Sau dịch COVID-19, từ khóa "chữa lành" xuất hiện dày đặc trên các trang mạng xã hội. Xu hướng này được nhiều người hưởng ứng, nhất là người trẻ.
Chữa lành được hiểu nôm na là tìm đến một số phương pháp để xả stress, giảm bớt mỏi mệt, tổn thương tâm lý khi gặp phải vấn đề nào đó.
Khi chữa lành nổi lên như một xu hướng, nhiều người muốn "đu trend" trải nghiệm. Do đó dù chưa chắc rơi vào tình trạng mỏi mệt hay sang chấn tâm lý, "muốn được chữa lành" là cụm từ xuất hiện khắp nơi.
Việc nhà nhà, người người thể hiện muốn được chữa lành tạo nên tâm lý chế giễu của đám đông từ mạng xã hội đến ngoài đời. Nhiều người cho rằng còn trẻ mà đòi chữa lành là làm màu, chạy theo đám đông, thích hưởng thụ và sống ảo, chứ "có bị gì nặng đâu mà đòi chữa".
Ngoài ra, một số nơi lợi dụng xu hướng này để mở lớp dạy gọi là khóa học chữa lành và thu học phí cao, song hiệu quả không tới đâu.
Những điều này khiến người thật sự gặp phải vấn đề về tâm lý, tâm thần càng thu mình lại, có khó khăn cũng im lặng chịu đựng, loay hoay tự giải quyết thay vì tìm kiếm sự giúp đỡ, vì sợ bị chê cười.
Chưa hết, không ít người cho rằng chữa lành chỉ hợp với người nhiều tiền, thu nhập cao. Còn người lương thấp mà đòi chữa là đua đòi, bị mắng là không biết cố gắng vươn lên, như trường hợp của cô bạn tôi vừa đề cập ở trên.
Sau những câu bình luận theo kiểu vơ đũa cả nắm, cô bạn tôi không những không tìm ra phương pháp phù hợp giải quyết vấn đề của bản thân, mà còn stress nặng thêm. Đã tổn thương, lên mạng nhờ hỗ trợ liệu pháp chữa lành thì nhân đôi tổn thương vì bị… chữa rách thêm vết thương chưa kịp lành.
Áp lực, căng thẳng, mệt mỏi trong công việc, gia đình, cuộc sống hay rối loạn tâm lý là điều ai cũng phải trải qua trong quá trình trưởng thành. Nhưng trước khi có đủ động lực và sức lực để đứng lên đi tiếp, nhiều người trẻ nhận thấy mình có vấn đề về mặt tinh thần cần giải quyết.
Và chữa lành là một cách quan tâm đến sức khỏe tâm lý, tâm thần của chính mình trước khi để nó diễn tiến nặng hơn. Việc chữa ra sao để lành còn tùy vào hoàn cảnh, điều kiện, tài chính, thời gian, vấn đề mỗi người gặp phải…
Do đó, tôi cho rằng không nên thấy một người có ý muốn chăm sóc sức khỏe tâm thần của bản thân họ liền đánh giá họ bắt chước xu hướng, hoặc chế giễu theo kiểu nghèo thì đừng đua đòi. Người ta có tổn thương hay không làm sao bạn biết? Và chẳng lẽ lương thấp thì không có quyền tổn thương và không được phép chữa lành?
Bạn có khi nào có mong muốn được chữa lành? Theo bạn, những chia sẻ "muốn đi chữa lành" của bạn trẻ trên mạng xã hội chỉ để cho vui hay phản ánh mong muốn thật sự của họ? Mời bạn chia sẻ ý kiến về hòm mail hongtuoi@tuoitre.com.vn. Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận