường chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM). 

Mỗi lần được học bổng, bạn đều mang đến bệnh viện. Bây giờ cậu học trò ấy đã là sinh viên Trường ĐH Y dược TP.HCM. "Bạn ấy học rất giỏi. Năm nào cũng có 1-2 lần nhận học bổng. Lần nào có cũng mang vào đây giúp bệnh nhân nghèo" - thạc sĩ Lê Minh Hiển nói.

Hay như câu chuyện về một nhà hảo tâm trẻ, chừng 25-27 tuổi, nhìn bề ngoài không thể nghĩ là người có tiền vì ăn mặc rất bình dân. 

"Bạn ấy một năm đến vài lần, có khi một tháng đến một lần, riết thành người quen. Mỗi lần đến bạn gửi 15-20 triệu đồng. Bạn không đòi phải chụp ảnh, phải ghi phiếu thu. Hỏi tên, bạn ấy nhất định không chịu nói. Bạn ấy không muốn ai biết mình ở đâu, làm gì" - thạc sĩ Lê Minh Hiển kể.

Cảm ơn con đã giúp chú giúp bệnh nhân nghèo

Cho tôi xem bức ảnh trong điện thoại chụp một ân nhân tươi cười bên các em học sinh được trao tặng xe đạp tại Trà Vinh tháng 9-2019, anh Hiển bảo: "Đây là lần duy nhất cô D.M. chịu xuất hiện và chụp ảnh. Mà vì bữa đó không có phóng viên đưa tin nên cô mới chịu cho mình chụp ảnh".

Trước chuyến đi, anh Hiển đã báo cho cô sinh viên ĐH Trà Vinh tên Bảo Xuyên biết sẽ có ân nhân xuất hiện. Bảo Xuyên bị tim bẩm sinh nhưng gia cảnh quá khó khăn, chi phí ca mổ ngoài bảo hiểm khoảng 20 triệu đồng nhưng ba mẹ Xuyên không thể xoay xở được. Biết chuyện, anh Hiển gọi điện xin cô D.M. giúp. 

Bảo Xuyên được phẫu thuật không lâu sau đó. Ba năm sau, Bảo Xuyên mới biết mặt ân nhân. Cô bé mua lẵng hoa, xúc động đến tặng, nói lời cảm ơn người đã cứu sống mình.

Cô D.M. năm nay gần 70 tuổi, là chủ hệ thống trường ngoại ngữ nổi tiếng ở TP.HCM. 

"Sáu năm nay, vợ chồng thầy cô D.M. đã giúp Bệnh viện Chợ Rẫy 5,5 tỉ, không chỉ giúp viện phí cho người nghèo mà còn là máy móc, trang thiết bị để có chất lượng điều trị tốt nhất. Thầy cô vừa trao cho khoa phẫu thuật tim trẻ em năm máy trị giá 200 triệu đồng. 

Sắp tới, thầy cô lại giúp khoa chạy thận nhân tạo hai máy chạy thận trị giá khoảng 2,4 tỉ nữa. Lẽ ra thầy cô giúp sáu máy, nhưng còn giúp người dân miền Tây bị hạn mặn, nên cô hẹn lại bốn máy sẽ giúp sau" - thạc sĩ Hiển cho hay.

Bỏ ra hàng tỉ đồng giúp người nhưng cho tới bây giờ trên mạng không có thông tin gì về cô D.M.. Chưa bao giờ cô xuất hiện khi trao tiền mà chỉ có người đại diện. Cô bảo muốn âm thầm làm, không muốn tung hô chuyện mình làm từ thiện cho nhiều người biết. 

"Cô nhỏ nhẹ lắm, luôn toát ra sự ấm áp. Có lần vô hỏi thăm, động viên bệnh nhân khi họ sắp phẫu thuật, cô thậm chí không cho bệnh nhân biết mình tên gì, làm gì dù là người bỏ ra hàng trăm triệu tài trợ chi phí ca mổ cho họ" - anh Hiển bảo.

Trưởng phòng công tác xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy bảo còn rất nhiều ân nhân giấu mặt như thế. Họ không thích khoa trương, không cần vinh danh, không thích ồn ào. Họ không cần dùng thương hiệu Chợ Rẫy để đánh bóng tên tuổi. 

Như câu chuyện về đại gia H.U.D. ở Bình Dương. Từ năm 2015 đến nay, ông D. đã giúp Bệnh viện Chợ Rẫy hơn 12 tỉ đồng. Hơn 400 ca mổ tim, những trường hợp phẫu thuật, điều trị cấp cứu, những bệnh nhân có chỉ định cấp cứu nhưng không có thân nhân đã được cứu giúp.

"Tháng 6-2016, khi tổ chức sự kiện kỷ niệm ngày Chợ Rẫy và công ty chú ký thỏa thuận ký quỹ từ thiện H.H - tên con trai chú, chú đến ôm tôi, bất ngờ nói: Cảm ơn con đã giúp chú giúp bệnh nhân nghèo. Có ai làm điều ngược lạ như vậy không? Chú bỏ ra hàng chục tỉ đồng để mình giúp bệnh nhân mà chú lại cảm ơn mình" - thạc sĩ Lê Minh Hiển mỉm cười nói.

Nhiều tính mạng mong manh giữa sống và chết đã được những ân nhân ấy cứu sống, nhiều người không phải đau đớn cắt bỏ một phần cơ thể chỉ vì không có tiền mua một loại thuốc đắt đỏ hay một cái máy hàng tỉ đồng để điều trị kịp thời.

Gần đây nhất, thầy giáo Danh Văn, 30 tuổi, dạy học ở quần đảo Hải Tặc (tỉnh Kiên Giang), bị bệnh máu khó đông, nhập viện Chợ Rẫy. Đây là ca hiếm trong bệnh lý máu khó đông. Để cứu sống Văn cần sử dụng loại thuốc chuyên ngành rất đắt tiền. Nếu không được sử dụng loại thuốc đó, khả năng mất máu và cắt chi rất lớn.

my lang 5 (6) 2(read-only)

Như Ý, một bệnh nhi khỏe mạnh sau khi được phẫu thuật tim, trong một lần trở lại Bệnh viện Chợ Rẫy thăm các y bác sĩ. Đây là một trong số hàng trăm ca mổ tim đã được ân nhân H.U.D. cứu giúp - Ảnh: NVCC

Trong khi đó, có thời điểm Danh Văn rơi vào tình trạng vô cùng nguy kịch. "Kinh phí chữa trị rất lớn dù đã có bảo hiểm y tế. Tổng chi phí là 8,9 tỉ đồng. Bảo hiểm đã thanh toán gần hết, chỉ còn lại chi phí ngoài bảo hiểm là 1,4 tỉ" - thạc sĩ Lê Minh Hiển cho hay.

Với gia đình Danh Văn, 1,4 tỉ là số tiền ngoài sức của họ. Gia đình đã cầm đất, bán đất cũng chỉ được gần 300 triệu đồng. Phòng công tác xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy kêu gọi sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm.

Chỉ trong 45 ngày đã có 1,1 tỉ đồng gửi về giúp Danh Văn. Thầy giáo trẻ hồi phục dần và đã xuất viện giữa tháng 2-2020. "Tôi không nghĩ trong từng đó ngày mà được từng đó tiền. Nếu không có những ân nhân ấy, Danh Văn sẽ không thể có được nụ cười hạnh phúc như trong ngày xuất viện" - thạc sĩ Lê Minh Hiển nói.

WHO làm clip cảm ơn những người thầm lặng trong cuộc chiến chống COVID-19 WHO làm clip cảm ơn những người thầm lặng trong cuộc chiến chống COVID-19

TTO - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) gửi lời cảm ơn những người thầm lặng đang làm việc bất kể ngày đêm để đảm bảo người dân được an toàn: những y bác sĩ ở tuyến đầu, lãnh đạo chính quyền, chị lao công, anh bảo vệ, những nhà báo đưa tin chống dịch...

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên