20/05/2024 13:05 GMT+7

Người Việt và giấc mơ vàng - Kỳ 7: Những cánh tay vàng rực vòng ximen

"Trăm năm trước, ông bà già tui còn sống trên xuồng ghe, cả đời lênh đênh từ bến này qua bến nọ, vàng bạc không đeo trên người thì biết cất ở đâu? Cứ người đâu thì của đó, vậy cho nó an tâm" .

Ở quê miền Tây, người buôn bán nhỏ cũng đeo nhiều vàng là chuyện bình thường - Ảnh: TRÚC QUYÊN

Ở quê miền Tây, người buôn bán nhỏ cũng đeo nhiều vàng là chuyện bình thường - Ảnh: TRÚC QUYÊN

Nhiều người, nhất là ở quê miền Tây, hiện nay vẫn thích đeo vàng. Họ đeo vòng ximen và đeo cả mấy chục cái vàng rực cánh tay, rồi thêm cà rá, dây chuyền, bông tai lấp lánh cả người. Ngoài trang sức, nhiều người còn có quan điểm... người đi đâu của theo nấy.

"Có tiền sắm bộ vòng với cọng dây chuyền vàng vàng dành đi đám để người ta ngó coi cho đặng, dư dả nữa thì sắm luôn tấm lắc 24K bự bự đeo cho nó sang.
Bà TRẦN THỊ THU

Người đâu của đó

"Trăm năm trước, ông bà già tui còn sống trên xuồng ghe, cả đời lênh đênh từ bến này qua bến nọ, vàng bạc không đeo trên người thì biết cất ở đâu? Cứ người đâu thì của đó, vậy cho nó an tâm" - cụ bà Nguyễn Thị Ngọ (82 tuổi, ngụ huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) cười khà khà đúng điệu chân chất người miệt vườn Tây Nam Bộ.

Miền đất này sông nước mênh mông, ruộng đồng bát ngát. Lưu dân từ những miền khác tới khẩn hoang rồi dựng chòi bằng lá, bằng cây cốt để che mưa tránh nắng mà sinh sống. Qua thời gian, làm lụng dành dụm được ít tiền, hên mà được vài mùa lúa.

Cụ bà Ngọ kể hồi đó cuộc sống người miền Tây cũng bấp bênh như con nước lên xuống theo mùa, nói trắng ra là làm thuê làm mướn hay làm nông dân thì cũng còn nghèo lắm. Nhà cửa đôi khi còn không có, nên nhắc tới vàng ai mà hổng ham.

"Sắm vàng đặng hậu bây à! Nhiều khi đau ốm bất thình lình, có mấy phân vàng trong mình thì cũng đỡ lo. Còn tỉ dụ ông trời ổng thương, không có công chuyện gì xui rủi thì coi như sắm để dành làm của cũng có mất mát đi đâu mà sợ!", cụ bà thật thà chia sẻ.

Bà con sinh sống ở vùng Đồng Tháp Mười (tên gọi vùng đất nằm bên tả ngạn sông Tiền, trải dài qua ba tỉnh Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp) ngày xưa đa số sống tạm bợ trong nhà tranh vách lá chứ đâu kín cổng cao tường, tủ này tủ kia hay két sắt chắc chắn như bây giờ. Nên hễ có tiền sắm chút vàng là người ta sẽ ưu tiên mua trang sức, những loại đeo được trên người. Cứ vậy cho chắc ăn, tài sản quý thì bất ly thân.

Cũng phải nói đến suốt bao năm ngoài dùng làm trang sức thì vàng cũng là một loại "kim tệ" khá thông dụng. Người quê thường quy ra vàng để tính toán, mua bán hay trao đổi các tài sản lớn như đất đai, nhà cửa, ghe xuồng, trâu bò hay thậm chí là các công cụ lao động thô sơ dùng trong sản xuất nông nghiệp. Đôi khi sa hồi thắt ngặt, phải vay mượn, người ta cũng quy ra những chỉ vàng chứ ít khi tính bằng tiền.

Bà con ở đây trải lòng nhiều khi làm lụng cả năm trời mà Tết tới hổng có được đôi bông tòn teng hay cọng dây chuyền mỏng mỏng đeo trên cổ thì tự nhiên cũng hổng dám ra đường, ít gì cũng cái cà rá đeo đặng cho có với người ta.

Cụ bà Ngọ kể có lần em gái lấy chồng miết ở dưới Năm Căn (Cà Mau) về hỏi mượn bà ít chỉ vàng để đeo dịp Tết. "Ở dưới mà hổng đeo vàng, nhà hổng có cái này cái kia, người ta dòm dữ lắm. Năm nay lỡ thất mùa cũng đành, chứ qua năm hai vợ chồng tụi tui phải ráng mần cho có của ăn của để, sắm vàng đeo cho đỡ nghèo quá bà ơi!", bà này kể với chị mình.

Ngoài ra, thói quen sắm vàng và đeo vàng của người miền Tây cũng hình thành qua nhiều năm chiến tranh, loạn lạc, bom đạn triền miên làm người ta tạm gác lại giấc mơ xây nhà cao cửa rộng, mà thay vào đó, họ chỉ muốn sắm vàng lận lưng đặng có chạy giặc hay chạy tới đâu đi nữa cũng có cái để phòng thân ngay trên mình.

Vòng vàng ximen hiện được nhiều phụ nữ ở miền Tây ưa thích và đeo dày hàng chục cái - Ảnh: TRÚC QUYÊN

Vòng vàng ximen hiện được nhiều phụ nữ ở miền Tây ưa thích và đeo dày hàng chục cái - Ảnh: TRÚC QUYÊN

Những bộ vòng ximen làm nên "thương hiệu"

Bây giờ, về miền Tây vẫn thấy những cô gái trẻ thường thích đeo đôi bông tai tòn teng, cổ đeo dây chuyền vàng có mặt đá hình hoa hình sao lấp lánh, kèm theo vài ba chiếc cà rá vàng là đủ bộ.

Những chị trung niên, cô bác đứng tuổi thì ưa bông tai đồng điếu, chuộng những tấm lắc dày cui nhận thêm hột dưa cho "đầm" lại. Đặc trưng nhất trong "phong cách đeo vàng" ở miệt vườn phải kể đến là những bộ vòng ximen sáng chói, mấy chục chiếc dày lấp cả cẳng tay. Tuy nhiên, loại trang sức này lại không phải là sản phẩm được khởi đầu chế tác bởi những người thợ kim hoàn miền Tây.

Theo tìm hiểu, những bộ vòng ximen này có nguồn gốc từ Pháp, được du nhập vào Việt Nam thời Pháp thuộc, tức là từ hơn một thế kỷ trước. Với tên gọi đầy đủ theo tiếng Pháp là Bracelet Femme Semaine, tạm dịch là một loại vòng tay đại diện cho bảy ngày trong tuần. Vốn dĩ mỗi bộ vòng ximen có bảy chiếc, được gắn kết với nhau thành một khối.

Nhưng khi được du nhập về Việt Nam, những bộ vòng ximen được người miền Tây yêu thích và biến tấu, tách ra thành từng chiếc vòng riêng biệt, vô tình đã tạo nên bản sắc nữ trang riêng cho vùng đất này.

"Người miền khác đôi khi thấy lạ, chứ tôi lớn lên ở miền Tây nên thấy người ta đeo vàng như vậy dễ thương mà. Về dưới đi rồi thấy, mấy chị em đeo vàng đỏ tay, vòng xi men đeo khúc khúc là rất bình thường luôn!" - chị Phượng Giang (32 tuổi, quê Đồng Tháp) vui vẻ nói.

Nhiều phụ nữ miền Tây đến giờ phải nói là vẫn rất thích đeo những bộ vòng ximen. Nếu kinh tế dư dả, họ sẵn sàng "chịu chơi" đeo hai, ba bộ (tức là 14 chiếc hoặc 21 chiếc) thay vì chỉ đeo một bộ gồm bảy chiếc như nguyên bản.

Bà Hồng Thắm (55 tuổi, ngụ huyện Chợ Mới, An Giang) với kinh nghiệm kinh doanh vàng bạc hơn 20 năm kể: "Ở đây, tui bán vòng ximen chạy lắm, loại này chủ yếu được làm từ vàng 18K vì có độ cứng chắc phù hợp chế tác nữ trang. Giá mỗi bộ vòng tùy thuộc trọng lượng vàng, thường nếu đeo một bộ bảy chiếc tầm 2-3 chỉ vàng sẽ thấy hơi mỏng tay nên chị em hay sắm hai bộ là 14 chiếc tầm 4-5 chỉ đeo cho nó dày dặn, chắc tay hơn".

Cũng theo bà Thắm, xưa nay người miền Tây sắm vàng trước để có mà đeo trong đám tiệc, lễ Tết hoặc vào các dịp trọng đại như cưới xin, sau nữa là cũng có của cải để dành, tích lũy cho gia đình và con cháu về sau.

"Hồi xưa làm vòng này người thợ hàn kín luôn các chiếc vòng, khi đeo vào phải dùng bọc ni lông với xà bông thì mới nong vào được, có khi về sưng phù bàn tay là chuyện thường. Bây giờ hiện đại rồi, người ta thiết kế từng chốt mở riêng cho mỗi chiếc nên cũng tiện lợi lắm, nếu muốn tháo ra cất thì cũng dễ dàng hơn mà không sợ méo mó hay hỏng kiểu dáng vòng!", bà Thắm cho biết thêm.

Ngoài vòng ximen và các loại trang sức vàng 18K thì những tấm lắc tay vàng 24K hay nhẫn trơn vàng 9999 cũng rất được ưa chuộng ở vùng này. Với thiết kế đơn giản, không cầu kỳ nên không mất nhiều tiền công. Người ít tiền cũng đeo lấp lánh trên mình một vài chỉ cho có với thiên hạ. Người dư dả lủng lẳng trên mình vài lượng, thậm chí chục lượng, là chuyện thường ở huyện.

Các cô các bà mê đeo cái thứ lấp lánh này trên người đã đành. Cánh mày râu cũng khoái, kiểu có cái cà rá, sợi dây vàng bự bự tròng vô cổ. Vậy nên vô đám tiệc, thấy ai đó "chơi sốc" đeo vàng nhiều rực thân, người ta hay hỏi vui: "Có độn vàng giả của bà Tám bán thúng ngoài chợ hông đó má?".

--------------------------

Gần đây, dân được ít vàng phòng thân hay có việc hỷ sự phải mua vàng cứ băn khoăn chốt chưa? Người cần bán thì nghĩ vàng còn lên giá nữa. Người muốn mua thì ráng đợi xem giá có xuống thang.

Kỳ tới: Phập phồng theo vũ điệu của vàng

Người Việt và giấc mơ vàng - Kỳ 6: Áp lực vàng cưới thời tăng giáNgười Việt và giấc mơ vàng - Kỳ 6: Áp lực vàng cưới thời tăng giá

Nhắc đến đám cưới vào thời điểm này, một trong những nỗi lo của các gia đình không có nhiều điều kiện là xoay quanh chuyện vàng cưới.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên