03/07/2024 19:18 GMT+7

Nhiều quận, huyện coi việc phòng, chữa cháy là 'của riêng công an'

Trung tướng Nguyễn Hải Trung - giám đốc Công an Hà Nội - nói như vậy khi trả lời chất vấn của đại biểu liên quan kết quả thực hiện nghị quyết về tăng cường phòng cháy chữa cháy tại thủ đô của HĐND TP Hà Nội.

Trung tướng Nguyễn Hải Trung - giám đốc Công an TP Hà Nội - trả lời chất vấn - Ảnh: HĐND TP Hà Nội

Trung tướng Nguyễn Hải Trung - giám đốc Công an TP Hà Nội - trả lời chất vấn - Ảnh: HĐND TP Hà Nội

Chiều 3-7, HĐND TP Hà Nội khóa XVI tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong khuôn khổ kỳ họp thứ 17. Vấn đề về phòng cháy, chữa cháy tại thủ đô Hà Nội được nhiều đại biểu quan tâm.

Đại biểu Duy Hoàng Dương cho biết sau khi xảy ra vụ cháy khiến 56 người tử vong ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) hồi tháng 9-2023, HĐND TP Hà Nội đã ban hành nghị quyết về tăng cường phòng cháy, chữa cháy, trong đó yêu cầu 100% hộ gia đình phải tự trang bị bình chữa cháy.

Đồng thời địa phương phối hợp với đơn vị chức năng được yêu cầu hướng dẫn, đảm bảo 100% nhà ở, hộ gia đình mở lối thoát nạn thứ hai.

Ông Dương đề nghị lãnh đạo Công an TP Hà Nội, phó chủ tịch UBND TP Hà Nội phụ trách lĩnh vực cho biết kết quả triển khai các nhiệm vụ trên.

Chỉ 3,05% cơ sở khắc phục đảm bảo các quy định về phòng cháy, chữa cháy

Trả lời, trung tướng Nguyễn Hải Trung - giám đốc Công an TP Hà Nội - cho biết hiện vấn đề phòng cháy, chữa cháy là vấn đề rất nóng trong thời gian qua, không chỉ ở Hà Nội mà nghị trường Quốc hội và các tỉnh thành khác rất quan tâm.

Theo ông, hiện Hà Nội mới chỉ có 91 cơ sở đã hoàn thành khắc phục phòng cháy, chữa cháy, chiếm 3,05% số cơ sở không đảm bảo yêu cầu phòng cháy theo nghị quyết 02/2022 của HĐND TP.

Về tồn tại hạn chế, vị lãnh đạo Công an Hà Nội cho hay hiện một số quận huyện để xảy ra tình trạng sót lọt cơ sở trên địa bàn quận quản lý. Khả năng lớn trong năm 2024, các đơn vị không hoàn thành được chỉ tiêu TP giao...

Theo ông, có cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan dẫn tới sự chậm trễ trên. Trong đó một số UBND quận, huyện, thị xã chưa thực sự quan tâm phối hợp với cơ sở chặt chẽ, kịp thời để khắc phục các sai phạm về quy định phòng cháy, chữa cháy.

Ngoài ra, nhận thức của một số người đứng đầu cơ sở về phòng cháy, chữa cháy còn thấp, chưa quan tâm đến vấn đề này.

Đề nghị mua bình chữa cháy cấp cho dân

Về thực hiện nghị quyết 26 của HĐND TP liên quan chỉ tiêu 100% hộ gia đình được trang bị bình chữa cháy, 100% hộ có lối thoát nạn thứ hai, ông Trung thông tin: "Còn 13/30 quận huyện chưa hoàn thành mở lối thoát nạn thứ hai, 20 quận huyện chưa đảm bảo 100% hộ gia đình tự trang bị bình chữa cháy".

Về nguyên nhân, ông cho rằng là do cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm chỉ đạo, còn coi công tác phòng cháy, chữa cháy là của riêng lực lượng công an.

Đồng thời nhận thức, ý thức về phòng cháy, chữa cháy của chủ hộ gia đình còn hạn chế...

"Khi xảy ra cháy ở Thanh Xuân, tôi đã từng nói là chúng ta đừng bàn nhà nào ai quản lý, loại hình nhà nào có thuộc nội dung quản lý về công tác phòng cháy, chữa cháy hay không. Quan điểm của tôi là ở đâu có dân, ở đó phải có phương án về phòng cháy. 

Để trang bị được hai bình chữa cháy, nhiều gia đình cũng rất khó khăn, tôi đề nghị các quận, huyện, phường xã nếu có điều kiện thì mua sắm cấp phát cho người ta, xã hội hóa được thì xã hội hóa. Nhiều người dân ăn chưa đủ no thì sao mua được bình chữa cháy" - ông Trung trăn trở.

Lãnh đạo Công an Hà Nội: Sai phạm trong vụ cháy làm 56 người chết Lãnh đạo Công an Hà Nội: Sai phạm trong vụ cháy làm 56 người chết 'như một con rết' bò khắp nơi

Phó giám đốc Công an TP Hà Nội Nguyễn Thanh Tùng ví von như vậy khi nói về việc vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy tại Hà Nội trong buổi thảo luận tổ, thuộc chương trình kỳ họp thứ 17, HĐND TP Hà Nội khóa XVI, diễn ra chiều 1-7.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên