20/03/2020 13:45 GMT+7

Vào mặt trận chống dịch - Kỳ 2: Những người lính 'xuyên cách ly'

HÀ THANH
HÀ THANH

TTO - Ngày nào cũng vậy, Thanh leo từ tầng 1 lên tầng 5 đưa cơm đến tận phòng cho bà con và kiêm luôn nhiệm vụ xử lý rác thải y tế.

Vào mặt trận chống dịch - Kỳ 2: Những người lính xuyên cách ly - Ảnh 1.

Chiến sĩ Phan Thành Long (trung đoàn 59) với chiếc máy khử trùng nặng chừng 15kg đeo sau lưng, hễ có người hay xe cộ mới vào đơn vị là phải thực thi nhiệm vụ khử trùng ngay - Ảnh: NAM TRẦN

Sau 14 ngày, công dân Việt Nam về từ vùng dịch Hàn Quốc nhận chứng nhận hết thời hạn cách ly và trở về với gia đình. Những người lính ở thủ đô Hà Nội khi ấy có thể nghỉ ngơi hay xin phép đơn vị được về thăm nhà.

Làm từ đợt cách ly trước, mình quen công việc ở đây rồi nên đơn vị giao tiếp nhiệm vụ. Cũng mệt chứ nhưng có chỉ huy, có các anh động viên cùng nhau cố gắng, có khó mấy cũng vượt qua.

Chiến sĩ NGUYỄN VĂN THANH

Song họ hạ quyết tâm ở lại cùng đồng chí, đồng đội trực chiến "xuyên cách ly" giúp đỡ bà con vừa từ châu Âu trở về quê nhà.

Mong muốn ở lại

Hơn 20 ngày qua, thiếu úy Vương Thành Nam (24 tuổi, tiểu đoàn thông tin 610, Bộ tư lệnh Thủ đô) được tăng cường làm nhiệm vụ tại khu cách ly đặc biệt ở Trường Quân sự Bộ tư lệnh Thủ đô - nơi được đồng đội ví von là "nội bất xuất, ngoại bất nhập". Vừa hoàn thành nhiệm vụ giúp đỡ 752 công dân Việt trở về từ vùng dịch Hàn Quốc, từ ngày 13-3, Trường Quân sự nơi thiếu úy Nam đang làm nhiệm vụ tiếp tục đón 762 công dân Việt trở về quê nhà.

Vào mặt trận chống dịch - Kỳ 2: Những người lính xuyên cách ly - Ảnh 3.

Hơn 20 ngày qua, thiếu úy Vương Thành Nam (24 tuổi, Tiểu đoàn thông tin 610, Bộ Tư lệnh Thủ đô) được tăng cường làm nhiệm vụ tại khu cách ly đặc biệt ở Trường Quân sự Bộ Tư lệnh thủ đô - Ảnh: HÀ THANH

"Sau bàn giao đợt 1, chúng tôi có một buổi tối để nghỉ ngơi thì sáng hôm sau phải nhận nhiệm vụ luôn. Anh em tại khu cách ly đặc biệt đồng lòng, mong muốn ở lại giúp nhân dân trong đợt cách ly thứ hai này" - thiếu úy Vương Thành Nam nhớ lại.

Khó khăn nhất là trong đợt thứ hai, số lượng công dân về nước nhiều hơn, đặc biệt đều trở về từ vùng dịch châu Âu đang bùng phát mạnh. Bà con về liên tục trong đêm, những ngày đầu anh em phải trực chiến trắng đêm để giúp đỡ bà con vận chuyển đồ đạc, bố trí nơi ăn chốn nghỉ cho họ. 

Hơn 100 cán bộ, chiến sĩ của Trường Quân sự trực chiến từ trong ra ngoài, vất vả nhất phải kể đến tổ hậu cần sớm tối đảm đương nhiệm vụ nấu cơm nước đủ 3 bữa/ngày giúp bà con ăn uống đầy đủ, thoải mái tinh thần trong thời gian cách ly.

Động viên nhau cùng cố gắng

Thiếu úy Nam bận bộ đồ bảo hộ kín như bưng, hơn 20 ngày qua nhận nhiệm vụ chạy từ tầng nọ sang tầng kia đưa cơm cho bà con, vận chuyển nhu yếu phẩm cần thiết. Anh trải lòng ngày lạnh còn đỡ, chứ ngày nóng mồ hôi vã ra như tắm, chưa kể mùi thuốc sát trùng xộc thẳng vào mũi, da tay ai cũng bong tróc hết vì phải sát khuẩn liên tục.

Vậy mà chẳng nề hà khó khăn, những người lính trẻ nói đó là nhiệm vụ, phải gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. "Mấy ngày trước nắng nóng, mặc bộ này trèo lên trèo xuống vừa nóng vừa bí, nay vừa mưa vừa rét quần áo bảo hộ dính chặt vào người nhưng vì đảm bảo an toàn phải tuân thủ nghiêm ngặt" - thiếu úy Nam bộc bạch.

Cùng đảm nhiệm nhiệm vụ phục vụ, giúp đỡ bà con tại khu cách ly, chiến sĩ Nguyễn Văn Thanh (20 tuổi, tiểu đoàn thông tin 610) được chỉ huy, anh em đơn vị yêu mến, động viên rất nhiều trong quá trình làm nhiệm vụ. 

Ngày nào cũng vậy, Thanh leo từ tầng 1 lên tầng 5 đưa cơm đến tận phòng cho bà con và kiêm luôn nhiệm vụ xử lý rác thải y tế. 

Trong đợt thứ hai, 144 công dân Việt Nam trở về từ Anh, Hàn Quốc, Pháp, Đức, Ba Lan, Mỹ, Hà Lan… vừa về đến khu vực cách ly tại trung đoàn 59, sư đoàn bộ binh 301, Bộ tư lệnh Thủ đô.

Ở trung đoàn 59, bộ đôi chiến sĩ Nguyễn Nam Trường và Bùi Đức Thắng vừa tròn đôi mươi đảm nhiệm nhiệm vụ "xuyên cách ly", vận chuyển đồ ăn, xử lý rác thải trong khu vực cách ly đến nay vừa tròn 18 ngày.

Còn với chiến sĩ Phan Thành Long (20 tuổi, trung đoàn 59), nhiệm vụ nom khó nhằn hơn với chiếc máy khử trùng nặng chừng 15kg luôn đeo sau lưng. Những ngày đầu tiên mới tiếp nhận công dân, chiến sĩ Long căng mình túc trực từ ngoài cổng đơn vị với chiếc máy khử trùng nặng trịch, hễ có người hay xe cộ mới vào đơn vị là phải thực thi nhiệm vụ khử trùng ngay…

Nghe tin bà mất

Khó nhất với chiến sĩ trẻ Nguyễn Văn Thanh là trong lúc làm nhiệm vụ trực chiến phòng chống dịch COVID-19 thì hay tin bà nội mất. "Người yêu quý mất đi, tôi buồn lắm nhưng vì nhiệm vụ không thể về nên cố nén nỗi đau. Tôi mượn điện thoại chỉ huy để gọi về nhà, bố mẹ động viên thôi bà cũng già rồi, con cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Ở nhà có bố mẹ, có các chú lo được" - Thanh bộc bạch.

Vào mặt trận chống dịch Kỳ 1: Nữ dân quân vào Vào mặt trận chống dịch Kỳ 1: Nữ dân quân vào 'trận chiến' Trúc Bạch

TTO - Tháng 3 thanh niên chưa năm nào dừng hầu hết hoạt động chào mừng, tụ họp đông người như năm nay. Thay vào đó những người trẻ là các anh bộ đội, chị dân quân, các bạn đoàn viên thanh niên xung phong vào mặt trận dập dịch COVID-19.

HÀ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên