Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV khởi họp cũng là lúc người dân miền Trung oằn mình chống đỡ thiên tai. Chúng ta đau xót, quặn thắt khi bất lực nhìn mẹ thiên nhiên giận dữ và cũng là lúc giật mình nhận ra những tác động của con người khi san núi, phá rừng và nay phải trả giá.
Tâm trạng đau xót, bất lực đã chuyển thành những tiếng nói cần thiết lên tiếng chất vấn các thành viên Chính phủ tại kỳ họp Quốc hội. Những vấn đề nóng như ngăn chặn tàn phá rừng, cân nhắc giữa phát triển và bảo vệ môi trường, có hay không tiếp tục làm thủy điện nhỏ... một lần nữa được nhiều đại biểu chất vấn liên tục, sâu đến cùng.
Và rồi các thành viên Chính phủ cũng phần nào thừa nhận những hạn chế trong quản lý lĩnh vực bảo vệ môi trường, từ đó đưa ra những giải pháp sắp tới để "tạ lỗi" nhằm hạn chế những cơn cuồng nộ của thiên nhiên.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định không đánh đổi môi trường lấy kinh tế. Chúng ta có quyền lên tiếng truy trách nhiệm của các cơ quan quản lý trong bảo vệ môi trường. Nhưng chỉ truy do thủy điện, cho phá rừng... có lẽ chưa kể đủ hết các nguyên nhân đang góp phần tàn phá môi trường sống của chúng ta.
Tình trạng tàn phá môi trường có ở khắp nơi, không chỉ trên rừng, dưới biển, đâu chỉ là thủy điện, là khai thác tài nguyên... Còn đó những bãi biển, dòng sông bị bức tử ngập ngụa rác thải nhựa. Còn đó thói quen xài đồ nhựa, mỗi ngày có hàng chục ngàn tấn rác thải nhựa được thải ra. Rồi sử dụng lãng phí điện, nước...
Cần nhớ rằng điện mà chúng ta đang sử dụng phần nhiều từ thủy điện. Và để có thủy điện, cây rừng phải ngã xuống, hồ đập mọc lên... Để có điện giá rẻ, hàng loạt nhà máy nhiệt điện thi nhau nhả khói lên trời...
Ai cũng hiểu con người đang tàn phá môi trường, bức tử thiên nhiên. Nhưng bấy nhiêu đó chưa đủ. Phải biến nhận thức thành hành động. Phải nói không với những dự án bức tử môi trường.
Quan điểm không đánh đổi môi trường lấy kinh tế được hiển hiện khắp nơi. Làm sao cho người dân thấy các dự án mọc lên không gây hại đến môi trường. Các cơ quan chức năng phải đi đầu, nhìn xa, trông rộng hơn để hạn chế thấp nhất những hành vi con người "khai thác" thiên nhiên.
Có làm tốt việc này mới tạo ra sự cộng hưởng từ xã hội, từ mỗi cá nhân để tất cả cùng có trách nhiệm trước hết là bảo vệ, sau đó là cải thiện môi trường, thúc đẩy mọi người điều chỉnh hành vi của mình, chuyển sang tiêu dùng xanh sạch...
Chỉ khi mọi người cùng có trách nhiệm, môi trường mới không bị lạm dụng, mới giảm dần được những đau thương, mất mát do thiên nhiên nổi giận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận