Cuộc sống vốn dĩ rất áp lực. Người trẻ có ý chí, luôn cố gắng đạt thành tựu, cũng là nhóm người mong manh nhất. Họ bị những "vết thương" vô hình từ kỳ vọng mà chính mình và mọi người xung quanh nhìn. Họ cần được chữa lành hơn ai hết.
"Tí tuổi, chi đâu mà bày đặt chữa lành"
Tôi quen P. đã nhiều năm. Chàng trai có gương mặt sáng, thông minh và học rất giỏi. Ai cũng nghĩ thành công sẽ đến với cậu ấy sau khi ra trường. Ra trường, bạn thành công thật. Những nấc thang về lương, môi trường làm việc để thăng tiến đều ngoài những gì chàng trai trẻ từng hy vọng.
Kỳ vọng bạn đặt cho mình cũng lớn hơn. Tuổi trẻ, tài giỏi đặt thêm áp lực cho mình cũng là một cách để có thêm thử thách vươn lên.
Nhưng vì dịch COVID-19, bạn 2 lần phải đổi công việc, đều là bị sa thải vì tình hình công ty quá khó khăn. Như bị trúng thương, bạn về quê hương nương náu.
Nhưng rồi những lời hỏi thăm mà như dao nhọn, "thất nghiệp à; nghe cháu/em/bạn giỏi lắm mà giờ về quê...".
Facebook của bạn dần xuất hiện những câu bất thường. Rồi bạn đóng Facebook, chẳng ai liên lạc được. Mãi cho đến ngày mọi người hay tin bạn mất, do tự tử.
Tính từ lần gặp cuối cùng, tôi thấy P. đầy nhiệt huyết đến khi bạn lìa khỏi cõi đời đúng 36 tháng. Vâng, sẽ có người chửi ngu, hoặc cho rằng bạn yếu đuối. Và chắc chắn sẽ có câu "nếu là tôi, tôi sẽ....".
Khi bạn không ở trong trạng thái của người khác, không hiểu người khác hiểu gì, đừng bao giờ "nếu là tôi, tôi sẽ...".
Có thể bạn tôi ngu ngốc chọn một cách kết thúc như vậy. Nhưng có ai cảm nhận vết thương cậu ấy đã trải qua. Và có ai "giá như cậu ấy được chữa lành, mọi chuyện sẽ không tệ đến vậy".
Người càng trẻ, càng giỏi càng mong manh
Tôi tiếc nuối cho sự ra đi của P.. Bạn bè cũng đau xót. Và tôi đã nghe những câu "giá như" từ nhóm bạn của P.. Đáng ra lúc P. có sự thay đổi, mọi người phải bên cạnh nhiều hơn. Trong cuộc trò chuyện ấy, những người trẻ tuổi, toàn hạt gạo trên sàng, nhận ra những áp lực của người trẻ đang gặp phải.
Áp lực thành công của xã hội hiện nay rất lớn. Ở độ tuổi phải chứng tỏ bản thân, người trẻ lao vào làm việc. Có người cố gắng để có nhà, mà giá đất thì tăng chóng mặt. Có người cố gắng để sinh hoạt phí không quá chật vật lại bị giảm lương, sa thải... Những thời điểm sụp đổ ấy, những người càng "sáng" trong mắt người khác lại rất cô độc.
Ở một góc nào đó, mạng xã hội là "nhà tù" của cảm xúc chứ không phải là nơi nhận về sự sẻ chia. Bạn than mệt, sẽ có người vào cợt nhả. Họ chẳng quan tâm bạn mệt thật hay không.
Mỗi khi vợ tôi bực bội, tôi hiểu những vết thương của cô ấy cần chữa lành, chứ tôi thấy không khó chịu. Xã hội chẳng bao dung như bạn nghĩ. Sự nghiệp của mỗi người là trang sức lấp lánh, bởi ngoài kia ai cũng đeo trang sức đó ra đường.
Người trẻ rất cần chữa lành, thật đó. Bạn không thấy sao, những vụ tự tử xảy ra trong thời gian qua tại Việt Nam và trên thế giới đa phần đến từ người trẻ. Và nó đến từ những nơi mà áp lực thành công luôn là thước đo, phép so sánh.
Chữa lành, tôi nghĩ có nhiều cách và tùy theo mỗi người. Như tôi, mỗi lúc áp lực nhất, tôi chữa lành bằng cách nghĩ về tuổi thơ và cha mẹ nghèo khó của mình và tự nhủ được như vầy là hạnh phúc lắm rồi. Hoặc tôi sẽ tìm hiểu những mảnh đời khốn khó và đến với họ, động viên và sẻ chia với mảnh đời cũng là tự an ủi mình.
Một người bạn của tôi chọn cách chữa lành bằng xin nghỉ phép và tắt tất cả liên lạc, bỏ đi đâu đó thời gian. Một người bạn khác lại chọn về nhà với ba mẹ và lũ bạn ở quê... Chúng ta có nhiều cách để vượt qua áp lực, và dĩ nhiên có người cần sự trợ giúp mới vượt qua.
Vậy nên, đừng cười cợt những người có mong ước được chữa lành. Hãy lắng nghe họ, bởi lúc đó họ đang cần sự sẻ chia. Chính sự vô tâm, mỉa mai ấy đã khiến vết thương nhỏ nặng hơn, hoặc có thể không bao giờ lành lại.
Người càng trẻ lại càng cần chữa lành, bởi những người lớn họ trải qua sóng gió, đủ vững chãi để đứng lên mỗi khi bị đè xuống. Nhưng muốn có sự vững chãi ấy, phải cần thời gian.
Bạn có khi nào có mong muốn được chữa lành? Theo bạn, những chia sẻ "muốn đi chữa lành" của bạn trẻ trên mạng xã hội chỉ để cho vui hay phản ánh mong muốn thật sự của họ? Mời bạn chia sẻ ý kiến về hòm mail hongtuoi@tuoitre.com.vn. Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận