03/06/2014 10:00 GMT+7

Nhà nhiếp ảnh "tắc kè"

VÂN TRƯỜNG
VÂN TRƯỜNG

TT - Trong giới nhiếp ảnh nghệ thuật ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, hầu như ai cũng biết “nhà nhiếp ảnh tắc kè”. Biệt danh đó gắn liền với tên tuổi của ông Hồ Văn Ngon (56 tuổi, ngụ xã Tân Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) suốt nhiều năm nay.

Kỳ 1: Mua đất nuôi cò Kỳ 2: Gia đình khổng lồ Kỳ 3: Thầy đờn một tay

q81xeYcD.jpgPhóng to
Ông Hồ Ngon trong một chuyến đi sáng tác ảnh nghệ thuật - Ảnh: V.Tr.

Ông Ngon giải thích về biệt danh này: “Tôi nhái được giọng nhiều vùng miền, tiếng nhiều loại động vật, nhưng giống nhất là tiếng tắc kè nên anh em hễ gặp tôi là kêu nhà nhiếp ảnh tắc kè. Riết thành quen và chết danh luôn”.

Có ông, chỗ nào cũng vui

Ông Ngon (giới nhiếp ảnh hay gọi vắn tắt là Hồ Ngon) nhỏ nhắn, đen sạm, gương mặt góc cạnh và nói chuyện rất hài hước.

Ông Ngon nói rằng từ nhỏ ông đã đam mê nhiếp ảnh, năm 1979 ông bắt đầu học chụp hình và từ đó đến nay ông sống được với nghề này.

“Tôi chụp hình dịch vụ, ai thuê chụp gì tôi đều nhận. Từ đám cưới, đám hỏi, đám tang, thôi nôi, đầy tháng đến tổ chức các tour du lịch rồi chụp hình cho khách luôn. Nhờ vậy tôi nuôi được cái nghiệp nhiếp ảnh nghệ thuật” - ông Ngon nói.

Ông bảo hồi nhỏ ông là học trò hiếu động, hay phá phách. Ông thường chú ý lắng nghe tiếng các con vật rồi tập kêu sao cho giống để trêu chọc bạn bè cho vui.

Cũng vì vậy mà ông xuất hiện ở đâu thì chỗ đó vui nhộn hẳn lên. Qua mấy chục năm luyện tập, ông có thể giả giọng của hơn chục vùng miền, địa phương trong cả nước và cũng ngần ấy tiếng kêu của các loài động vật, tiếng hót một số loài chim.

“Tôi còn nói được giọng người bị sứt môi, người bị ngọng, giọng người bị khàn tiếng, con nít, ông lão, bà lão, giọng người nước ngoài tập tành nói tiếng Việt”.

Sau khi tự “quảng cáo”, ông Hồ Ngon đã biểu diễn một lèo gần cả chục loại giọng mà ông kể. “Tùy hoàn cảnh, khi đi đến vùng nào hay gặp đối tượng nào thì tôi nói chuyện bằng chính giọng họ nên họ rất thích” - ông Hồ Ngon kể.

Thế nhưng theo giới văn nghệ sĩ ở Bến Tre, tài nhại tiếng con vật của ông Hồ Ngon mới là đặc biệt. Chị Phương Yến ở báo Đồng Khởi kể: “Tới chỗ nào đông người mà có vẻ kém vui thì ông che miệng lại, quay chỗ khác giả tiếng tắc kè kêu, mọi người ngó ngang đi tìm”.

Khi ông đến những nơi vắng vẻ như đình, chùa, miễu, nhà cổ... thường giả tiếng tắc kè kêu, ai cũng tin ở đó có con tắc kè bự lắm.

Ông Hồ Ngon kể thêm: “Một lần Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bến Tre tổ chức trại sáng tác ở đảo Hải Tặc (Hà Tiên). Khi tàu đang chở mọi người ra đảo thì tôi quay ra biển giả giọng tắc kè kêu mấy tiếng “tắc kè, ắc è...”, chủ tàu và tài công giật mình lắng tai nghe rồi lục tung hết tủ quần áo, vật dụng trên tàu để kiếm... con tắc kè.

Gần tới đảo mọi người mới chỉ vào tôi nói: “Đây là thủ phạm quấy rối trên tàu nãy giờ nè. Ổng giả tiếng con tắc kè đó”. Lúc này mọi người cười rần rất vui vẻ”.

Nhiều người bạn ông còn kể thêm khi tới nhà người nào có tắc kè sinh sống ông cũng giả tiếng kêu của tắc kè. Con tắc kè trong nhà đó kêu đáp lại, tạo nên “bản hòa tấu tắc kè” rất đặc biệt.

Ông kể tiếp: “Một hôm tới nhà người bạn chơi, tôi nằm võng đu đưa rồi giả tiếng chuột kêu. Tự nhiên có hai con chuột to đùng trên máng xối bò ra kêu chít, chít và ngó nghiêng tìm... chiến hữu. Lúc này tôi mới dám chắc là mình giả giọng chuột rất giống”.

KClmIHUO.jpgPhóng to
Ông Hồ Ngon giả tiếng kêu con tắc kè - Ảnh: V.Tr.

Mơ dạy học sinh chụp ảnh miễn phí

Nhiều bạn bè của ông Hồ Ngon nói ông ở nhà hoàn toàn tương phản với ông ở ngoài đường. Với mọi người, ông là một cây hài có khả năng giúp các buổi họp mặt, hội họp vui vẻ.

Nhưng cuộc sống riêng ông quá nhiều nỗi buồn. Gia đình ông chỉ có hơn một công vườn tạp không có huê lợi gì. Vợ chồng đã sống riêng. Hai đứa con đi làm thuê kiếm sống. Mang cái “mác” là nhà nhiếp ảnh có tiếng ở xứ dừa, nhưng gia đình ông đã ôm sổ hộ nghèo bốn năm qua.

Ông Hồ Ngon tâm sự thật lòng ông không vui vẻ gì với chuyện “hộ nghèo”, ông bị bệnh gút khá lâu, nhưng có lẽ vì sống lạc quan, hay tự động viên mình bằng những tài lẻ khi nằm bệnh viện đã giúp ông tạm vượt qua bệnh tật.

Ông kể: “Năm 2007 tôi nằm bệnh viện điều trị bệnh gút 11 tháng ròng, trong đó nằm Bệnh viện y học cổ truyền Trần Văn An (Bến Tre) năm tháng. Tại đây tôi là một bệnh nhân đặc biệt khi được tham gia biểu diễn văn nghệ mừng Ngày thầy thuốc VN 27-2. Cũng với mấy tài lẻ giả giọng động vật, nhái giọng các vùng miền thôi nhưng góp tiếng cười sảng khoái cho các y bác sĩ bệnh viện”.

Vừa lấy khăn lau chiếc máy ảnh “cùi bắp” hiệu Nikon, ông Hồ Ngon bảo ông đang ấp ủ kế hoạch dạy nhiếp ảnh hoàn toàn miễn phí cho học sinh lớp 11 trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

Ông giải thích: “Tôi nghĩ mình sẽ không còn sống lâu vì bệnh tật không có chiều hướng giảm. Tôi yêu nghệ thuật nhiếp ảnh nhưng không có điều kiện theo đuổi một cách trọn vẹn nên tôi muốn dạy học sinh nào đam mê nhiếp ảnh giống tôi. Tôi chỉ dạy căn bản, còn sau này các em sẽ học thêm. Chỉ như vậy là tôi mãn nguyện rồi. Giáo trình dạy nhiếp ảnh tôi soạn gần xong, tới đây sẽ đặt vấn đề với Hội Văn học nghệ thuật và Sở GD&ĐT hỗ trợ tôi thực hiện ước mơ của mình”.

Hỏi vì sao ông muốn làm công việc này trong khi cuộc sống còn quá khó khăn, ông Hồ Ngon đọc hai câu thơ ông làm: Cuộc đời có được là bao/Quay lưng, ngoảnh mặt, hại nhau làm gì. Ông giải thích: “Đó là quan niệm sống của tôi. Thay vì mất thời gian ganh ghét, nói xấu, chơi xấu nhau thì hãy giúp người, giúp đời sẽ tốt hơn”.

Ông Hồ Ngon từng đoạt ba giải nhiếp ảnh quốc tế, hiện ông đang tập trung sáng tác để đủ điều kiện công nhận là nghệ sĩ nhiếp ảnh - mục tiêu lớn nhất của đời ông.

Ông còn được biết đến là một nhà giáo kiêm bầu gánh hát cải lương ở xã Tân Phú, huyện Châu Thành trước đây, viết kịch bản thông tin cổ động và viết báo.

Giới văn nghệ sĩ Bến Tre đều rất quen thuộc hình ảnh một người đàn ông gầy gò chạy xe máy cà tàng chở theo một thang nhôm cao gần 2m. Đó là “đồ nghề” ông Hồ Ngon thường mang theo khi đi sáng tác ảnh nghệ thuật.

Ông không phải là nhà sử học hay nhà văn hóa học, song kiến thức về lịch sử, văn hóa Nam bộ của ông rất uyên thâm. Ông có trí nhớ rất tốt, người ta ví bộ não ông như một chiếc máy vi tính.

Mới đây, ông Hồ Ngon tới Nhà văn hóa thiếu nhi chụp ảnh lưu niệm cho một sự kiện. Khi hội nghị nghỉ giải lao, ông xin phép lên sân khấu biểu diễn giúp vui hàng loạt tiết mục giả giọng động vật.

Vì quá độc đáo và hấp dẫn nên hàng trăm đại biểu không ra ngoài giải lao mà ngồi lại thưởng thức và vỗ tay tán thưởng liên hồi.

Ông giả tiếng kêu của con nhái bầu, ếch, đàn dê ba con (gồm dê già, dê mẹ và dê con), bò, heo, mèo, chó, gà lôi, gà trống, gà mái, chim cu, chuột... rất giống.

Ông kể: “Một hôm đi công tác tới nhà dân có một chuồng rất nhiều dê, tôi giả giọng con dê già hết hơi ráng gân cổ kêu một cách rời rạc (ư...ư...ư...he...he...he), xong tới dê mẹ đang sung sức (be he... be he... be he...) rồi dê con giọng yếu ớt (ư... ư...ư...e...e...e). Kêu một lúc thì cả đàn dê mấy chục con chồm cái mõm ra khỏi chuồng kêu dậy trời luôn”.

___________________

Kỳ tới:Từ điển sống Nam bộ

VÂN TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên