02/06/2014 11:04 GMT+7

Thầy đờn một tay

VÂN TRƯỜNG
VÂN TRƯỜNG

TT - Chiều, khi công việc chăm sóc sầu riêng đã xong, ông Hai Cụt bắc ấm nước lên bếp. Bốn người hàng xóm yêu nhạc tài tử cũng vừa đến.

Kỳ 1: Chuyện lạ miền tây - Kỳ 1: Mua đất nuôi cò Kỳ 2: Gia đình khổng lồ

ZgvVpSEY.jpg
Ông Hai Cụt độc tấu đờn ghita phím lõm chỉ với tay trái - Ảnh: V.Tr.

Họ khiêng chiếc bàn tròn ra mái hiên nhà bày biện bánh ngọt, khui sầu riêng chuẩn bị ca để xả stress sau một ngày làm việc mệt nhọc. Ông Hai Cụt lấy cây đờn ghita phím lõm ôm vào lòng. Ông dùng đoạn tay phải còn lại chưa được 10cm ở sát vai cặp chặt thân cây đờn, tay trái thoăn thoắt cân chỉnh dây.

Duyên nghiệp

Soạn giả Nguyễn Ngọc Minh (giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Tiền Giang) cho biết ông đã nhiều lần nghe ông Hai Cụt đờn. Bản thân ông đã từng hát một bài vọng cổ với tiếng đờn của ông Hai Cụt. Nếu so với những danh cầm như Văn Vĩ, Văn Giỏi... thì ông Hai Cụt không thể bằng được. Tuy nhiên, phải thừa nhận ông Hai Cụt là một tài năng đặc biệt. Ngay cả người có đủ hai tay còn chưa chắc đờn được, người biết đàn cũng chưa chắc đờn hay, ông Hai Cụt chỉ có một tay mà đờn khá hay như vậy là rất hiếm.

Chỉnh dây đờn xong, ông nói: “Tui đờn trước bài ruột của tui để lấy khí thế nha”.

Mắt ông nhắm nghiền lại vài giây. Bàn tay trái ông lướt trên dây đờn, tiếng đờn réo rắt vang lên. 4/5 ngón tay (trừ ngón cái) lúc nào cũng hoạt động, nếu hai ngón bấm dây đờn thì hai ngón còn lại khảy một cách nhịp nhàng.

Tiếng độc tấu đàn ghita phím lõm Phi vân điệp khúc vang lên. Mọi người im lặng để thưởng thức những cung bậc trầm, bổng, lúc nhanh, lúc chậm từ ngón đờn của ông Hai Cụt.

Khi bản nhạc kết thúc, ông Nguyễn Văn Là (55 tuổi, người hàng xóm đam mê tài tử) thốt lên: “Quá mùi. Nghe mà nổi da gà luôn”.

Ông Hai Cụt tên thật là Thái Văn Hai, năm nay đã 65 tuổi, ngụ ấp Tân Đông, xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, Tiền Giang. Trước đây ông tham gia du kích xã và bị thương nặng trong một trận đánh năm 1966.

Bác sĩ phải cắt gần lìa cánh tay phải để cứu mạng sống của ông. Năm đó ông Hai vừa tròn 22 tuổi. Không đủ sức khỏe tham gia đánh trận nữa, ông trở về nhà làm vườn.

“Về nhà buồn lắm nên khi có đám tiệc, đàn ca là tui đến chơi. Thấy người ta đàn nghe mùi mẫn quá nên tui mơ ước mình cũng đờn được như vậy. Mỗi khi dàn nhạc bỏ đờn xuống nghỉ ngơi tui rón rén lại cầm thử, khảy khảy cho vui. Mỗi lần như vậy đều bị chửi: “Mày có một tay mà đòi đờn cái gì, đi chỗ khác mà chơi”. Tự ái lắm, nhưng tui quyết tâm để ý để học đờn” - ông Hai Cụt kể.

Thầy đờn một tay

Sau vài lần xua đuổi “thằng cụt” phá phách không có kết quả, ông Sáu Phước (một tài tử đờn ghita phím lõm ở địa phương) đã chấp nhận dạy ông Hai Cụt cách cầm đờn, cách khảy.

Thế nhưng ông Sáu Phước cũng chỉ dạy được cách chơi đàn cho người có đủ hai tay, còn ông Hai Cụt chỉ có một tay nên ông không thể thị phạm được.

Khi đã hiểu được nguyên tắc đờn, ông Hai Cụt tự mày mò xử lý bấm, khảy dây đờn với những ngón tay của bàn tay trái. Cũng vì sáng dạ nên chẳng bao lâu ông Hai Cụt đàn được trọn một bản Nam xuân, rồi Nam ai, Tây Thi...

Tiếng đàn của ông không ngọt, không mùi nhưng cũng không phải quá tệ. Từ đó, ông đi theo các ban nhạc tài tử để học lóm các ngón đờn.

Ông không hề biết gì về các bài bản tài tử mà chỉ nghe băng cassette, nghe người khác đờn rồi đờn theo riết thành quen. Năm 1971, ông đi tìm thầy đờn Hồ Điệp để thọ giáo, học đờn một cách bài bản với suy nghĩ sau này sẽ sống bằng nghề đờn.

Ông Hai Cụt kể khoảng năm 1971 có Đoàn cải lương Rạng Đông về xã biểu diễn, ông đi xem cải lương nhưng cứ mon men quanh khu vực dàn nhạc.

Khi bị bảo vệ đuổi, một người bạn đi cùng nói: “Thằng này có một tay chứ đờn nghe nhức mình lắm đó”. Ông bầu gánh hát nghe vậy hỏi lại, ông Hai Cụt bảo mình cũng biết đờn cổ nhạc, bầu gánh cho ông đờn thử và đề nghị đi theo đoàn cải lương để đờn salon (tức đờn trong thời gian chờ khán giả).

Cũng vì gánh hát có một tài tử đờn một tay rất độc chiêu nên khán giả tới xem rất đông. Năm 1973 khi gánh hát kết thúc chuyến lưu diễn ở Sóc Trăng ông quyết định xin nghỉ để ở lại dạy đờn cho người dân địa phương.

“Họ khoái tiếng đời của tui nên biểu tui ở lại dạy đờn cho họ, họ sẽ nuôi cơm. Tui thấy đi theo gánh hát ba năm trời riết cũng chán nên đồng ý chuyển sang làm thầy dạy đờn. Âu đó cũng là cái nghiệp đờn của tui” - ông Hai Cụt tâm sự.

Y59ycQjD.jpg
Ông Hai Cụt đờn cho người khác ca tài tử - Ảnh: V.Tr.

Cưới được vợ nhờ đờn hay

Một thân một mình ở đất khách quê người, ông Hai Cụt được người dân huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng cưu mang, giúp đỡ rất nhiều. Họ cho ông ở đậu, lo ăn uống đầy đủ chỉ để dạy cho họ biết đờn ca tài tử, cải lương.

Những buổi dạy đờn và biểu diễn đờn ca tài tử có rất nhiều cô thôn nữ xinh đẹp đến xem. Nhiều cô cảm phục tài năng của thầy đờn Hai Cụt và đem lòng yêu mến. Có cô giả vờ xin học đờn, có cô đề nghị ông dạy hát chỉ để được gặp ông thường xuyên.

“Có lẽ là duyên trời định mà tôi yêu và cưới cô thôn nữ Trần Thị Đắc làm vợ” - ông Hai Cụt cười tươi khi nhắc chuyện này.

“Vợ tui không đẹp nhưng có duyên và tính tình hợp với tui. Còn mấy cô kia thì đẹp lắm, họ có để ý tui nhưng tui không dám nói chuyện nhiều vì mặc cảm mình chỉ có một tay. Nói chung, tui nghĩ là do duyên phận thôi hà”, ông Hai Cụt nhớ chuyện xưa.

Bà Trần Thị Đắc nhỏ hơn ông Hai Cụt một tuổi, cũng là một người làm ruộng đam mê đờn ca tài tử. Bà nói sở dĩ thương ông Hai Cụt vì ông đờn quá hay.

Tiếng đờn của ông chạm tới trái tim mọi người và quan trọng hơn bà cảm nhận được ở ông đức tính cần cù, chịu khó, không đầu hàng nghịch cảnh.

“Tui thấy nhiều người bị thương tật như ổng mà còn không làm được chuyện nhà nói chi đến học và đờn hay như vậy. Hồi đó nhiều cô mê ổng lắm, tui cũng ghen hoài chứ gì” - bà Đắc kể.

Cưới vợ xong, ông đưa bà Đắc về quê ở xã Ngũ Hiệp sinh sống. Tại đây ông tích cực tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ và trở thành một tài tử đờn ghita phím lõm chủ lực của phong trào đờn ca tài tử từ xã đến huyện.

Năm 1998, Tỉnh đội Tiền Giang lập một đội văn nghệ cấp tỉnh để tham gia hội diễn văn nghệ quần chúng Quân khu 9. Ông Hai Cụt được triệu tập để dự thi tiết mục độc tấu đàn ghita phím lõm.

Với ngón đờn một tay tuyệt vời của mình, ông Hai Cụt đã được trao huy chương vàng cho tiết mục độc tấu bản Nam xuân qua vọng cổ.

“Ở cấp huyện, tỉnh thì tui đi thi là có giải, trong đó có rất nhiều giải đặc biệt” - ông Hai Cụt khoe. Sau này lớn tuổi, sức khỏe cũng suy giảm nên ông Hai Cụt không tham gia các hội thi nữa mà dạy đờn cho những người yêu thích bộ môn nghệ thuật này và duy trì nhóm đàn ca tài tử gồm con cháu và người thân quen trong gia đình.

Anh Nguyễn Văn Thương (42 tuổi, một người hàng xóm của ông Hai Cụt) nói đa số người dân xã Ngũ Hiệp rất mê đờn ca tài tử, cải lương nên khi nhà có đám tiệc đều mời ông Hai Cụt tới đàn cho những người thích ca có cơ hội góp vui. Anh Thương tập tành ca tài tử từ 20 năm trước và ca rất hay.

Anh nói thêm: “Ở đây cũng có một số người biết đờn ghita phím lõm nhưng không ai qua được chú Hai Cụt. Đám nào có chú đờn thì tui hát mới tự tin. Người khác không rành bài bản, ngón đờn lập bập nên thường phải “đu” theo người hát. Hát kiểu đó dễ ức chế lắm. Trong nghệ thuật đờn ca tài tử thì tiếng đờn và tiếng hát phải hòa làm một nghe mới hay. Còn hát một đằng, đờn một nẻo thì thà hát chay hay hơn”.

“Giới trẻ bây giờ toàn hát nhạc trẻ, đọc rap. Có lẽ càng ngày không có nhiều người trẻ mê đờn ca tài tử nữa. Con tui cũng không mê mới chết”. Băn khoăn vậy nên ông Hai Cụt nói mong mỏi của ông bây giờ là truyền ngón đờn ghita phím lõm cho những người trẻ yêu tài tử, cải lương.

__________________

Trong giới nhiếp ảnh nghệ thuật ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long hầu như ai cũng biết ông vì ông không chỉ chụp ảnh đẹp mà còn có thể... nói được giọng người bị sứt môi, người bị ngọng, giọng người bị khàn tiếng, con nít, ông lão, bà lão, giọng người nước ngoài tập tành nói tiếng Việt...

Kỳ tới: Nhà nhiếp ảnh “tắc kè”

VÂN TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên