27/06/2024 09:39 GMT+7

Lộ trình nâng cấp phòng chống cháy ở nhà trọ: Không chờ nước tới chân...

Theo chỉ thị 19 vừa được Thủ tướng ban hành, người đứng đầu cơ sở hoặc chủ hộ gia đình phải cam kết và có lộ trình thực hiện các giải pháp tăng cường PCCC và hoàn thành trước ngày 30-3-2025.

Nhiều xóm cũ nằm sâu trong ngõ nhỏ, các phương tiện chữa cháy rất khó tiếp cận (ảnh chụp tại xóm trọ phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) - Ảnh: DANH KHANH

Nhiều xóm cũ nằm sâu trong ngõ nhỏ, các phương tiện chữa cháy rất khó tiếp cận (ảnh chụp tại xóm trọ phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) - Ảnh: DANH KHANH

Sau thời gian này, nếu không thực hiện thì phải dừng hoạt động cho đến khi thực hiện xong...

Trao đổi với Tuổi Trẻ về các giải pháp hạn chế nguy cơ cháy với chung cư mini, nhà trọ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất kinh doanh, các chuyên gia cho rằng cần có sự hỗ trợ của Nhà nước với một lộ trình thực hiện phù hợp.

Chủ trọ, người thuê lo phát sinh chi phí

Nhiều người thuê nhà trọ tại Hà Nội bày tỏ lo ngại về việc cải tạo các khu nhà trọ hiện hữu, lắp thêm thang thoát nạn ngoài tòa nhà, tạo lối thoát hiểm cho các khu nhà sẽ phát sinh thêm chi phí và chủ trọ sẽ tính thêm vào tiền thuê trọ hằng tháng khiến giá thuê trọ có thể tăng thêm.

Anh Nguyễn Nhật Nam - 30 tuổi, quê Yên Bái, một người đang thuê trọ nhiều năm tại phố Hạ Đình (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) - cho biết từ khi thuê trọ tới nay chưa khi nào thấy chủ trọ nhắc đến việc lắp hệ thống thang thoát nạn bên ngoài tòa nhà hay làm lối thoát hiểm.

Tiền thuê phòng trọ của anh và người bạn cùng phòng khoảng 2,5 triệu đồng/tháng, đây là khoản chi cố định nên mỗi khi lãnh lương anh đều dành gần 1/4 tiền lương để trả tiền nhà trọ. "Nếu chủ trọ phải lắp thêm hệ thống thang thoát nạn ngoài tòa nhà theo yêu cầu của TP, chi phí lắp thang sẽ được cộng dồn vào tiền thuê nhà hằng tháng của cả xóm trọ", anh Nam lo ngại.

Còn ông Nguyễn Tuấn Minh - chủ một khu trọ tại phố Phùng Khoang, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội - cho hay năm 2015, khi xây khu trọ bảy tầng để cho thuê, không thấy cơ quan nào yêu cầu phải lắp đặt thang thoát nạn ngoài tòa nhà.

"Giờ nếu phải lắp đặt thêm thang sẽ phát sinh thêm cả trăm triệu đồng, trong khi việc tăng tiền thuê trọ là rất khó vì tiền thuê đã được chốt trong hợp đồng thuê phòng theo năm", ông Minh nói.

Diễn tập PCCC, cứu hộ cứu nạn tại một chung cư ở TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Diễn tập PCCC, cứu hộ cứu nạn tại một chung cư ở TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Ưu tiên cải tạo khu trọ nguy hiểm trước

Trao đổi với Tuổi Trẻ, KTS Đào Ngọc Nghiêm - phó chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam - cho rằng PCCC đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ (chung cư mini), nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất kinh doanh (bao gồm cả nhà trọ) là vấn đề cấp bách nên càng làm sớm càng tốt.

Nhưng ông cũng lưu ý nguồn lực để cải tạo loại hình nhà ở này khá lớn nên ngoài việc người dân tự bỏ chi phí cải tạo các khu nhà trọ cũ cũng cần có sự hỗ trợ từ Nhà nước và chính quyền các địa phương.

Ví dụ như hỗ trợ trang thiết bị chữa cháy, vật liệu để cải tạo các khu nhà trọ. Nhà nước nên hỗ trợ về vật chất để người dân cải thiện chỗ ở.

Hà Nội có cả ngàn khu nhà trọ nhưng nguồn lực lại hạn chế nên cần phân loại các khu nhà trọ và chung cư mini, khu nào nguy hiểm nên ưu tiên cải tạo trước.

"Theo quy định về PCCC, công trình được phân làm bốn mức nguy hiểm là A, B, C, D. Sau khi phân loại, khu nào nguy hiểm ở mức D - mức cao nhất - thì nên chọn cải tạo trước. Như vậy, chính sách hỗ trợ chung nhưng ưu tiên khu nào nguy hiểm thì cải tạo trước", ông Nghiêm nói.

KTS Trần Huy Ánh, ủy viên thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội, cũng cho rằng việc buộc chủ các chung cư mini, khu trọ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất kinh doanh dừng kinh doanh là cần thiết nhưng cần có lộ trình phù hợp.

Nhưng nếu thời gian cải tạo quá ngắn, họ sẽ không kịp cải tạo lại các khu nhà mà buộc phải đóng cửa sẽ dẫn tới nguy cơ thiếu chỗ ở cho những người lao động, người có thu nhập thấp do không có điều kiện tiếp cận nhà ở.

"Hơn nữa, việc giao cho chính quyền địa phương ở cơ sở quản lý hoạt động kinh doanh nhà trọ nếu không giám sát sẽ dẫn đến việc áp dụng máy móc quy định khi đóng cửa các khu nhà trọ, ảnh hưởng tới cuộc sống của số đông người dân", ông Ánh nói.

Nhiều giải pháp mạnh ngăn cháy nhà trọ, chung cư mini

Tại chỉ thị 19 về tăng cường công tác PCCC vừa được ký ban hành, Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành, chủ tịch UBND các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, phát hiện và có biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời sơ hở, bất cập trong công tác PCCC với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất kinh doanh.

Bộ Công an được giao bổ sung quy định cụ thể trong dự án Luật PCCC và cứu nạn cứu hộ về điều kiện an toàn PCCC với nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất kinh doanh.

Bộ Xây dựng chỉ đạo đơn vị chức năng chủ trì, phối hợp với đơn vị chức năng của Bộ Công an và các đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng và công bố tài liệu kỹ thuật hướng dẫn giải pháp cấp thiết tăng cường điều kiện an toàn PCCC đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất kinh doanh, nhà trọ phù hợp với thực tiễn, hoàn thành trước ngày 15-7.

Người đứng đầu cơ sở cho thuê trọ hoặc chủ hộ gia đình có nhà cho thuê phải cam kết và có lộ trình thực hiện các giải pháp tăng cường PCCC.

Trên cơ sở các tài liệu kỹ thuật hướng dẫn giải pháp cấp thiết tăng cường điều kiện an toàn PCCC do đơn vị chức năng của Bộ Xây dựng công bố, UBND các địa phương ban hành tài liệu hướng dẫn phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, hoàn thành trước ngày 30-7-2024.

Chủ tịch UBND các địa phương chỉ đạo tổ chức rà soát, kiểm tra, yêu cầu người đứng đầu cơ sở hoặc chủ hộ gia đình phải cam kết và có lộ trình thực hiện các giải pháp tăng cường PCCC do UBND tỉnh, TP ban hành và phải hoàn thành các giải pháp trước ngày 30-3-2025. Sau thời gian này, nếu không tổ chức thực hiện thì phải dừng hoạt động cho đến khi thực hiện xong.

* Ông Vũ Ngọc Anh (vụ trưởng Vụ KHCN&MT, Bộ Xây dựng):

Lộ trình nâng cấp phòng chống cháy ở nhà trọ: Không chờ nước tới chân...- Ảnh 6.

Sẽ có tài liệu hướng dẫn PCCC riêng cho nhà trọ, chung cư mini

Bộ Xây dựng đã ban hành bộ tài liệu hướng dẫn an toàn phòng cháy với loại công trình cũ, trong đó bao gồm nhà ở riêng lẻ, nhà ở kết hợp kinh doanh, công sở, trường học, bệnh viện nhưng bộ tài liệu quá dày.

Vì vậy, theo chỉ đạo của Thủ tướng, thời gian tới Bộ Xây dựng sẽ tập hợp bộ tài liệu riêng về hướng dẫn an toàn phòng cháy với loại hình nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất kinh doanh, nhà trọ, chung cư mini để người dân dễ tìm, dễ tham khảo và áp dụng.

* Luật sư Nguyễn Tiến Lập (trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam):

Lộ trình nâng cấp phòng chống cháy ở nhà trọ: Không chờ nước tới chân...- Ảnh 7.

Nên yêu cầu lắp thang thoát nạn ngoài nhà

Tất cả loại hình nhà ở riêng lẻ, chung cư mini, nhà trọ đều có nguy cơ cháy.

Nguy cơ cháy không phụ thuộc vào nhà có kinh doanh hay không kinh doanh, vì thế loại hình nhà ở nào cũng phải thực hiện quy định bảo đảm an toàn phòng cháy.

Việc Nhà nước có thể làm lúc này là đưa ra biện pháp chữa cháy tốt nhất chứ không chỉ đưa ra điều kiện với người dân.

Với đặc thù đô thị Việt Nam, các cơ quan chức năng địa phương cần nghiên cứu để thiết kế những lối thoát hiểm phù hợp.

Nếu muốn đẩy nhanh quá trình này, chính quyền các địa phương có thể lập ra các đội chuyên đi lắp đặt lối thoát hiểm cho nhà dân để hỗ trợ họ có nơi ở an toàn.

Vụ cháy nhà trọ 14 người chết ở Trung Kính: Do chập mạch điện ở đầu xe máy điệnVụ cháy nhà trọ 14 người chết ở Trung Kính: Do chập mạch điện ở đầu xe máy điện

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng - phó giám đốc Công an TP Hà Nội - cho biết nguyên nhân vụ cháy nhà trọ làm 14 người chết ở Trung Kính (Cầu Giấy) là do chập mạch điện ở đầu xe máy điện, sau đó cháy lan ra các xe máy khác.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên