28/05/2024 05:45 GMT+7

Nhà trọ kiểu làng lên phố: Cần giải pháp quyết liệt giảm nguy cơ cháy

Cần những giải pháp quyết liệt hơn để giảm thiệt hại từ những vụ cháy kinh hoàng ở các khu nhà trọ kiểu từ làng lên phố.

Một dãy trọ ẩm thấp ở dưới chân cầu Thăng Long (Hà Nội) - Ảnh: Q.THẾ

Một dãy trọ ẩm thấp ở dưới chân cầu Thăng Long (Hà Nội) - Ảnh: Q.THẾ

Thông thường sau mỗi vụ cháy lớn, cơ quan chức năng lại rà soát các khâu, cũng như xử lý các vi phạm có liên quan. Sẽ có truy trách nhiệm cá nhân. Nhưng mối nguy cháy nổ vẫn hiển hiện trên thực tế.

Cần những giải pháp quyết liệt hơn để giảm thiệt hại từ những vụ cháy kinh hoàng ở các khu nhà trọ kiểu từ làng lên phố.

Vụ hỏa hoạn ở đường Trung Kính (quận Cầu Giấy, Hà Nội) là một dẫn chứng về nguy cơ cháy nổ cao ở khu vực làng lên phố.

Ngôi nhà mới xảy ra cháy vốn dĩ nằm ở giữa làng Trung Kính, càng đi vào sâu ngõ càng nhỏ, xe máy cũng phải tránh nhau. Khi nhu cầu thuê trọ ngày một lớn thì nhiều nhà ở gia đình đã cơi nới, tăng thêm phòng thành nhà trọ.

Việc cơi nới, xây tăng thêm phòng trọ khiến lối đi, lối thoát hiểm trong ngôi nhà càng nhỏ thêm. Nếu so sánh với mươi năm trước, các khu trọ sinh viên, người lao động tự do ở Hà Nội hiện nay đã được trang bị nhiều máy điều hòa hơn.

Vào mùa nắng nóng các khu trọ này vận hành hết công suất, gây áp lực lớn lên hệ thống điện và khả năng gây chập cháy sẽ rất cao.

Phần lớn khu trọ cạnh trường đại học, cao đẳng ở các quận như: Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Đống Đa, Hoàng Mai... (Hà Nội) trước đây là làng, quá trình đô thị hóa khoảng 20 năm trở lại đây đã trở thành phố với mật độ dân cư rất cao.

Nhà trọ ngoại thành Hà Nội, cạnh các khu công nghiệp, ví dụ như những dãy nhà trọ ở dưới chân cầu Thăng Long (huyện Đông Anh) nằm san sát nhau, ẩm thấp trong khi chỉ có một lối thoát là cổng chính.

Nhiều phòng trọ được cơi nới từ những ngôi nhà nằm trong ngõ sâu. Khi xảy ra cháy nổ, lực lượng phòng cháy chữa cháy khó tiếp cận hiện trường. Thiệt hại rất lớn về người và tài sản đã thấy trong những vụ cháy gần đây.

"Sinh viên như chúng tôi muốn thuê nhà gần trường phải chấp nhận thuê nhà trọ xập xệ. Ở khu trọ như thế này người thuê không chỉ đối mặt với cháy nổ mà còn phải trả giá nước sạch, điện, tiền thu gom rác cao hơn rất nhiều so với quy định.

Chúng tôi mong các trường đại học, Nhà nước quan tâm nhiều hơn đến chính sách nhà ở dành cho sinh viên. Nên xây các khu nhà không xa trường với giá phải chăng", chị Thu Trang (21 tuổi, sinh viên một trường đại học ở quận Cầu Giấy) bày tỏ.

"Chúng tôi là dân tỉnh khác đến Hà Nội kiếm một công việc để làm. Tôi làm công nhân vệ sinh môi trường, mỗi tháng vẫn có mức thu nhập hơn 5 triệu đồng. Để tiết kiệm những đồng lương kiếm được, chúng tôi chỉ dám thuê phòng trọ 500.000 - 700.000 đồng/tháng hoặc thuê chung nhà với công nhân khác để tá túc qua đêm.

Biết là những phòng trọ như thế này thiếu an toàn nhưng chúng tôi không thể có nhiều lựa chọn khác. Mấy năm nay xảy ra cháy nổ nhiều nên người lao động luôn mong được thuê nhà ở xã hội giá rẻ để an tâm làm việc", bà Liên (51 tuổi, công nhân môi trường ở Hà Nội, thuê trọ ở quận Bắc Từ Liêm) bày tỏ.

Bên trong một phòng trọ công nhân ở huyện Đông Anh (Hà Nội) - Ảnh: Q.THẾ

Bên trong một phòng trọ công nhân ở huyện Đông Anh (Hà Nội) - Ảnh: Q.THẾ

Chuyển nhà tái định cư thành nhà ở xã hội

Những đô thị lớn có quá nhiều người nhập cư lại thiếu loại hình nhà ở xã hội cho thuê hoặc bán giá rẻ. Thay vì bàn chuyện cấm một vài mô hình nhà trọ nên thay bằng việc nâng cao ý thức trách nhiệm cá nhân trong cộng đồng, tìm các giải pháp phát triển nhà ở xã hội sao cho đáp ứng nhu cầu.

Qua kiểm tra, nếu thấy chưa đảm bảo phòng cháy chữa cháy có thể lập biên bản, buộc chuẩn hóa và theo dõi, giám sát quá trình khắc phục. Ví dụ như bổ sung hệ thống báo cháy, mở thêm lối thoát hiểm (nếu chưa có), lắp thêm thang leo hoặc thang thép có lồng bao gập gọn sát tường như các đô thị lớn trên thế giới đã làm.

Nên tập trung chấn chỉnh vào các nhà trọ, chung cư mini có ba mặt xây dựng kín tường để khắc phục các bất ổn, xử lý các trường hợp cơi nới mất an toàn để tăng người cư trú nhưng chỉ có một lối ra duy nhất tại cửa chính.

Việc phòng ngừa phải có từ trong quy hoạch và cấp phép xây dựng đối với nhà trọ, chung cư mini cao tầng tại các vị trí thuận lợi về giao thông di chuyển cho xe và thiết bị phòng cháy chữa cháy.

Trong công tác quản lý địa bàn, chính quyền địa phương cương quyết xử lý vi phạm, ngăn chặn từ đầu, buộc tháo dỡ phần xây dựng vượt giấy phép.

Về lâu dài, thay nhà trọ và chung cư mini chính là nhà ở xã hội (với giá phù hợp), nhất là tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM. Chuyển nhà tái định cư bỏ hoang thành nhà ở xã hội vừa đỡ tốn tiền bảo trì, bảo dưỡng mỗi năm vừa hạn chế lãng phí, góp phần giải quyết nhu cầu cấp thiết về chỗ ở.

Hà Nội có 174 khu nhà tái định cư đang được sử dụng với tổng số hơn 14.200 căn hộ, khoảng 4.000 căn chung cư bỏ hoang nhiều năm.

TP.HCM hiện có hơn 14.000 căn hộ tái định cư bỏ trống, tập trung nhiều nhất tại khu tái định cư Bình Khánh (TP Thủ Đức) với hơn 12.000 căn hộ và tại khu tái định cư Vĩnh Lộc B (H.Bình Chánh) với hơn 2.000 căn hộ.

Phòng cháy, cần làm từ gốc

Sau những vụ cháy thường ít nhiều bộc lộ những thiếu sót, bất cẩn mà lẽ ra đều trong tầm khắc phục nếu có tinh thần kiên quyết ngăn chặn. Vụ hỏa hoạn mới đây ở Hà Nội cũng không ngoại lệ.

Rất dễ gặp những khu phòng trọ hình ống, duy nhất một cửa ra vào với chiều ngang chỉ đủ cho một xe gắn máy đi qua. Nhiều dãy phòng trọ do chủ nhà ở nơi khác, mọi việc trông coi phải "khoán trắng" cho người quản lý. Họ thường ở phòng ngoài cùng, tầng trệt, tranh thủ bán tạp hóa, đổi bình gas.

Vụ cháy vừa qua khiến 14 người thiệt mạng, khi lối thoát duy nhất bùng lửa, cư dân có kỹ năng cũng khó thoát nạn. Nhiều nạn nhân tử vong do bị cháy chứ không phải ngạt khí. Nỗ lực giải cứu cư dân gặp thêm trở ngại do khung sắt và lưới thép bao vây, vì chống trộm đã vô tình "nhốt" người trong đám cháy.

"Nhà trọ chuyên nghiệp" không chỉ nằm ở hình thức đẹp, nội thất tiện nghi hiện đại. Yếu tố PCCC phải được đặt lên hàng đầu. Cần quyết liệt, cưỡng chế tháo dỡ "chuồng cọp", phần tự ý cơi nới, mở rộng. Bỏ qua vi phạm đồng nghĩa với gián tiếp khiến cho sự việc nghiêm trọng hơn.

Nhà trọ ở TP.HCM, Bình Dương, Cần Thơ: Nơi chỉ có một cửa, nơi thấp tầng, nơi có lối thoát hiểmNhà trọ ở TP.HCM, Bình Dương, Cần Thơ: Nơi chỉ có một cửa, nơi thấp tầng, nơi có lối thoát hiểm

Cụ thể: Bình Dương thì phòng trọ, nhà ở xã hội liền kề khu công nghiệp luôn có lối thoát hiểm; TP.HCM, nhiều khu nhà trọ 'một cửa'; Cần Thơ, hầu hết nhà trọ đều thấp tầng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên