Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác cho rằng cần xem xét, tăng mức độ quản lý thay vì dùng giải pháp cực đoan là cấm.
Đề xuất cấm "nhà cho thuê trọ kết hợp với kinh doanh"
Căn nhà trọ ba tầng ở số 1, hẻm 31, ngách 98, ngõ 43 đường Trung Kính, Cầu Giấy, Hà Nội từng là chốn đi về, là tổ ấm của các gia đình, sinh viên, người lao động... Sau vụ hỏa hoạn đêm 24-5, nơi đây chỉ còn là đống hoang tàn. Vụ cháy kinh hoàng đã cướp đi sinh mạng 14 người, khiến 3 người bị thương. Nỗi đau từ "thảm họa ngọn lửa" gây ra quá lớn.
Từ vụ cháy ở phố Trung Kính, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Trịnh Xuân An đề nghị các cấp chính quyền cần phải có sự mạnh tay hơn, rà soát lại toàn bộ các khu nhà cho thuê, khoanh vùng các khu có nguy cơ cao, nếu không đảm bảo yêu cầu phòng cháy chữa cháy phải mạnh tay xử lý.
Với các khu nhà có "chuồng cọp", không có lối thoát hiểm cần phải bắt buộc sửa lại, bổ sung thêm lối thoát hiểm. Riêng với loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh, đại biểu An cho rằng phải có phương án, giải pháp phòng cháy và ngăn cháy.
Dẫn chứng vụ cháy ở Trung Kính, khi ngôi nhà có nhiều phòng trọ và cả cửa hàng sửa chữa xe đạp điện, ông An cho rằng phải cấm loại hình kinh doanh (nhất là kinh doanh các vật liệu dễ cháy) kết hợp phòng trọ.
Trong khi đó, đại biểu Phạm Văn Hòa (ủy viên Ủy ban Pháp luật) cho rằng do đặc thù Hà Nội, TP.HCM là nhà trong ngõ ngách rất nhiều nên không ít gia đình thường cho thuê nhà trọ, đặt kinh doanh, kể cả mặt hàng dễ cháy, nguy cơ cháy nổ trong đó.
Một đặc điểm quan trọng là với loại hình này khi đã cháy thường có khả năng gây thiệt hại lớn, nhất là về người. Do vậy, trước hết các cơ quan chức năng cần rà soát lại toàn bộ các nhà ở cho thuê trọ kết hợp với kinh doanh, đặc biệt là kinh doanh các mặt hàng dễ xảy ra cháy nổ.
Nếu phát hiện nơi có nguy cơ cao cháy nổ, đe dọa tính mạng người dân ở đây và không có lối thoát hiểm phải có biện pháp yêu cầu cưỡng chế, thiết kế, xây dựng thêm các lối thoát hiểm, vật cản.
Về lâu dài, khi xem xét dự thảo Luật Phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn tại kỳ họp thứ 7 này cũng nên nghiên cứu để có quy định rõ ràng hơn, quản lý loại hình này.
Trong đó, nên nghiên cứu cấm nhà ở cho thuê trọ đông người kết hợp với kinh doanh mà không có hệ thống phòng cháy chữa cháy. Đồng thời rà soát lại yêu cầu, tiêu chuẩn cho phép kinh doanh các mặt hàng dễ cháy ở khu đông dân cư như kinh doanh các loại xe đạp, xe máy điện, hóa chất, hàng hóa có nguy cơ cháy nổ cao... Từ đó, cần thiết có yêu cầu khắt khe hơn về phòng cháy chữa cháy trong những trường hợp này.
"Nói cách khác, với các nhà ở dạng này mà trong các ngõ hẹp, đường nhỏ, không thể thiết kế được hệ thống thoát hiểm, chữa cháy... thì cần xem xét cấm. Việc này để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân, xã hội chứ không có nghĩa không quản được thì cấm", ông Hòa cho biết.
Cần xem xét kỹ
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại tá Ngô Văn Xiêm - nguyên phó hiệu trưởng Trường đại học Phòng cháy chữa cháy - cho rằng hiện nay ở Hà Nội có rất nhiều nhà ở vừa cho thuê trọ vừa kết hợp kinh doanh, kể cả kinh doanh các mặt hàng có nguy cơ cháy nổ cao như căn nhà xảy ra cháy ở Trung Kính.
Việc các chủ nhà làm như vậy phần nhiều do vấn đề về mưu sinh, đảm bảo cuộc sống của gia đình. Còn những người lao động, sinh viên... vẫn lựa chọn ở các nhà này bởi vì chi phí phù hợp với khả năng chi trả của họ.
Do đó, cần phải xem xét, đánh giá rất kỹ việc có nên cấm vừa cho thuê trọ vừa kết hợp kinh doanh này không, tránh các ý kiến cho rằng "không quản, không lo được thì cấm đoán".
Theo ông Xiêm, trước mắt cần tổng rà soát lại xem trên địa bàn các TP như Hà Nội, TP.HCM... có bao nhiêu nhà thuộc loại hình này. Đồng thời, xem xét kỹ yếu tố phòng cháy chữa cháy ở các nhà này thực hiện ra sao, có đảm bảo không. Trong trường hợp không đảm bảo, cần yêu cầu họ phải có biện pháp khắc phục và bổ sung các trang thiết bị cần thiết như thang dây, mặt nạ phòng độc... Đồng thời giao trách nhiệm về việc quản lý, giám sát cho chính quyền địa phương...
Các vụ cháy gây thiệt hại lớn đều xảy ra vào ban đêm, thời điểm ít người biết, khó phòng tránh... nên điều quan trọng nhất phải tăng cường công tác hướng dẫn an toàn, nâng trách nhiệm của các chủ đầu tư, chủ hộ, người dân và chính các cơ quan quản lý.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng đề xuất cấm nhà cho thuê trọ kết hợp kinh doanh "có phần cực đoan" và không phù hợp với quy định pháp luật cũng như thực trạng xã hội hiện nay.
Luật sư Cường cho hay ở các TP lớn, việc nhà ở kết hợp kinh doanh, trong đó có kinh doanh cho thuê trọ rất phổ biến. Việc kinh doanh cho thuê nhà trọ là nhu cầu thiết yếu từ hàng chục năm qua. Đặc biệt là các TP có lượng lớn sinh viên, người lao động sinh sống, nhu cầu thuê trọ rất lớn vì nhà ở xã hội chưa thể đáp ứng được.
"Nếu quy định cấm các hộ gia đình, cá nhân kinh doanh cho thuê phòng trọ thì sẽ vấp phải sự phản ứng dữ dội của xã hội. Bởi quyền cho thuê kinh doanh là chính đáng.
Tôi cho rằng vấn đề ở đây là cần quản lý chặt để đảm bảo an toàn chứ không phải là cấm. Trong các vấn đề về quản lý thì cấm là giải pháp cuối cùng, giải pháp cực đoan nhất, cho thấy các giải pháp không đạt hiệu quả", luật sư phân tích.
Khởi tố vụ án cháy nhà trọ 3 tầng khiến 14 người chết
Ngày 25-5, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự cháy nhà trọ ba tầng khiến 14 người chết để làm rõ hành vi vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy.
Cơ quan công an sẽ xác minh về trách nhiệm của chủ nhà cho thuê trọ tại nhà số 1, hẻm 31, ngách 98, ngõ 43 phường Trung Kính (Hà Nội) và trách nhiệm của nhóm quản lý nhà nước để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Hiện Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội tiếp tục điều tra mở rộng để làm rõ toàn bộ nội dung vụ án.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận