20/12/2022 12:00 GMT+7

Nhận giấy báo đỗ đại học, cô bé mồ côi lặng lẽ khóc trong góc nhà

CÔNG TRIỆU
CÔNG TRIỆU

Trần Thị Hoàng Yến đã thôi oán trách số phận, cũng không để tâm đến những nghiệt ngã đổ xuống gia đình mình nữa.

Nhận giấy báo đỗ đại học, cô bé mồ côi lặng lẽ khóc trong góc nhà - Ảnh 1.

Vừa vào TP.HCM, Hoàng Yến đã bắt đầu công việc gia sư tiếng Anh online để trang trải cuộc sống - Ảnh: C.TRIỆU

Giờ đây, nữ sinh mồ côi quê Quảng Ngãi ấy đang mỉm cười với cột mốc khác của cuộc đời, làm tân sinh viên Trường ĐH Ngoại thương cơ sở II TP.HCM.

Những đứa con mồ côi

Căn trọ ọp ẹp trên đường số 15 ở phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức (TP.HCM) là nơi Yến cùng chị gái Trần Cẩm Nhung đang thuê ở. Năm Yến vừa chập chững biết đi, mẹ em đổ bệnh rồi không lâu sau bà qua đời vì ung thư tuyến tụy. Nỗi đau mất mẹ của đứa bé 3 tuổi khi ấy không quá rõ ràng, chỉ nghe mọi người kể lại Yến đã khóc rất nhiều vì gọi mãi mà mẹ chẳng tỉnh dậy.

Mảnh đất cằn cỗi không đủ nuôi sống gia đình. Cha Yến để hai cô con gái ở lại quê rồi vào Đắk Lắk làm thuê kiếm sống, vì sợ nếu theo ông, việc học của hai con sẽ khó khăn. Chị em thi thoảng gặp cha qua điện thoại, dịp lễ tết.

Thế rồi một ngày, Yến về nhà sau buổi học chiều, thấy hàng xóm tập trung rất đông ở nhà mình. Cô học trò lớp 6 nhớ như in lời xì xào: "Đang làm rẫy thì ngã quỵ, nghe đâu bị ung thư phổi". Vậy rồi không bao lâu sau đó, chị em Yến mãi mãi mất đi điểm tựa cuối cùng, trở thành những đứa trẻ mồ côi.

Cô gái đan hai bàn tay vào nhau khi nhắc về gia đình. Bà nội một mình ở quê đã 76 tuổi nhưng vẫn ra đồng trồng rau, trồng chuối. 

Yến nhớ mùa đông của nhiều năm trước, nghe dự báo trận bão không ảnh hưởng nhiều đến Quảng Ngãi, vậy mà giữa đêm mưa, gió rít thổi bay mái ngói nhà trên. Nước xối xả giội xuống, bà nội tất tả dọn đồ đạc, Yến vừa khóc vừa ôm đống sách vở nặng trịch nước phơi lên thành cửa sổ trong cảnh đêm tối hù vì mất điện.

Dù tương lai là điều khó nói trước nhưng chắc chắn có thế nào mình cũng sẽ không bỏ cuộc. Mình tin ở nơi nào đó, ba mẹ cũng sẽ ủng hộ mình.

TRẦN THỊ HOÀNG YẾN

Không bỏ cuộc

Mồ côi từ nhỏ làm Yến cũng trưởng thành hơn đám bạn. Mọi người ở thị trấn Mộ Đức quen gọi Yến là "đứa trẻ tội nghiệp" mỗi khi theo bà nội ra chợ bán rau, lá chuối mỗi sáng. 

Nhưng Yến tự dặn mình không bao giờ khóc ở nhà vì bà thấy sẽ càng lo lắng. Gặp khó khăn quá, Yến tự động viên mình suy nghĩ tích cực, lao vào học để nội, cha mẹ và những người yêu thương mình yên lòng.

Ngày nào bạn cũng học đến khuya, có hôm gần 1h sáng hôm sau. 12 năm liền học giỏi. Kỳ thi tốt nghiệp THPT, Yến đạt 26,25 điểm (khối A1), 943/1.200 điểm kỳ thi đánh giá năng lực. Ngày nhận giấy báo đỗ vào ngành kế toán, Yến lẳng lặng ngồi vào góc nhà khóc ngon lành.

Bao khó khăn hiện ra trước mắt, nếu đi học, nội ở một mình, chẳng có ai phụ bà làm vườn, đi chợ, rồi nhỡ trái gió trở trời. Rồi chị gái cũng đang ở TP, nếu chỉ trông cậy vào vườn rau của nội là không thể và càng không thể nhận mãi sự giúp đỡ của mọi người...

Ngồi trước hiên phòng trọ trong cơn mưa tầm tã trái mùa, Yến ước mọi thứ đã qua chỉ là một giấc mơ, ước chi cha mẹ vẫn còn, nhưng thực tế không thể thay đổi. 

Chị gái đang là sinh viên năm 3 Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM. Hai chị em thuê trọ, tự nấu ăn để bớt chi phí, vì tiền trợ cấp trẻ mồ côi, tiền bà gửi hằng tháng chỉ đủ trả nhà trọ.

Có lần hết tiền, Yến mượn bạn 50.000 đồng. Một nửa Yến mua mì gói, mỗi bữa ăn nửa gói, phần còn lại để dành đi xe buýt đến trường. 

Để xoay xở, chị gái Yến đã đi làm thêm từ lúc mới đặt chân vào TP.HCM. Trước không có kinh nghiệm gì nên làm phục vụ quán ăn, sau làm gia sư, công việc văn phòng. Yến cũng vậy, hiện đang làm gia sư online cho một trung tâm tiếng Anh.

155 suất học bổng Tiếp sức đến trường ở điểm trao cuối cùng

Hôm nay 20-12, 155 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn sẽ được nhận học bổng Tiếp sức đến trường ở TP.HCM tại buổi lễ do báo Tuổi Trẻ và Thành Đoàn TP.HCM tổ chức. Trong đó có 89 tân sinh viên bảy tỉnh thành Đông Nam Bộ và 66 tân sinh viên các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, ĐBSCL đang học tập tại TP.HCM.

Mỗi suất học bổng trị giá 15 triệu đồng. Tổng kinh phí hơn 2,3 tỉ đồng được Hội tương trợ và hợp tác Đức - Việt (VSW), ông Dương Thái Sơn và những người bạn, Quỹ "Đồng hành nhà nông" (Công ty cổ phần phân bón Bình Điền), Quỹ khuyến học Vinacam (Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam), giáo sư Phan Lương Cầm (phu nhân cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt), hoa hậu Ban Mai và bạn đọc báo Tuổi Trẻ tài trợ.

Công ty TNHH Nestlé Việt Nam tài trợ quà tặng, Quỹ khuyến học Vinacam trao 10 laptop cho tân sinh viên đặc biệt khó khăn thiếu thiết bị học tập, Trung tâm Anh ngữ WESET tài trợ 30 suất học ngoại ngữ (600 triệu đồng).

Nhận giấy báo đỗ đại học, cô bé mồ côi lặng lẽ khóc trong góc nhà - Ảnh 5.

Hành trình 20 mùa Tiếp sức đến trường cho tân sinh viên khó khăn của báo Tuổi Trẻ - Đồ họa: NGỌC THÀNH

20 năm Tiếp sức đến trường: Nghịch cảnh tạo thêm sức mạnh 20 năm Tiếp sức đến trường: Nghịch cảnh tạo thêm sức mạnh

Mồ côi cha mẹ, làm thuê đủ thứ để kiếm sống, có ngày phải nhịn đói đi học, Vũ Minh Hùng rời quê ở tỉnh Kiên Giang lên TP.HCM chạm tới giấc mơ trở thành sinh viên.

CÔNG TRIỆU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên