Vì sao Trần Mai Ngọc được hâm mộ?
Chiều 14-5, Anh Hoàng - Mai Ngọc thi đấu xuất sắc để mang về tấm huy chương vàng bóng bàn đôi nam nữ ở SEA Games 32. Một chiến tích sẽ còn được ghi nhớ trong nhiều năm sau nữa của làng banh nhựa Việt Nam.
Sau trận chung kết, các đồng đội ở tuyển bóng bàn lần lượt kéo về làng vận động viên. Còn Mai Ngọc phải mất khoảng 2 giờ đồng hồ sau mới hoàn tất thủ tục xét nghiệm doping. Chờ đợi cô bên ngoài là một nhóm tình nguyện viên xin được chụp ảnh cùng.
Dáng người mảnh khảnh, mái tóc cắt ngắn, điệu bộ khá vụng về khi đứng ngoài sân đấu, Trần Mai Ngọc thoạt trông như một cô bé "tomboy" (chỉ những cô gái có dáng dấp như con trai). Nhưng đồng thời cô lại rất xinh xắn với đôi mắt to tròn, cùng một khuôn mặt trông còn trẻ hơn tuổi 19.
Trông Mai Ngọc từa tựa những nhân vật nữ xinh xắn trong truyện tranh manga Nhật Bản. Cũng vì vậy mà chỉ sau vài ngày thi đấu, cô thu hút được một lượng fan nho nhỏ, là các tình nguyện viên trạc tuổi cô.
Ít ai ngờ, một cô gái nhỏ nhắn như vậy lại ẩn chứa bản lãnh thi đấu kinh người. Sau trận đấu, đội trưởng đội bóng bàn Singapore Clarence Chew - cũng chính là bại tướng của Anh Hoàng - Mai Ngọc trong trận chung kết - thừa nhận điều này.
"Tôi biết cô ấy là một tay vợt trẻ giàu tiềm năng. Kỹ năng của cô ấy rất tốt. Nhưng sức mạnh tinh thần mới là điều quan trọng trong những trận đấu như thế này. Cả 2 tay vợt của Việt Nam đều rất đáng nể", Chew nói.
Cả Đinh Anh Hoàng và Trần Mai Ngọc đều chơi cực hay trong hành trình giành huy chương vàng. Họ không chỉ thắng, mà còn thắng đẹp. Trận chung kết với đôi Singapore là tiêu biểu. Hoàng - Ngọc áp đảo đôi Chew - Zheng phía Singapore bằng những cú giật dứt khoát.
Với Anh Hoàng, một thanh niên trẻ trung, mạnh mẽ và đang bước vào tuổi đỉnh cao phong độ, điều đó có thể lý giải được. Còn Mai Ngọc thực sự mang đến ngạc nhiên thú vị cho cánh truyền thông và người hâm mộ.
Cô gái 19 tuổi bình tĩnh đến lạ lùng. Đôi lần trong trận chung kết, bộ đôi của Việt Nam đứng trước sức ép lớn vì Chew - Zheng lội ngược dòng, thậm chí là dẫn điểm. Và nhiều khi, chính Trần Mai Ngọc là người giải vây.
Thắng điểm gỡ hòa, không ăn mừng. Vươn lên dẫn trước, không ăn mừng. Thắng cả ván, cũng không ăn mừng. Chỉ đến khi kết thúc trận đấu, chúng tôi mới được chứng kiến khoảnh khắc vỡ òa cảm xúc của Trần Mai Ngọc.
Khi được hỏi điều này, các HLV trên tuyển đều cười. "Chúng tôi đã quen với cái tính phớt tỉnh Ăng lê của Ngọc rồi. Dù thế trận có thế nào thì Ngọc lúc nào cũng vậy. Khi thua không sợ hãi mà thắng cũng không chủ quan. Đây là điều làm ban huấn luyện tin tưởng nhất ở Ngọc".
Vượt qua tuổi thơ cơ cực
Với tính cách phớt tỉnh ấy, Ngọc vượt qua được tuổi thơ cơ cực. 4 năm trước, nhiều độc giả của Tuổi Trẻ từng xúc động khi lần đầu được nghe kể câu chuyện của cô cùng em gái song sinh Trần Ngọc Ngà.
Hai chị em sinh năm 2004 ở Bình Dương. Năm 2006, người cha bất hạnh qua đời, để lại 3 cô con gái (trước Ngọc và Ngà còn có một chị). Cả ba chị em đều được nuôi dưỡng bởi đồng lương công nhân may ít ỏi của mẹ.
Bóng bàn trở thành bước ngoặt cho cả gia đình. Từ khoảng 7 tuổi, Ngọc - Ngà được mẹ cho đến một CLB bóng bàn gần nhà chơi. Tại đây, hai chị em vừa nhặt bóng, vừa được mọi người chỉ vẽ, và cùng bộc lộ năng khiếu. Thế là các HLV ở Bình Dương giới thiệu Ngọc - Ngà cho huyền thoại bóng bàn Vũ Mạnh Cường, người hiện là HLV trưởng CLB bóng bàn Hà Nội T&T.
Nhờ có chính sách từ thiện, CLB Hà Nội T&T thu nhận Ngọc và Ngà, cho hai em một nơi ăn ở, tập luyện đàng hoàng. Cuộc đời của cả hai cũng sang trang từ đó.
Trong hai chị em, Trần Mai Ngọc chứng tỏ được tiềm năng xa hơn. Cô càn quét mọi giải đấu toàn quốc trẻ, chứng tỏ tài năng vượt bậc so với các tay vợt đồng trang lứa. Và đến năm 15 tuổi, Ngọc xuất sắc giành huy chương bạc Giải vô địch toàn quốc. Cô chỉ chịu thua mỗi đàn chị quá nổi tiếng Mai Hoàng Mỹ Trang ở chung kết.
Trở thành tay vợt nòng cốt của CLB Hà Nội T&T lẫn đội tuyển quốc gia, cuộc đời của Trần Mai Ngọc cũng dễ chịu hơn hẳn. Với mức lương khoảng 15 triệu đồng, hằng tháng Ngọc gửi một phần cho mẹ, còn lại giữ trong sổ tiết kiệm để lo cho cuộc sống sau này.
"Đó là chú Cường và các thầy cô, anh chị lo xa nên bày vẽ tôi. Còn bản thân tôi chỉ biết chơi bóng bàn thôi. Tôi chưa có bất kỳ dự tính gì cho tương lai cả. Với tôi lúc này bóng bàn là quan trọng nhất. Nhưng tôi cũng rất vui vì hằng tháng phụ giúp cho mẹ được một ít", Ngọc kể.
Đến khi Ngọc và Hoàng xuất sắc mang về huy chương vàng SEA Games, ai cũng mừng cho cá nhân cô. Những đồng đội ở CLB Hà Nội T&T, ở đội tuyển đều hiểu rõ chặng đường gian khổ mà Ngọc phải trải qua.
Ngọc và Ngà được mẹ đưa ra Hà Nội vào năm 9 tuổi. Nói thật nhẹ tênh. Nhưng hồi ấy, đến HLV Vũ Mạnh Cường cũng không cầm lòng được khi chứng kiến cảnh 2 bé gái khóc lóc sụt sùi xin được về theo mẹ.
Sau tròn 10 năm, sự hy sinh của cá nhân Ngọc, của gia đình, và lòng tốt của CLB Hà Nội T&T đã được đền đáp. Phía trước Trần Mai Ngọc giờ đây là tương lai rộng thênh thang. Còn cá nhân cô là tương lai của bóng bàn nữ Việt Nam.
Cùng Tuổi Trẻ đi tìm "Nhân vật truyền cảm hứng tại SEA Games 32"
1. Nội dung:
Trong mọi sự kiện thể thao lớn, luôn có những câu chuyện hay, nhân văn được chuyển tải đến cộng đồng.
Phóng viên và cộng tác viên Tuổi Trẻ tác nghiệp tại SEA Games 32 sẽ phát hiện, ghi nhận và giới thiệu các câu chuyện truyền cảm hứng tại kỳ đại hội này qua các hình thức như bài viết, chùm ảnh hoặc video trên chuyên mục "Nhân vật truyền cảm hứng tại SEA Games 32", đăng tải trên các ấn phẩm của báo Tuổi Trẻ.
Sau khi kết thúc SEA Games, dựa trên những tác phẩm đã được đăng tải, ban giám khảo sẽ bình chọn ba (03) nhân vật truyền cảm hứng ấn tượng nhất tại SEA Games 32. Số điểm của ban giám khảo sẽ chiếm 70% và lượt like của bạn đọc dành cho nhân vật sẽ chiếm 30% tổng điểm để quyết định chọn ba nhân vật truyền cảm hứng tốt nhất.
2. Đối tượng bình chọn:
Tất cả những VĐV, HLV, tình nguyện viên, khán giả và những người góp mặt tại SEA Games 32 có câu chuyện truyền cảm hứng phù hợp với tinh thần và giá trị của kỳ đại hội này đều là đối tượng hướng tới của chương trình.
Đặc biệt, "Nhân vật truyền cảm hứng SEA Games 32" không chỉ trong phạm vi đoàn thể thao Việt Nam mà sẽ mở rộng nhân vật và câu chuyện ấn tượng của các đoàn thể thao khác tại đại hội.
3. Giải thưởng:
Ba nhân vật đoạt giải truyền cảm hứng sẽ nhận được phần thưởng từ chương trình trị giá 20 triệu đồng/giải thưởng. Nếu nhân vật truyền cảm hứng đến từ các quốc gia khác trong khu vực, ban tổ chức sẽ mời sang Việt Nam để nhận giải và giao lưu tại lễ trao thưởng cuộc thi "SEA Games 32 trong mắt tôi".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận