Tuy nhiên, sự hiện diện của "vốn Trung Quốc" ở Việt Nam trong nhiều lĩnh vực lại đang đặt ra nhiều dấu hỏi chưa có giải đáp thỏa đáng.
Vốn đầu tư Trung Quốc có nhiều loại, đầu tiên là FDI. Các nhà đầu tư Trung Quốc cũng đầu tư giống như các nhà đầu tư nước ngoài khác song lượng vốn chưa phải là nhiều. Vốn FDI từ Trung Quốc cũng có những lo ngại do những bất cập về vấn đề công nghệ, môi trường, đối xử lao động thiếu tuân thủ... Hay vốn FDI từ Trung Quốc chảy vào Việt Nam cũng không có những dự án tốt nhất, tập trung chủ yếu các lĩnh vực dệt may, hóa chất và khai khoáng...
Diễn biến đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam trong những năm gần đây không có gì đặc biệt, dù thời gian gần đây số vốn tăng lên. Nhưng có một điều ngạc nhiên khi chúng tôi thực hiện nghiên cứu về vốn đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam, truy tìm những dấu vết có liên quan đến dòng vốn Trung Quốc, thì sự hiện diện nhiều nhất lại nằm ở các hợp đồng EPC (thiết kế - cung ứng vật tư - thiết bị và xây dựng).
Cần chú ý rằng đây không phải là vốn đầu tư, và không liên quan đến vốn FDI của Trung Quốc vào Việt Nam. Đây là các hợp đồng đấu thầu mà Trung Quốc là nhà thầu với các dự án mà Việt Nam thực hiện. Dự án thầu đó có thể bắt nguồn từ nguồn vốn ODA của Trung Quốc dành cho Việt Nam, nguồn vốn tài trợ từ các nước khác, hoặc là dự án đầu tư của ngân sách nhà nước.
Một điều đáng ngạc nhiên hơn nữa, khi chúng tôi rà soát các số liệu liên quan đến vốn FDI hay là vốn ODA từ Trung Quốc (bao gồm cả dòng vốn liên quan đến các hợp đồng EPC), đều rất khó tìm được số liệu minh bạch và đáng tin cậy.
Chúng tôi có thể tìm được số liệu vốn vay ODA từ các nước Nhật Bản hay Hàn Quốc, còn số liệu ODA từ Trung Quốc thì được cho là "nhạy cảm".
Ngoài ra, dòng vốn đầu tư gián tiếp, tức là vốn của người Trung Quốc mua lại công ty và tài sản Việt Nam, dù có nhiều câu chuyện đồn đoán về việc người Trung Quốc mua lại công ty Việt Nam, hoặc lập công ty, đội lốt công ty Việt Nam để gia tăng sự hiện diện, song cũng chưa thể có được số liệu đầy đủ.
Rõ ràng, những điều này gây ra sự hạn chế trong nghiên cứu và khó để tạo ra một kết luận khách quan hơn về dòng vốn Trung Quốc tại Việt Nam.
Từ trước đến nay chúng ta luôn có những định kiến hoặc mặc định hay những lời đồn thổi về những tác động xấu của dòng vốn Trung Quốc ở Việt Nam. Nhưng để tìm ra lời giải cho công bằng và khách quan, rất khó do không thể tiếp cận được số liệu từ cơ quan chức năng.
Nhìn từ các hợp đồng EPC hay dòng vốn FDI có liên quan đến vốn Trung Quốc, cho thấy vai trò quyết định của chính người Việt Nam về lựa chọn nhà thầu, dòng đầu tư là rất quan trọng. Có những dự án chậm tiến độ, làm ảnh hưởng môi trường xung quanh. Đơn cử, khảo sát từ nghiên cứu với 25/86 dự án thủy điện, có 8 trường hợp chậm tiến độ là do nhà thầu và 5 trong số này có sự tham gia của nhà thầu Trung Quốc.
Chưa kể, các khoản vay và dự án thực hiện dưới hình thức EPC còn gây ra nhiều hệ lụy lâu dài cho Việt Nam như tham nhũng, tác động xã hội, phụ thuộc tài chính, môi trường và hiệu quả kinh tế thấp...
Không thể ngăn chặn dòng vốn và sự hiện diện vốn Trung Quốc ở Việt Nam, nhưng việc nâng cao hơn nữa trách nhiệm và vai trò của cơ quan quản lý, giám sát trong đầu tư, khi xây dựng dự án cần có kiểm soát chất lượng, tiêu chí phê duyệt và quản lý để có được dòng vốn chất lượng cao, tránh những hệ lụy lâu dài về sau.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận