Thượng nghị sĩ Mỹ Tom Cotton - Ảnh: REUTERS
Bức thư của hai nghị sĩ Tom Cotton và Michael McCaul thuộc Đảng Cộng hòa được gửi ngày 13-4 nhưng chỉ mới được công bố ngày 15-4. Bộ Thương mại Mỹ xác nhận người đứng đầu bộ này, bà Gina Raimondo, đã nhận được thư của các nghị sĩ.
Dưới thời chính quyền Donald Trump, Mỹ đã áp đặt các biện pháp hạn chế đối với Huawei, tập đoàn viễn thông và điện thoại hàng đầu Trung Quốc.
Một trong số các biện pháp là yêu cầu các nhà cung cấp cho Huawei, kể cả bên thứ 3 và đặt nhà máy tại nước ngoài, phải xin phép Mỹ nếu muốn bán các công nghệ, chất bán dẫn có yếu tố trí tuệ Mỹ.
Theo hai nghị sĩ Cotton và McCaul, quy định này nên được áp dụng với tất cả công ty Trung Quốc đang sản xuất chip 14nm trở xuống. Đây là những loại chip tiên tiến có thể làm thay đổi cuộc chơi nên đang được nhiều công ty Trung Quốc theo đuổi nghiên cứu, sản xuất.
"Các biện pháp này đảm bảo những công ty Mỹ, cũng như các công ty từ các nước đối tác và đồng minh, sẽ không thể bán cho Trung Quốc những dây thòng lọng mà họ sẽ dùng để treo cổ tất cả chúng ta", hai nghị sĩ Cộng hòa lập luận.
Theo Hãng tin Reuters, lá thư được gởi vào đầu tuần này, sau khi Công ty Phytium Thiên Tân và 6 thực thể khác quản lý siêu máy tính của Trung Quốc bị đưa vào danh sách đen. Phía Mỹ cáo buộc những công ty và thực thể này đã hỗ trợ quá trình hiện đại hóa quân đội Trung Quốc, nghiên cứu hoặc chế tạo vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Các đề xuất của ông Cotton và McCaul không dừng lại ở việc ngừng bán công nghệ cho các công ty Trung Quốc. Theo Reuters, cả hai nghị sĩ thúc giục chính quyền Joe Biden có các biện pháp ngăn chặn những nhà sản xuất thứ ba sử dụng công nghệ có trí tuệ Mỹ để sản xuất chip do Trung Quốc thiết kế.
Một đại diện Bộ Thương mại Mỹ khẳng định cơ quan này liên tục xem xét liệu các biện pháp đã được áp đặt đối với những thực thể Trung Quốc có phát huy tác dụng hay không. Cũng theo vị này, nếu các biện pháp đã sử dụng không hiệu quả, Mỹ có thể áp dụng "các biện pháp bổ sung" khác.
Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang chứng kiến căng thẳng trong một loạt vấn đề. Tuy nhiên, chính quyền Biden tuyên bố sẽ tìm kiếm hợp tác với Bắc Kinh trong những lĩnh vực đem lại lợi ích cho cả hai phía và các nước khác, chẳng hạn biến đổi khí hậu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận