Chiều mùng 5 tết ở quê nhà
Ngày... tháng hai...
Đầu tháng hai, vẫn là những cơn gió lạnh cắt da làm se sắt lòng người xa xứ. Đầu tháng hai, hiếm hoi lắm mới có chút nắng hanh hao bởi mây mù bàng bạc cả bầu trời mùa đông xám. Đầu tháng hai, bước chân ra ngoài vẫn là áo lạnh dày, mũ len thật ấm, giày bốt cổ cao. Nhưng, mỗi ngày gỡ đi một tờ lịch, đọc những dòng tin tức trên mạng, mình biết rằng mùa xuân đang về ở quê nhà xa lơ xa lắc.
Đêm, ngủ chập chờn trong tiếng nhạc: "Hoa lá nở thắm đẹp làn môi hồng. Xuân đến rồi đây nào ai biết không..." mà mơ màng nhớ những ngày Tết quê nhà. Tết! Là bận rộn tất bật từ ngoài ngõ cho đến tận trong bếp. Tết! Là may quần áo mới để dạo phố ngày xuân. Tết! Là nôn nao cho những gặp gỡ yêu thương. Tết! Là hồi hộp đón chờ thời khắc Giao thừa thiêng liêng.
Ngày... tháng hai...
Tuyết rơi tầm tã từ khuya hôm qua cho đến cả ngày hôm nay. Bão tuyết dữ dội suốt ba ngày, mịt mờ, trắng xoá trời đất. Miệt mài dọn tuyết đến rã rời mà quên mất hôm nay đã là hai mươi bảy Tết. Xứ tuyết này, Tết trốn nơi nào nhỉ? Nỗi nhớ Tết càng da diết hơn. Thấp thoáng trong giấc mơ đêm ấy là màu vàng rực của mai, hồng tươi của mãn đình hồng nơi sân nhà mỗi độ Xuân về.
Mùng hai Tết,
11 giờ 10 khuya, từ trên cao nhìn xuống thấy lấp lánh ánh đèn thành phố. 11h30, máy bay tiếp đất. Cảm giác nôn nao, hồi hộp trong những ngày trước chuyển thành niềm vui vỡ oà. Mắt ươn ướt nhưng lòng rộn ràng niềm vui không gì tả nổi. Nhìn những chậu cúc, vạn thọ vàng tươi, câu Chúc mừng Năm mới nơi sân bay Tân Sơn Nhất, mình biết đã thực sự về "nhà". Quê hương chính là ngôi nhà lớn, ấm cúng và rộng mở mà ai ai cũng muốn tìm về. Đêm Xuân, Sài Gòn vẫn thức, rực rỡ ánh đèn, lung linh sắc màu.
Bước chân vào nhà, dường như bao nhiêu nhọc mệt đã vơi đi một nửa. Ăn khoanh bánh tét với thịt kho trứng, cắn củ kiệu giòn, xắn thêm miếng khổ qua hầm, thấy sao mà ngon lạ ngon lùng. Chỉ đơn giản vậy thôi nhưng quả là một sự đền bù xứng đáng sau một chuyến bay dài, phải đối diện với những thức ăn khó nuốt.
2h30, nằm trên chiếc giường quen thuộc thời con gái mà chờ sáng. Chẳng thể nào chợp mắt được.
Mùng ba Tết,
Hôm nay mình cùng với chị Ba cúng đưa Ông Bà. Thắp nhang trước bàn thờ Ba Mẹ, mùi hương trầm quyện trong không gian làm mình rưng rưng nước mắt. Ngồi yên lặng, nhắm mắt lại, ký ức như một dòng suối ngọt ngào đưa mình về những ngày Tết xa xưa có bà nội, có ba mẹ, anh hai, mỗi người một công việc sao cho ngày Tết được trọn vẹn đủ đầy. Giờ đây, những người thân yêu ấy đã mịt mờ, xa khuất...
Trưa, cái đầu gối dở chứng, đột nhiên đau điếng. Lại bong gân rồi. Có lẽ do mấy hôm trước, lơ đễnh bị trượt chân khi xúc tuyết, chưa kịp lành, giờ tái phát. Thế là đi cà nhắc về bên gia đình chồng để chúc Tết. Chị Mười "lì xì" một chai thuốc rượu gia truyền, em Trang tặng cho miếng băng quấn đầu gối. Chưa thoa nhưng dường như chân đã bớt đau thì phải?
5 giờ chiều, nhóm bạn học chung cấp hai đến nhà. Có những người hơn ba mươi năm rồi mới gặp lại nhau. Nét thanh xuân đã phai nhạt khá nhiều trên gương mặt, dấu vết thời gian và những lo toan in dấu trên khoé môi, đuôi mắt nhưng bọn mình vẫn nhận ra nhau. Nắm bàn tay xương xương của bạn, tíu ta tíu tít những câu chuyện nhắc nhớ kỷ niệm thuở mười lăm nhiều mơ mộng mà quên cả thời gian. Giật mình nhìn đồng hồ, đã hơn 10 giờ tối.
Mùng bốn, mùng năm Tết,
Suốt dọc con đường về miền Tây, nhiều ngôi nhà vẫn rực rỡ mai vàng trước sân. Cần Thơ - quê nội, Đồng Tháp - quê ngoại, về thắp thương trước mộ ông bà, cha mẹ mà lòng xuyến xao khó tả. Có đi xa mới quí lắm những lần được về quê, hít thật sâu mùi của cỏ, bước cẩn thận trên chiếc cầu ván bắc qua con rạch nhỏ, thích thú ngắm chị vịt xiêm lạch bạch, đàn gà con chạy quanh góc vườn, nâng niu những trái cam mật, trái quýt vàng, những nhánh bông trang đỏ thắm.
Cầu được ước thấy. Bữa cơm ở Cần Thơ có hai món mà mình tơ tưởng trong những ngày giáp tết nơi xứ người: mắm kho và cá lóc nướng. Chỉ thế thôi, không cầu kỳ mà sao đưa cơm quá chừng. Cao Lãnh lại "chiêu đãi" mình bằng hai món mứt đậm đà hương vị miền Tây: chuối khô ngào đường cay cay vị gừng, mứt mận giòn giòn, chua chua ngọt ngọt.
Chiều mùng năm, chia tay Cao Lãnh về lại Sài Gòn. Tình quê hương thêm nặng sâu với những cây trái miệt vườn làm quà tặng cho người ở xa. Đi trên Quốc lộ 62 xuyên qua Đồng Tháp Mười, ngắm những cánh đồng lúa bạt ngàn, những ao sen hồng, chợt nhớ câu ca dao: "Đồng Tháp Mười cò bay thẳng cánh. Nước Tháp Mười lóng lánh cá tôm".
Nhìn nhiều chiếc xe máy cùng chạy về hướng Sài Gòn, trên xe chất đầy ba lô, túi xách, có cả những em bé được mẹ bế trên tay, mình biết Tết đã... hết rồi. Ngày mai, mùng sáu, cuộc sống sẽ trở lại với guồng quay mỗi ngày, tất bật cùng cơm áo gạo tiền và biết bao nỗi lo cho cuộc mưu sinh. Nhưng chắc chắn, những người ấy đã trải qua những ngày vui xuân đầm ấm cùng gia đình, và đó là động lực để họ nghĩ về một tương lai đẹp hơn.
Còn mình, kẻ trốn mùa đông giá rét xứ người về lại quê hương để hưởng mùa Xuân muộn, dường như thấy Tết vẫn còn lâu lắm ở trong lòng. Bởi, sẽ còn nhiều gặp gỡ tiếp theo với những người thân thương khác và họp mặt nào mà chẳng vui như Tết?
Cứ mỗi độ xuân về, kỷ niệm về cái Tết lại ùa về trong mỗi chúng ta. Tết trong tôi là hương của chiếc áo mới. Tết của bạn là những những bao lì xì. Tết của những ai xa quê là mong về đoàn tụ bên gia đình, người thân...
Những thứ ấy đã trở thành kỷ niệm đẹp, không cần hồi tưởng, nó vẫn cứ ùa về trong nỗi nhớ miên man.
Tết, cũng có thể không chỉ là kỷ niệm, mà còn là những chiêm nghiệm, suy nghĩ về bản thân, những điều cần làm, những yêu thương, dự định cần thắp lên.
Xuân Mậu Tuất sắp đến, nhằm ghi lại những ký ức đẹp và chia sẻ những suy nghĩ,Tuổi Trẻ Online kính mời bạn viết bài với chủ đề 'Tết của tôi 'cho chuyên mục Bạn đọc làm báo.
Bài viết không giới hạn về thể loại bao gồm: văn xuôi, văn vần, thơ... có độ dài tối đa 1200 từ (có thể kèm theo clip, hình ảnh). Những bài viết khi đăng sẽ được trả nhuận bút.
Mọi thư từ, bài viết xin vui lòng gởi về: tetcuatoi@tuoitre.com.vn.Thông tin bạn đọc, số tài khoản.. xin ghi rõ dưới bài viết. Chân thành cảm ơn!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận