Trước những người đồng cấp tại phiên họp cấp ngoại trưởng của OSCE, nhóm an ninh khu vực lớn nhất thế giới này, ở Bắc Macedonia ngày 30-11, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đưa ra nhiều phát biểu gây tranh cãi.
Ngoại trưởng Nga phát biểu gây tranh cãi khiến nhiều quan chức bỏ ra ngoài
"Thật không may, giới tinh hoa chính trị phương Tây, vốn tự cho mình có quyền quyết định số phận của nhân loại, đã đưa ra lựa chọn thiển cận không có lợi cho OSCE mà có lợi cho NATO... Một trong những thành phần quan trọng của chính sách này là sự mở rộng liều lĩnh của NATO sang phía Đông, bắt đầu sau khi Tổ chức Hiệp ước Warsaw tan rã", ông Lavrov nói.
Nhà ngoại giao Nga chỉ trích phương Tây vì đã tiến hành "cuộc chiến tranh lai" chống lại Nga và nói rằng Liên minh châu Âu đã trở thành một "dự án chính trị hung hăng".
Theo tờ Guardian, một số quan chức đã rời khỏi cuộc họp khi ngoại trưởng Nga phát biểu.
Đáp lại những chỉ trích về cuộc chiến Nga - Ukraine, ông Lavrov phản bác với chỉ trích rằng OSCE đang trở thành một "phần phụ" của liên minh NATO và Liên minh châu Âu.
Ông cho rằng OSCE đang trên bờ vực thẳm và phương Tây đang giết chết cơ hội hồi sinh tổ chức này, theo Hãng tin Reuters.
"Hãy đối mặt với sự thật rằng tổ chức này đang ở trên bờ vực thẳm. Một câu hỏi đơn giản được đặt ra: liệu việc đầu tư vào việc hồi sinh tổ chức này có hợp lý không?", ông Lavrov nói.
Ông rời khỏi cuộc họp ngay sau khi phát biểu.
Được thành lập vào năm 1975 để tạo diễn đàn đối thoại giữa các khối phương Đông và phương Tây, OSCE đang gặp khó khăn khi cuộc chiến của Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2-2022 đã gây ra một loạt căng thẳng nội bộ nhóm.
Đầu tuần này, Ukraine và các đồng minh Estonia, Latvia, Ba Lan và Lithuania tuyên bố sẽ tẩy chay hội nghị bộ trưởng thường niên, trong đó Warsaw tuyên bố sự hiện diện của Nga là "không thể chấp nhận được".
Ukraine muốn OSCE trục xuất Nga, như Hội đồng châu Âu đã làm, cảnh báo tổ chức này sẽ phải đối mặt với "cái chết từ từ" nếu Matxcơva vẫn còn trong nhóm.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken có mặt tại bữa tối trước hội nghị thượng đỉnh cùng đại diện của các quốc gia OSCE khác, tuy nhiên không tham dự cuộc họp ngày 30-11.
Trước đó, nhà ngoại giao hàng đầu của Liên minh châu Âu, ông Josep Borrell, cho biết ông hiểu sự bất an của một số quốc gia nhưng hoan nghênh quyết định của Bắc Macedonia khi mời ông Lavrov tham gia.
"Đây sẽ là một dịp tốt để ông ấy (Lavrov) lắng nghe trực tiếp từ những người tham gia cuộc họp này lý do tại sao Nga lại bị lên án và cô lập", ông Borrell nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận