20/12/2022 08:11 GMT+7

20 mùa Tiếp sức đến trường: Nghịch cảnh tạo thêm sức mạnh

DIỆU QUÍ
DIỆU QUÍ

Mồ côi cha mẹ, làm thuê đủ thứ để kiếm sống, có ngày phải nhịn đói đi học, Vũ Minh Hùng rời quê ở tỉnh Kiên Giang lên TP.HCM chạm tới giấc mơ trở thành sinh viên.

20 mùa Tiếp sức đến trường: Nghịch cảnh tạo thêm sức mạnh - Ảnh 1.

Trong căn nhà được cho ở nhờ tại TP.HCM, Vũ Minh Hùng làm thêm công việc cắt áo cũ để thợ may ra sản phẩm mới - Ảnh: D.QUÍ

Bạn đang là tân sinh viên ngành kinh doanh quốc tế Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Học ngành mình thích, kiếm được tiền nuôi ngoại và em gái là mơ ước lớn nhất của Hùng.

Mẹ đi vì căn bệnh thế kỷ

Chiều cuối tuần, trong căn nhà trên đường Phạm Thế Hiển (quận 8, TP.HCM), Hùng ngồi tỉ mẩn cắt hàng chục chiếc áo cũ để thợ lấy vải may thành vỏ áo gối. Đây là công việc Hùng thử sức làm thêm vài tháng nay để có tiền sinh hoạt kể từ lúc lên TP nhập học.

Quen làm "thợ đụng" từ nhỏ giúp Hùng nhanh nhẹn, việc gì cũng học khá nhanh và làm được hết. Vừa làm, Minh Hùng vừa kể về tuổi thơ của mình. 

Sinh ra trong một gia đình nghèo ở TP Rạch Giá (Kiên Giang), bạn sống cùng mẹ, bà ngoại và chị gái trong căn nhà thuê. Từ nhỏ Hùng đã không biết mặt cha, chỉ nghe "cha mất rồi" qua lời kể của mẹ.

Năm 2015, người mẹ cũng qua đời chỉ sau hai tháng phát hiện nhiễm HIV. Mẹ mất, chị em Hùng càng đi làm nhiều hơn vì ngoại đã lớn tuổi, còn phải nuôi cô em út cùng mẹ khác cha ăn học, đóng tiền thuê nhà, tiền thuốc men cho bé út.

Lúc ấy, mấy chị em còn nhỏ để hiểu rõ về căn bệnh này. Hỏi ngoại, nhưng bà cũng nhớ trước quên sau, phần cũng muốn giấu. Mẹ mất bảy năm rồi ngoại nói rõ sự thật về bệnh của mẹ, cả ba chị em mới đi test, và kết quả cô em út nhiễm HIV do lây truyền từ mẹ. 

"Mình thương em gái lắm, nó còn nhỏ chưa biết bệnh này là gì. Cũng may dù biết nó nhiễm HIV nhưng bà con ở xóm cũng thương không kỳ thị gì", Hùng nói.

Nhiều lúc thấy nhà khó khăn quá mình cũng muốn nghỉ học đi làm kiếm tiền nhưng phải học lên cao mới mong thay đổi số phận, giúp gia đình và những bạn có hoàn cảnh như mình. Mình lấy đó làm động lực tiếp tục vừa học vừa làm, không cho mình bỏ cuộc giữa chừng.

VŨ MINH HÙNG

Đi bộ, ôm bụng đói tới lớp

Ngày còn sống, mẹ Hùng làm công nhân ở Bình Dương. Để có tiền ăn học, phụ ngoại nuôi em, chị em Hùng phải lao vào đời sớm. Cả ba bà cháu làm đủ nghề, kiếm từng đồng mưu sinh. 

Cậu bé Hùng đã quen mặt ở xưởng cá từ bé. 4h sáng mỗi ngày, chị em Hùng theo bà ngoại đến đó cắt đầu cá rồi đem phơi. Tiền công mỗi kg cá cơm là 12.000 đồng, một ngày ba bà cháu làm được khoảng 20kg.

Hùng phải nhập hộ khẩu vào gia đình một người quen mới có thể tới trường. Cảnh nhà thiếu trước hụt sau, chị hai dù rất ham học song đã xin nghỉ để đi làm, nhường cơ hội đến trường cho em trai với lời dặn "Em ráng học, để chị với ngoại làm kiếm tiền cho em đi học".

Năm cấp I và II, một buổi học ở trường, buổi còn lại Hùng đi làm. Hùng làm đủ thứ, bán vé số, giữ xe, phụ ngoại bán trái cây, rau muống ở chợ, bán hàng online, phục vụ, pha chế tại quán cà phê. 

"Hôm nào người ta trả lương không kịp hoặc giữ lương lại, cả nhà không có gì ăn vì làm bữa nào ăn bữa đó. Có bữa mình phải nhịn đói đi học hoặc xin vắng do làm xong, đi bộ tới lớp rồi học cả ngày cũng không còn sức nữa", Hùng kể.

Từng có thời gian Hùng làm ở lò mổ heo gần nhà từ 2h đến 4-5h sáng, dọn vệ sinh, tắm heo rồi sáng đi học luôn. Lò mổ cách trường gần 10km, lại không có xe đạp nên Hùng phải đi bộ đến trường. Nhiều lần, bạn học cười chọc Hùng "người có mùi heo".

Quả ngọt cho sự nỗ lực

Đi làm suốt, không có thời gian mà cũng chẳng có tiền nên Hùng toàn tự học chứ chưa từng biết học thêm là gì. Quả ngọt cho những nỗ lực không mệt mỏi ấy là 24,8 điểm cho tổ hợp ba môn toán, ngữ văn, tiếng Anh, Hùng đậu ngành kinh doanh quốc tế vì rất mê kinh doanh, thích giao lưu, học hỏi với các nước.

Vui mừng là vậy, song học phí quá cao (hơn 60 triệu đồng/năm) khiến cậu lo lắng. "Được giảm một phần học phí và tới giờ mình chỉ mới đóng được 10 triệu đồng do một cô làm ở công tác xã hội giúp đỡ", Hùng nói, không giấu được sự lo lắng khi nghĩ về chặng đường sắp tới.

Chị hai cũng đã có gia đình riêng, cũng không giúp gì được nhiều. Ngoại nay gần 70 tuổi, mỗi ngày vào giúp nhà thờ một số việc, cuối tháng nhận lại chút tiền, thêm vài thứ nhu yếu phẩm. Đỡ cái từ ngày lên TP.HCM học, Hùng không tốn tiền thuê trọ do được bà Nguyễn Thị Công Ngọc Hoàng, từng làm hiệu trưởng trường tiểu học mà Hùng theo học hồi trước, cho ở cùng tại quận 8.

Đồng hành, hỗ trợ Hùng hơn 15 năm qua, bà Hoàng nói đã từng làm việc tại xưởng cá cùng mấy bà cháu Hùng dù chỉ một tuần nhưng biết đó là cậu bé có ý chí mãnh liệt. Chưa bao giờ bà nghe Hùng than một câu dù cuộc sống cơ cực trăm bề.

"Đậu đại học là phần thưởng xứng đáng cho nỗ lực và sự thông minh của em. Tôi nhớ nhất hình ảnh Hùng đội mớ rau muống của ngoại mới hái ngoài đồng ra chợ bán, vừa đi vừa nhảy chân sáo. Dù cực khổ nhưng em ấy luôn lạc quan, lúc nào cũng cười", bà Hoàng chia sẻ.

155 suất học bổng Tiếp sức đến trường ở điểm trao cuối cùng

Hôm nay 20-12, 155 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn sẽ được nhận học bổng Tiếp sức đến trường ở TP.HCM tại buổi lễ do báo Tuổi Trẻ và Thành Đoàn TP.HCM tổ chức. Trong đó có 89 tân sinh viên bảy tỉnh thành Đông Nam Bộ và 66 tân sinh viên các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, ĐBSCL đang học tập tại TP.HCM.

Mỗi suất học bổng trị giá 15 triệu đồng. Tổng kinh phí hơn 2,3 tỉ đồng được Hội tương trợ và hợp tác Đức - Việt (VSW), ông Dương Thái Sơn và những người bạn, Quỹ "Đồng hành nhà nông" (Công ty cổ phần phân bón Bình Điền), Quỹ khuyến học Vinacam (Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam), giáo sư Phan Lương Cầm (phu nhân cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt), hoa hậu Ban Mai và bạn đọc báo Tuổi Trẻ tài trợ.

Công ty TNHH Nestlé Việt Nam tài trợ quà tặng, Quỹ khuyến học Vinacam trao 10 laptop cho tân sinh viên đặc biệt khó khăn thiếu thiết bị học tập, Trung tâm Anh ngữ WESET tài trợ 30 suất học ngoại ngữ (600 triệu đồng).

Ở nhà bà Hoàng, Minh Hùng được dạy vắt sổ, ủi hoặc cắt những chiếc áo cũ ra để thợ may thành một số sản phẩm khác. Tiền công mỗi giờ là 20.000 đồng, rảnh lúc nào Hùng làm lúc đó.

Anh chàng dự định sẽ tìm thêm việc khác nữa, cố gắng dành dụm để gửi về quê phụ ngoại chăm em. "Để thấy được bình minh trước đó phải trải qua đêm tối rất dài. Mình lấy đó làm chân lý sống, tin rằng ngày mai sẽ tốt hơn", chàng trai kiên cường cho biết.

20 mùa Tiếp sức đến trường: Nghịch cảnh tạo thêm sức mạnh - Ảnh 6.

Hành trình 20 năm Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ dành cho tân sinh viên - Đồ họa: NGỌC THÀNH

Không học sao dám mơ bay xa Không học sao dám mơ bay xa

TTO - Giấy báo nhập học gửi về điện thoại, cô bé đã không kìm được nước mắt hạnh phúc. Nhưng nếu em không được tiếp sức đến trường, niềm vui lại tắt nhanh khi ám ảnh của cái nghèo ập tới, thước phim có thể đứt gãy đường học như bao lần.

DIỆU QUÍ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên