Chân dung Phạm Thị Hảo - Ảnh: FB nhân vật
Phạm Thị Hảo, 19 tuổi, quê Tuyên Quang, du học sinh trở về từ Hàn Quốc, vừa kết thúc thời gian cách ly tại Trung tâm bồi dưỡng quốc phòng an ninh, Trung đoàn Bộ binh 971, Bộ chỉ huy quân sự Đà Nẵng.
Trên trang Facebook cá nhân, Hảo vừa đăng tập ảnh về sinh hoạt 14 ngày trong khu cách ly cùng những tâm tư, tình cảm mà cô nhận được từ đội ngũ y bác sĩ và cán bộ, chiến sĩ Đà Nẵng dành cho mình và mọi người.
Trong tập ảnh 18 bức là những ký họa từ ảnh chụp của cô về những cảnh vật và con người qua lăng kính cá nhân đầy cảm xúc. Đó là hình ảnh cành lá bàng tĩnh lặng dưới ánh đèn đêm, phần cơm theo tiêu chuẩn bộ đội, một bà mẹ vất vả chăm 2 con trong khu cách ly hay những cuộc gặp gỡ, quen thân giữa những con người xa lạ.
Hơn hết vẫn là hình ảnh những cán bộ y tế, quân đội coi sóc khu cách ly với tinh thần trách nhiệm và đầy tình nghĩa.
"Chúng tớ có rất nhiều chuyện để nhớ, để kể. Nhưng nhớ nhất vẫn là những khó nhọc của mọi người ở đây. Sự chân thật của họ khiến chúng tớ chẳng thể nào quên" – Hảo nói.
Phần bìa cuốn sách ảnh của Phạm Thị Hảo - Ảnh: FB nhân vật
Trước giờ lên đường về quê, Hảo chia sẻ trên trang cá nhân nhiều tâm sự:
"Vỏn vẹn 14 ngày cách ly tại Đà Nẵng. Tất cả mọi người ở đây, chẳng ai ngờ được chúng ta sẽ gặp nhau trong hoàn cảnh này. Một chút lo sợ bị nhiễm bệnh, một chút bồi hồi vì trở về quê hương. Đối với tớ, 14 ngày được sống với cái nắng gắt gỏng ở Đà Nẵng là 14 ngày yên bình nhất từ trước đến giờ. 5 giờ sáng mỗi ngày lại nghe thấy tiếng kẻng báo thức, tiếng radio vang khắp khu cách ly. Là mỗi sáng xịt khử trùng mà như chạy giặc, cùng nhau đoán xem bữa sáng, trưa tối có gì. Là Đà Nẵng đã luyện một đứa sợ ăn cá như tớ được ăn đầy đủ cá ngày 2 bữa sáng tối không trừ một bữa nào.
Cơm ngon, đầy ăm ắp mà quá nhiều, nhường cơm người này người kia nhưng chẳng dám bỏ cơm vì tôn trọng người nấu. Là những lúc mất nước phải vào nhà tắm nam xách nước lên phòng. Là bắt wifi chùa vào 6h tối. Là nói chuyện với nhau, chơi đùa với nhau mà chẳng biết mặt nhau. Qua lớp khẩu trang là tiếng nói, chúng tớ giao tiếp với nhau khi đeo khẩu trang.
Là tự nhiên thấy yêu nước, yêu cái cách nói chuyện chân chất ở đây, yêu cách được giả giọng miền Trung miền Nam bị mọi người trêu đùa. Là khi bên ngoài kia với biết bao nhiêu công việc khác nhau, nhưng điều những người ở đây chọn là bảo vệ công dân, bảo vệ tổ quốc. Tớ sẽ chẳng quên được đâu, Đà Nẵng trong tim tớ. Đẹp nhẹ nhàng mà chân thành biết bao. Cảm ơn và xin lỗi nơi này vì tất cả. Cầu mong mọi người ở đây luôn hạnh phúc, bình an.
Đà Nẵng 12/03/2020.
Ngày cách ly cuối cùng".
Cây bàng tĩnh mịch dưới ánh đèn đêm trong khuôn viên khu cách ly
Tại đây, những người xa lạ đã gặp gỡ và quen thân nhau thành tình bạn đẹp
Người mẹ 2 con vất vả trong khu cách ly
Chú bộ đội trông coi khu cách ly kiêm shipper cho mọi người
Công việc tuyên truyền trong khu cách ly cũng lắm vất vả
Hai anh chị bác sĩ chuẩn bị trang phục khám bệnh và... cầu trời cho mấy đứa không nhiễm corona
Chân dung bác "khủng long diệt khuẩn" mà mỗi lần nhìn thấy là các cháu rất vui
Bữa sáng đầu tiên trong khu cách ly là chiếc bánh mì "gây thương nhớ"
Có bạn còn được ở cả phòng chính trị viên rất oách
Mỳ Hảo Hảo cũng là một món "gây thương nhớ" vì trùng tên tác giả
Bữa ăn trong khu cách ly đủ rau, cá, thịt kho trứng, cơm, canh
Chụp lén các anh nuôi đã nấu đồ ăn ngon
Nhà ăn nơi phục vụ ngày 3 bữa cho khu cách ly
Các sòng bài được lập ra trong khu cách ly để giết thời gian
Các chị dặn rửa tay thường xuyên sẽ "bye" corona
Ngày đo nhiệt độ 2 lần kèm thêm khẩu trang, corona cũng sợ
Dòng chữ ghi lại lời cảm ơn của Hảo - Ảnh: FB nhân vật
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận