13/03/2022 08:10 GMT+7

'Nhân tố' Belarus trong cuộc chiến ở Ukraine

HẢI MINH
HẢI MINH

TTO - Hai nhà lãnh đạo Nga và Belarus vừa gặp nhau, trong bối cảnh tin tức từ Ukraine và phương Tây cho rằng Minsk có thể sẽ tham chiến trực tiếp bằng cách điều máy bay hỗ trợ Nga hoặc thậm chí đưa cả bộ binh vào cuộc.

Nhân tố Belarus trong cuộc chiến ở Ukraine - Ảnh 1.

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại hội đàm ngày 11-3 - Ảnh: AFP

Hãng tin Nga TASS ngày 11-3 cho biết hai tổng thống Alexander Lukashenko (Belarus) và Vladimir Putin (Nga) đã gặp nhau ở Matxcơva, để "đồng ý về mặt ý tưởng những bước đi ủng hộ nhau giữa các lệnh cấm vận".

"Chúng ta không cần họ"

Theo đó, ông Putin đồng ý "cung cấp các trang thiết bị quân sự hiện đại cho Minsk". "Trong cuộc gặp, hai bên tập trung vào việc phát triển phức hợp quân sự - công nghiệp và nền quốc phòng của nhà nước liên minh (tức tổ chức siêu nhà nước Nga - Belarus được thành lập vào năm 1997, với chức vụ chủ tịch Hội đồng Nhà nước tối cao hiện do ông Lukashenko đảm nhiệm từ năm 2000 - PV)", Hãng tin nhà nước Belarus BelTA đưa tin.

Thư ký báo chí của ông Lukashenko, bà Natallia Eismant, nói một trong những chủ đề thảo luận chính của hai nhà lãnh đạo là tiến triển của các cuộc thương thuyết đang diễn ra ở Belarus cũng như quan điểm của các phía Nga và Ukraine.

Theo Đài RT (Nga), ông Putin nói đã có một số "diễn tiến tích cực" trong cuộc hòa đàm nói trên, đến nay do Belarus làm chủ nhà. Trao đổi với người đồng cấp, ông Putin cam kết sẽ thông tin cho ông Lukashenko về "tình hình xoay quanh Ukraine, trước hết và quan trọng nhất là các cuộc đàm phán đang diễn ra thế nào và hiện trao đổi (giữa Nga và Ukraine) diễn ra hằng ngày".

Ông Putin còn ca ngợi sự hợp tác giữa Matxcơva và Minsk, cho biết ông và người đồng cấp Belarus "thường xuyên gặp gỡ, trao đổi thông tin qua điện thoại và điều chỉnh các quyết định của chúng tôi".

Theo ông Putin, các lệnh trừng phạt là cơ hội để Nga tăng cường chủ quyền công nghệ và kinh tế. Đáp lại, ông Lukashenko nói Belarus có đầy đủ mọi thứ nước này cần để khôi phục kinh tế sau các lệnh cấm vận. "Chúng ta không cần họ, chúng ta có đủ mọi thứ để tiếp tục cuộc sống và công việc bình thường", ông Lukashenko nói.

"Láng giềng"

Trong khi đó, ngày 11-3 quân đội Ukraine cáo buộc Belarus có thể đang lên kế hoạch tấn công lãnh thổ Ukraine và Nga đang lôi kéo đồng minh vào cuộc bằng cách dàn dựng các chiến dịch không kích Belarus từ không phận Ukraine mà hiện Nga có quyền kiểm soát ưu thế.

Belarus đã là điểm trung chuyển quan trọng cho quân đội, tên lửa, máy bay và thiết bị quốc phòng Nga ở mặt trận phía bắc, hướng tiếp cận thủ đô Kiev của Ukraine, suốt từ khi chiến sự bùng nổ ngày 24-2.

Tuần trước, ông Lukashenko còn khẳng định Belarus sẽ không tham gia "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga ở Ukraine, theo Reuters. Tuy nhiên, Ukraine cáo buộc Matxcơva "đang làm tất cả những gì có thể" để lôi kéo Belarus tham gia trực tiếp.

"Chúng tôi cũng hiểu Chính phủ Belarus đã làm tất cả để tránh không phải tham chiến", Reuters dẫn lời Thứ trưởng Nội vụ Ukraine, Yevheniy Yenin, nói ngày 11-3.

Ông Oleksiy Danilov, thư ký Hội đồng An ninh quốc gia và Hội đồng Quốc phòng Ukraine, nói Kiev cho tới giờ đã kiềm chế với Belarus dù Nga sử dụng lãnh thổ nước này để tấn công Ukraine, nhưng ngày 11-3 cảnh báo "chỉ cần một người lính Belarus bước qua biên giới thì chúng tôi sẽ đánh lại".

Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi: "Tôi muốn các láng giềng chung của chúng tôi lắng nghe những lời này, hỡi các bạn Belarus. Chúng ta phải gìn giữ hòa bình giữa những người anh em, giữa những láng giềng, giữa những người máu mủ, và chúng ta chắc chắn sẽ làm được".

Belarus là quốc gia không có biển với 9 triệu dân, có biên giới dài hơn 1.100km với Ukraine. Về chiến lược, Belarus có vai trò rất quan trọng với Nga. Đó là một hướng tiến quân chính của Nga từ 24-2 để bao vây Kiev.

Tháng 9-2021, ông Lukashenko đồng ý cho Nga đưa trang thiết bị quân sự, gồm máy bay trực thăng và các hệ thống phòng không, tới biên giới Belarus - Ukraine.

Tháng 11-2021, ông công nhận Crimea là lãnh thổ của Nga, sẵn sàng tiếp nhận vũ khí hạt nhân của Nga nếu NATO đưa vũ khí hạt nhân của họ từ Đức sang Đông Âu để tiến sát Nga hơn (kế hoạch được nhắc lại vào ngày 27-2 vừa rồi).

Nga: Vô hiệu hóa sân bay quân sự ở Vasylkiv và một trung tâm tình báo lớn của Ukraine Nga: Vô hiệu hóa sân bay quân sự ở Vasylkiv và một trung tâm tình báo lớn của Ukraine

TTO - Theo người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov, sáng 12-3, Nga đã thực hiện một cuộc tấn công bằng vũ khí tầm xa. Sân bay quân sự ở Vasylkiv và một trung tâm tình báo vô tuyến lớn của Ukraine ở Brovary đã bị vô hiệu hóa.

HẢI MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Nga Ukraine Belarus