Bình Dương: phòng trọ, nhà ở xã hội liền kề khu công nghiệp luôn có lối thoát hiểm
Theo ghi nhận tại Bình Dương, do còn quỹ đất khá rộng với mật độ dân số thấp nên có nhiều phòng trọ, nhà ở xã hội được xây dựng liền kề khu công nghiệp và có lối thoát hiểm.
Đặc biệt với các khu vực phát triển mới, việc chừa lối thoát hiểm trong các khu dân cư, khu phòng trọ là bắt buộc.
Theo Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương, tỉnh này có mô hình "gom tiền thuê trọ thành nhà" với các dự án nhà ở xã hội "giá chỉ từ 100 triệu đồng", tới nay đã đưa vào sử dụng hàng chục ngàn căn hộ.
Tiêu biểu như tại TP Thuận An, có khu nhà ở xã hội Việt - Sing liền kề Khu công nghiệp VSIP 1, Việt - Hương 1...
Ở TP Thủ Dầu Một có các khu nhà ở xã hội tại Hòa Lợi, Định Hòa. Các mô hình nhà ở xã hội này có diện tích nhỏ, tổng cộng 30m2 (trong đó có 10m2 gác lửng) với giá rẻ, nên công nhân có thể mua được.
Các khu nhà ở xã hội này có mật độ xây dựng thấp và phải tuân thủ quy hoạch, các quy định về PCCC và được cấp "sổ hồng" riêng cho từng căn hộ.
Vài năm trở lại đây, Bình Dương có thêm mô hình "phòng trọ cho thuê" từ sự đầu tư của doanh nghiệp.
Tiêu biểu như tại phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một hay Khu công nghiệp Bàu Bàng, chủ đầu tư là Tổng công ty Becamex IDC (vốn Nhà nước chi phối thuộc UBND tỉnh Bình Dương) đầu tư các dãy nhà công nhân cho thuê với giá rẻ.
Mô hình với các khu đất có diện tích ngang 5m, sâu 30m sẽ được xây một ki ốt phía trước và bốn phòng trọ phía sau. Với hai lô đất liền kề thì có thể ghép lại với nhau để xây hai dãy phòng trọ, tạo lối đi chung ở giữa khá rộng rãi.
Các dãy phòng trọ nói trên ngoài việc có "mặt tiền" lớn, xe cứu hỏa dễ dàng tiếp cận thì phía sau dãy trọ bắt buộc có lối thoát hiểm thường rộng 2m. Với các phòng trọ do người dân đầu tư thì phần lớn cũng xây dựng theo mô hình tương tự.
TP.HCM: nhiều khu nhà trọ "một cửa"
Mặc dù hầu hết các khu nhà trọ tại TP.HCM có bố trí PCCC nhưng để đảm bảo an ninh, kiểm soát được người ra vô, rất nhiều khu nhà trọ tại TP.HCM chỉ thiết kế một lối ra, tạo nên một tổ hợp khép kín "ngoại bất nhập" gây bít bùng.
Nằm trong một con hẻm nhỏ ở đường Trần Thanh Mại (quận Bình Tân), một khu nhà trọ hai tầng có đa phần người thuê trọ là công nhân, người lao động vẫn phải bật đèn giữa trưa vì lối đi tối om bởi không có ánh sáng trời.
Tầng một khu trọ là hai dãy phòng với khoảng hơn 10 phòng chạy song song có phần cửa phòng đối diện nhau kéo sâu vào trong. Khoảng cách giữa hai dãy phòng khoảng 2,5m cũng là nơi người thuê trọ để xe máy chật cứng.
Cuối dãy nhà trọ là bức tường chắn ngang, ở giữa là một cầu thang bộ dẫn lên tầng hai nên những phòng cuối dãy lúc nào cũng bít bùng và gây cảm giác lo sợ khi liên tưởng đến tình huống đám cháy bùng lên ở đoạn giữa hoặc gần cuối dãy.
Tại một khu nhà trọ khác trên đường Lê Trọng Tấn, nơi người thuê trọ chủ yếu là người lao động làm việc tại các nhà máy xung quanh, dãy nhà trọ cũng kéo dài với lối đi nhỏ hẹp, các phòng cũng chỉ có duy nhất một cửa sổ mở ra lối đi chung.
Hay một khu nhà trọ khác nằm trong một con hẻm đường Nguyễn Kiệm (quận Gò Vấp) với hai tầng lầu có nhiều phòng cho thuê nhưng chỉ có một lối ra vào. Khi có người lạ đi vào thì chủ quán cơm ngay trước lối vào cũng sẽ là người trông coi, "gác cửa".
Khu nhà trọ này có phần thang bộ "lộ thiên" lên dãy phòng phía trên khá thoáng, tuy nhiên vẫn có những phòng nằm ở những góc hẹp nên sẽ khó thoát thân nếu hỏa hoạn xảy ra chặn ở phía ngoài.
Cần Thơ: hầu hết nhà trọ đều thấp tầng
Tại TP Cần Thơ xung quanh các trường đại học Cần Thơ, FPT, Nam Cần Thơ... nhiều khu nhà trọ được xây dựng phục vụ nhu cầu ở trọ đi học của sinh viên.
Theo ghi nhận, hầu hết các khu nhà trọ này được xây dựng thấp tầng, loại phòng trệt, loại phòng trệt và có gác lửng, còn lại một số khu nhà trọ xây dựng cao hai tầng.
Tại một con hẻm trên đường Hoàng Quốc Việt, phường An Bình, quận Ninh Kiều, có đến ba khu nhà trọ vì gần trường đại học FPT và Nam Cần Thơ.
Các khu nhà trọ này mới được xây dựng nên tương đối khang trang. Phía bên ngoài có trang bị bình chữa cháy, hơn nữa xung quanh những khu nhà trọ này là những khu đất trống nếu có cháy nổ cũng dễ dàng thoát ra được.
"Tôi cất được 5 phòng trọ, dạng phòng trệt và có gác lửng. Phía trước có chừa lối đi và cũng để thoát hiểm" - anh N.H., một chủ nhà trọ, nói.
Chủ trọ và người thuê trọ chưa thực sự quan tâm công tác đảm bảo an toàn PCCC
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Phòng cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (PC07) Công an TP.HCM cho biết đối với mô hình nhà trọ thì trước khi đưa vào hoạt động kinh doanh, chủ nhà trọ phải lập phương án PCCC và được cấp có thẩm quyền phê duyệt nếu nhà trọ cao dưới ba tầng.
Tuy nhiên, công tác bảo đảm an toàn về PCCC đối với loại hình này ít được chủ cơ sở và người thuê trọ thật sự quan tâm. Thậm chí có trường hợp là nhà riêng lẻ sau đó chuyển đổi công năng thành nhà riêng lẻ kết hợp kinh doanh dãy nhà trọ, phòng trọ nhưng không đảm bảo công tác an toàn PCCC.
Vì thế, PC07 đề nghị chủ phòng trọ phải thực hiện nghiêm các quy định về PCCC khi xây dựng và kinh doanh như thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC (nếu thuộc diện); lắp đặt các hệ thống, phương tiện, thiết bị PCCC đảm bảo theo quy định.
Định kỳ kiểm tra các phương tiện PCCC và cứu nạn, cứu hộ đã trang bị và đảm bảo hoạt động hiệu quả. Đảm bảo rằng có lối thoát an toàn và dễ dàng tiếp cận cho tất cả cư dân, người thuê trọ. Không lắp đặt "chuồng cọp" bít lối thoát nạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận