19/03/2020 15:35 GMT+7

'Nhân viên đặc biệt' phục vụ người cách ly

TTXVN
TTXVN

TTO - 'Tâm An phục vụ cho bạn đây', 'Xin vui lòng mở cửa', 'Cám ơn'… những âm thanh quen thuộc vang lên khiến không khí ở khu cách ly Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 trở nên vui vẻ hơn.

Nhân viên đặc biệt phục vụ người cách ly - Ảnh 1.

Robot Tâm An có thể tiếp xúc trực tiếp, phục vụ cho người bệnh - Ảnh: TTXVN

"Quản gia phục vụ" mang tên "Tâm An" lần lượt vận chuyển các suất ăn và thuốc đến các phòng bệnh trong sự hài lòng của những người cách ly.

Ngay từ khi cụm từ "bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona" vừa xuất hiện tại Việt Nam, đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế đã có những chuẩn bị kỹ lưỡng, ứng phó với dịch bệnh.

Riêng thạc sĩ Huỳnh Phúc Minh, trưởng đơn vị quản lý dịch vụ buồng bệnh Bệnh viện Trung ương Huế, nảy ra ý dùng robot phục vụ người bệnh, vừa để hỗ trợ người bệnh vừa giúp giảm áp lực cũng như đảm bảo sức khỏe cho những nhân viên y tế.

Ý tưởng ấy ngay lập tức được GS.TS, giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế Phạm Như Hiệp tán thành và giúp sức. Tuy chế tạo không là chuyên môn của bản thân, nhưng với tinh thần ham học hỏi, anh Minh đã tìm hiểu, nghiên cứu thêm về điện tử để hoàn thành chú robot "Tâm An" sau 2 tháng thực hiện và nhanh chóng đưa vào sử dụng.

Từ khi robot "Tâm An" bắt đầu hoạt động, nó đã phát huy được nhiều thế mạnh của mình, trở thành một nhân viên y tế đặc biệt giải quyết một phần công việc vất vả của các y, bác sĩ trong mùa dịch đối với việc chăm sóc người bệnh.

Nhân viên đặc biệt phục vụ người cách ly - Ảnh 2.

Thạc sĩ Huỳnh Phúc Minh (áo đen) chế tạo robot Tâm An - Ảnh: TTXVN

"Nhỏ gọn, dễ sử dụng, có thể điều khiển từ xa bằng giọng nói, trao đổi thông tin giữa người bệnh và hướng dẫn viên bên ngoài là những thế mạnh dễ nhận thấy từ robot quản gia phục vụ này", điều dưỡng viên Hồ Thị Mỹ Duyên cho hay.

Cũng như chị Duyên, nhiều y, bác sĩ tại Bệnh viện Trung ương Huế tỏ ra thích thú hơn từ khi robot này xuất hiện; nguy cơ lây nhiễm bệnh được hạn chế, giảm bớt lượng công việc căng thẳng cho đội ngũ nhân viên áo trắng nơi đây. 

Họ còn cho rằng âm thanh và sự đi lại thường xuyên của robot "Tâm An" khiến không khí chữa bệnh nơi đây trở nên vui vẻ hơn, giảm bớt tâm lý lo lắng của những người bệnh.

Robot "Tâm An" với cấu tạo đơn giản, cải tiến từ 2 bộ phận chính là xe đồ chơi trẻ em lắp chip tự động điều khiển và thùng chứa 4 ngăn nhỏ gọn, có thể thực hiện tốt vai trò của mình. Trong phạm vi 50m, robot có thể được điều khiển để vận chuyển nhanh chóng 50 - 60kg thức ăn, thuốc men, vật dụng đến các phòng bệnh. 

Ngoài ra, chú robot này còn mang lại lợi ích kinh tế thiết thực khi tiết kiệm được nhiều vật tư thiết bị bởi nó được chế tạo bằng những bộ phận dễ tìm kiếm như môtơ, ắcquy, loa, màn hình quan sát camera kết nối Internet bằng wifi…

Sau khi vật phẩm được đặt trong thùng chứa, robot "Tâm An" được điều khiển phủ sóng cao tầng 2.4 Ghz thông qua bộ điều khiển trên máy tính bảng. Camera kết nối giúp người điều khiển có thể theo dõi được hành trình của robot; đồng thời giao tiếp, theo dõi bệnh nhân, người bị cách ly thông qua nhân viên y tế đặc biệt này. 

Với bộ phận cảm biến, robot có thể di chuyển mọi hướng, linh hoạt tránh vật cản, "luồn lách" lối đi hẹp dễ dàng với kích thước nhỏ gọn của mình. Khi tiếp cận gần đến bệnh nhân, robot sẽ phát âm thanh báo nhận đồ.

Tiếp cận gần gũi suốt thời gian cách ly, robot "Tâm An" đã trở thành người bạn thân thuộc với 7 bệnh nhân và người cách ly tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2. Không lâu nữa, sẽ có thêm một nhân viên y tế đặc biệt mới cùng robot "Tâm An" chăm sóc tận tình cho họ.

"Chúng tôi đang trong giai đoạn chế tạo thêm một chú robot với nhiều tính năng mới và cải thiện hình thức so với "Tâm An". Hi vọng trong thời gian tới, khi tình hình dịch bệnh chuyển biến nhanh, hai robot sẽ làm hết công suất để thực hiện "sứ mệnh" cao cả của mình", thạc sĩ Huỳnh Phúc Minh bày tỏ.

Đề xuất chế tạo robot phục vụ người cách ly do COVID-19 Đề xuất chế tạo robot phục vụ người cách ly do COVID-19

TTO - Tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Khoa học và công nghệ ngày 17-3, GS.TS Nguyễn Văn Kính - nguyên giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, và một số nhà khoa học đã đề xuất chế tạo robot phục vụ người cách ly do COVID-19.

TTXVN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên